| Hotline: 0983.970.780

Nguyên nhân và cách tiêm sắt cho lợn con

Thứ Tư 19/07/2017 , 08:43 (GMT+7)

Sắt là thành phần quan trọng của máu, có trong hồng cầu và ở các mô bào khác. Lợn con dưới 30 ngày tuổi thiếu sắt vì sữa mẹ không cung cấp đủ.

Hỏi: Tại sao phải tiêm sắt cho lợn con? Cách tiêm như thế nào?

Trả lời: Sắt là thành phần quan trọng của máu, có trong hồng cầu và ở các mô bào khác. Lợn con dưới 30 ngày tuổi thiếu sắt vì sữa mẹ không cung cấp đủ. Khi thiếu sắt thì lợn bị thiếu máu, biểu hiện da nhợt nhạt, gầy, vận động yếu, lông xù, đôi khi thở nhanh vì thiếu dưỡng khí. Do vậy phải bổ sung sắt để chống thiếu máu cho lợn con.

Cách tiêm: Tiêm vào cơ bắp cổ của lợn (dưới hốc tai). Lợn nội tiêm 2 lần, mỗi lần 1ml (100 mg) vào ngày thứ 3 và thứ 10 sau đẻ; lợn lai F1 tiêm 1 lần vào ngày thứ 3 sau đẻ, liều 2ml (200 mg).


Hỏi: Tại sao phải cai sữa sớm cho lợn con? Để cai sữa sớm cho lợn con cần phải làm gì?

Trả lời: Cai sữa sớm cho lợn con nhằm tăng số lứa đẻ/nái/năm, giảm thiểu khả năng truyền bệnh từ lợn mẹ sang lợn con và giảm hao mòn lợn mẹ sau cai sửa để lợn mẹ chóng động dục trở lại. Muốn cai sữa sớm cho lợn con phải có thức ăn đầy đủ thành phần dinh dưỡng để lợn con có thể ăn sớm, lúc cai sữa đã ăn thành thạo và lợn mẹ cũng phải có thức ăn đầy đủ thành phần dinh dưỡng để đủ sữa nuôi con phát triển bình thường, khỏe mạnh.


Hỏi: Tôi muốn trồng củ đậu trái vụ để bán được giá. Xin cho biết thời vụ và kỹ thuật trồng sao cho hiệu quả?

Trả lời: Ở các tỉnh miền Bắc củ đậu chính vụ thường được trồng từ 15/6 - 10/7. Thời vụ thích hợp để trồng củ đậu trái vụ là từ 20/7 - 30/8.

Để trồng củ đậu cho năng suất, hiệu quả cao cần phải chọn đất ruộng có tầng canh tác dày, đất cát pha hoặc thịt nhẹ tơi xốp, thoát nước. Đất được cày bừa, lên luống theo hình bán nguyệt với chiều rộng luống từ 1 - 1,2m, chiều cao đỉnh luống từ 45 - 50cm, bón từ 20 - 30kg vôi tả/sào, diệt sạch cỏ dại và mầm bệnh. Mật độ trồng là 18cm x 18cm hoặc 15cm x 17cm.

Khi gieo cần phải đặt hạt nằm, không đặt hạt nghiêng và không để hạt tiếp xúc trực tiếp với phân bón lót, không phủ đất kín hạt, nên đặt hạt cách chân luống 20 - 25cm. Dùng rơm rạ phủ kín mặt luống và tưới ẩm. Khi cây mọc được 20 - 22 ngày thì thực hiện bón thúc sau đó cứ 15 - 20 ngày lại bón một lần cho đến khi trước lúc thu hoạch từ 30 - 40 ngày thì dừng bón. Mỗi lần bón phân đạm với phân kali kết hợp tát nước vào rãnh luống, tưới nước ướt rạ rồi mới pha phân tưới. Tưới nước phân xong dùng doa tưới lại nước lã để tránh làm đạm, kali bám vào lá gây cháy.

Cây có thể leo, phát triển thân lá nhiều, do đó để tập trung dinh dưỡng nuôi củ nông dân cần bấm ngọn. Bấm ngọn lần đầu sau khi cây mọc được 25 - 30 ngày (cây cao khoảng 20cm) sau đó cứ 7 - 10 ngày lại bấm ngọn cho đến lúc thu hoạch.

Củ đậu được thu hoạch khi TGST đạt từ 120 - 150 ngày tùy theo điều kiện của thị trường có thể kéo dài thời gian thu hoạch. Ngừng phun thuốc BVTV, phân bón lá trước thu hoạch 25 -30 ngày.


Hỏi: Nghe nói bệnh vàng lùn là bệnh nguy hiểm đang xuất hiện trên lúa ở vùng Nam Bộ chúng tôi. Xin cho biết cách nhận diện loại bệnh này trên đồng ruộng?

Trả lời: Bệnh vàng lùn do virus gây ra và do con rầy nâu là môi giới truyền bệnh, sau đây là triệu chứng điển hình của chúng trên đồng ruộng:

Trên ruộng: Bệnh thường xuất hiện riêng biệt ở từng bụi lúa. Cây lúa bệnh đẻ nhánh ít hơn bình thường. Trong một bụi lúa cũng có thể chỉ có một số tép (dảnh) lúa bị bệnh, còn các tép khác vẫn phát triển bình thường. Tuy nhiên, cũng có thể tất cả các tép lúa trong một bụi đều bị nhiễm bệnh, thậm chí bị chết rụi đi.

Trên tép lúa bị bệnh: Lá lúa từ màu xanh chuyển dần sang màu xanh nhạt, rồi vàng nhạt, vàng cam và cuối cùng là chết khô. Lá dưới gốc bị vàng trước, sau đó lan dần lên các lá phía trên. Khi nhiễm bệnh tép lúa sẽ không phát triển chiều cao nữa, vì thế tép lúa sẽ bị lùn đi so với các tép không bị bệnh ở xung quanh. Mức độ lùn nhiều hay ít tùy thuộc vào thời gian bị nhiễm bệnh sớm hay muộn, nếu nhiễm bệnh sớm từ khi cây lúa còn nhỏ thì bị lùn nhiều chậm phát triển và chết dần, nếu bị nhiễm muộn khi cây lúa đã qua giai đoạn tăng trưởng chiều cao thì cây lúa sẽ bị lùn ít hoặc không bị lùn, sau này cây lúa vẫn có thể trỗ bông nhưng bị trỗ nghẹn và lép nhiều.

Trên lá bệnh: Màu vàng bắt đầu từ chóp lá lan dần xuống phía dưới, và vàng từ hai bên mép lá vàng dần vào gân chính, phần tiếp giáp giữa màu vàng và màu xanh lục của lá không có ranh giới rõ rệt, trong khi phiến lá bị vàng thì nhiều trường hợp gân chính của lá vẫn còn xanh. Khi màu vàng lan xuống đến gần bẹ lá thì chóp lá bắt đầu khô và cuộn lại, sau đó cháy khô cả lá, khi bệnh lan lên đến lá trên cùng thì cả cây lúa bị chết khô. Lá lúa của cây bệnh có khuynh hướng xòe ngang.

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.