| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Khắc Nhu- nhà yêu nước chân chính

Thứ Ba 11/02/2014 , 09:56 (GMT+7)

Nguyễn Khắc Nhu là một trong hai lãnh tụ xuất sắc của Việt Nam Quốc Dân đảng. Ông và Nguyễn Thái Học chủ trương bạo động võ trang để giành chính quyền...

Nguyễn Khắc Nhu là một trong hai lãnh tụ xuất sắc của Việt Nam Quốc Dân đảng (VNQDĐ). Ông và Nguyễn Thái Học chủ trương bạo động võ trang để giành chính quyền làm chính sau khi thấy các nhà yêu nước thuộc phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục lấy cải cách làm chính không giành được thắng lợi.

>> Chết vì Tổ quốc chết vinh quang

Chủ trương bạo động võ trang của VNQDĐ mà đỉnh cao là Khởi nghĩa Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Khắc Nhu cùng những đồng đội của ông bị bắt, bị giết và tù đày. Trước khi tự sát ông đã nêu cao khí tiết của người chiến sĩ yêu nước chân chính...

Từ trẻ chăn trâu đến đỗ đầu Xứ

Trong cuốn “Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1993, trong đó có bài viết “Kể chuyện Nguyễn Khắc Nhu” của nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam Nguyễn Khắc Đạm, con trai thứ ba của Nguyễn Khắc Nhu đã kể lại cuộc đời thơ ấu của cha mình.

Nguyễn Khắc Nhu sinh năm 1882 tại làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Vốn thông minh từ nhỏ nhưng không được học hành tử tế, năm 12 tuổi thì cha mất, ông được cho đi ở nhà cụ Tú Bảng trong làng để sớm chiều chăn trâu cắt cỏ.

Do sáng dạ, dù không được cụ Tú Bảng dạy, tuy chỉ đứng ngoài lớp nhưng ông đã nhập tâm những chữ thánh hiền dạy cho lũ học trò. Thấy thế, cụ Tú Bảng dạy thêm cho ông và mang ông theo làm thằng hầu tới một số nơi mà cụ Tú dạy học.

Theo cụ Tú Bảng một thời gian, ông trở về nhà tiếp tục chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc giúp mẹ bán lấy tiền nuôi sống gia đình. Cảm mến đứa trẻ thông minh, nhà sư trụ trì của làng đã từng đi thi hương nhận ông vào chùa vừa giúp việc vừa dạy học thêm.

Sư trụ trì dạy cho ông “hết chữ” thì gửi lên chùa Lạc Gián cách Song Khê 5 cây số, để sư ở đây có trình độ học vấn cao hơn tiếp tục dạy. Tại đây ông được tiếp cận với các chiến sĩ Yên Thế do cụ Đề Thám lãnh đạo, nhất là thực hiện việc đưa đường trót lọt cho Phan Bội Châu lên Phồn Xương gặp Đề Thám, cùng với những gì mắt thấy tai nghe, ngọn lửa yêu nước trong ông bùng cháy, ông quyết tâm học tập và đỗ đầu xứ Bắc Kỳ, người ta mới gọi ông là Xứ Nhu.

Vai trò của Nguyễn Khắc Nhu

Từ sự gợi ý của Phan Bội Châu đang bị giam lỏng tại Huế cần đào tạo nhân tài để làm cách mạng, Nguyễn Khắc Nhu lập hội “Quốc dân dục tài”. Hội có chi nhánh ở nhiều tỉnh, nhất là Hà Nội và Hải Phòng. Hội mở lớp, dạy nhiều môn, nhưng trọng tâm là môn văn và luân lý nhằm khơi dậy lòng yêu nước của mọi người.

Nhận thấy nguy cơ của hội “Quốc dân dục tài” thực dân Pháp đã ra tay đàn áp. Với những người sót lại của phong trào Đông Du, một số dư đảng Hoàng Hoa Thám, những bạn học trò cũ có tâm huyết chống Pháp, Nguyễn Khắc Nhu lập hội “Việt Nam Dân Quốc”. Hội đã lập một số xưởng chế tạo vũ khí để chuẩn bị cho khởi nghĩa.

Do cơ sở chế bom ở làng Chè và Do Tự (huyện Gia Lâm) phát nổ, nên Pháp có cơ sở để đàn áp. Sau khi VNQDĐ được thành lập ngày 25/12/1927 với cương lĩnh dùng bạo động võ trang để giành chính quyền, Nguyễn Khắc Nhu cùng hội Việt Nam Dân Quốc gia nhập VNQDĐ đầu năm 1928. Việc gia nhập VNQDĐ của Nguyễn Khắc Nhu đã khiến đảng mạnh hẳn lên và đem đến nhiều thay đổi lớn trong đảng này.

Theo GS sử học Văn Tạo: “Về sự nghiệp, tư liệu mới cho thấy có lúc Nguyễn Khắc Nhu phụ trách cương vị trong đảng cao hơn Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Lập pháp và Kiểm soát, mà Nguyễn Thái Học làm phó ban...”

Ngày 9/12/1928 trong kỳ họp tổng bộ thứ ba của VNQDĐ, Nguyễn Khắc Nhu được bầu Trưởng ban Lập pháp và Kiểm soát, nghiễm nhiên trở thành Chủ tịch đảng, Nguyễn Thái Học được bầu làm phó ban, tức là Phó Chủ tịch đảng.


Hai người con gái của Nguyễn Khắc Nhu sống ở Yên Bái kể chuyện cha mình với tác giả

Tại hội nghị Lạc Đạo ngày 1/7/1929 VNQDĐ xuất hiện luồng tư tưởng hoãn khởi nghĩa võ trang chờ thời cơ tốt hơn. Nhưng với quyết tâm của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu “Không thành công cũng thành nhân” quyết định khởi nghĩa võ trang để giành chính quyền. Từ quyết tâm đó Khởi nghĩa Yên Bái đã nổ ra ngày 10/2/1930.

Chí khí nhà yêu nước

Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy đánh đồn Hưng Hoá và phủ Lâm Thao. Đúng 1 giờ sáng ngày 10/2/1930 cuộc khởi nghĩa do VNQDĐ tổ chức đồng loạt bùng nổ ở cả ba nơi: Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hoá.

Khi nghĩa quân khởi nghĩa của Nguyễn Khắc Nhu nổ súng đánh đồn Hưng Hoá, do cơ sở nội ứng trong đồn đã bị chuyển đi nơi khác, nên nghĩa quân không thể chiếm được đồn. Nguyễn Khắc Nhu buộc phải rút quân về phối hợp với nghĩa quân ở phủ Lâm Thao.

Nghe tin đồn Hưng Hoá bị quân khởi nghĩa tấn công, công sứ Pháp tại Phú Thọ tăng cường viện binh tới cứu nguy và bao vây phủ Lâm Thao. Cuộc chiến không cân sức, đội quân khởi nghĩa vừa rút lui vừa chống trả quyết liệt. Nguyễn Khắc Nhu bị thương, nhưng từ chối những người dìu đi, ông nằm lên hai quả bom tự sát. Nhưng bom tự chế sức nổ không cao ông chỉ bị thủng bụng và ngực nên quân Pháp bắt được.

Khi giặc áp giải qua sông, ông đã nhảy xuống sông tự vẫn nhưng chúng đã vớt được ông lên giam trong đồn Hưng Hoá. Ông đã chửi vào giữa mặt bọn giặc: “Tôi là người Việt Nam, có bổn phận bảo vệ đất nước giành lại độc lập...”.

Đêm 11/2/1930, ông đã dồn toàn bộ sức lực còn lại đập đầu xuống sàn lim tự vẫn để bảo toàn khí tiết của người yêu nước. Ngay đêm hôm đó, giặc mang xác ông chôn giữa cánh đồng rồi dùng trâu bừa phẳng để người dân không tìm thấy dấu vết tới thắp hương, tưởng niệm người anh hùng đã xả thân vì nước.

Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học

Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học cùng 16 liệt sĩ là đảng viên VNQDĐ đã bị giặc Pháp chém đầu ngày 8/5/1930 và ngày 17/6/1930 nằm trong Công viên Yên Hoà rộng 30 ha nằm giữa trung tâm TP.Yên Bái cạnh đại lộ Nguyễn Thái Học, đây là con đường đẹp nhất của TP. Yên Bái.


Trẻ em chơi đùa trước tượng đài Nguyễn Thái Học

Ngày 5/3/1990, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã công nhận đây là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái, ngày 17/6/2000 tỉnh Yên Bái và Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch đã khởi công xây dựng tượng đài, lăng mộ cùng nhiều hạng mục khác của khu tưởng niệm.

Tượng đài cao 19 m có 5 nhân vật, đứng trước là Nguyễn Thái Học, sát ngay bên phải là Nguyễn Khắc Nhu đầu đội khăn gõ, hai người nắm tay nhau rất chặt, phía sau là người lính tay cầm súng, bên trái là Phó Đức Chính, phía sau là Nguyễn Thị Giang (cô Giang). Đây là những nhân vật tiêu biểu cho cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. Khu mộ Nguyễn Thái Học có 17 cột tượng trưng cho 17 liệt sĩ bị hành hình tại đây, kết nối 17 cột là vòng lớn với dòng chữ “Không thành công cũng thành nhân”. (Hết)

Năm 2013 TP. Yên Bái tiếp tục chỉnh trang nâng cấp Công viên Yên Hoà gắn với việc sửa sang lại Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học. Người dân Yên Bái thường xuyên tới đây thắp hương tưởng niệm những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất