| Hotline: 0983.970.780

Xét xử 9 bị cáo gây vỡ đường ống sông Đà 18 lần:

Nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội cáo bệnh vắng mặt

Thứ Ba 06/03/2018 , 07:01 (GMT+7)

Ngày 5/3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 9 bị cáo tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà".

Theo kế hoạch, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày liên tiếp. Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 3 thành viên và do Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa phiên tòa.

15-47-50_song-d
Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo bao gồm Hoàng Thế Trung (SN 1960) - nguyên Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, Hà Nội; Nguyễn Văn Khải (SN 1961) – nguyên Phó Giám đốc Ban QLDA; Trương Trần Hiển – nguyên Trưởng phòng Vật tư Ban QLDA; Trần Cao Bằng (SN 1954), Vũ Thanh Hải (SN 1960) – nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex (Công ty Vinaconex); Đỗ Đình Trì (SN 1968) - cựu Trưởng đoàn Tư vấn giám sát của Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase); Nguyễn Biên Hùng (SN 1950), Hoàng Quốc Thống (SN 1955) và Bùi Minh Quân (SN 1972), nguyên cán bộ Viwase…

Theo cáo trạng truy tố các bị cáo, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và được triển khai xây dựng từ năm 2004 đến 2009 thì hoàn thành. Sau đó, hệ thống đường ống cấp nước này đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành hệ thống cấp nước Sông Đà, nhiều tuyến ống liên tục xảy ra sự cố nứt, vỡ. 

Tiến hành giám định, Bộ Xây dựng kết luận, nguyên nhân là do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo yêu cầu thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm. Quá trình điều tra cho thấy, từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị nứt vỡ.

Việc vỡ hệ thống đường ống nước Sông Đà khiến đơn vị khai thác, kinh doanh nước sạch phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, hàng chục lần vỡ đường ống nước còn khiến 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m3.

Cáo trạng xác định, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng là do nguyên Giám đốc Ban QLDA cấp nước Sông Đà cùng đồng phạm đã vi phạm các quy định về xây dựng. Trong đó, Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải và Trương Trần Hiển là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện thi công, trên cương vị của chủ đầu tư nhưng đã không làm tròn chức trách. 

Theo đó, các bị cáo này đã ký 73 biên bản nghiệm thu, giai đoạn cung cấp ống và xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống, phụ kiện ống composite dùng trong dự án không đạt chất lượng. Trong 3 cựu cán bộ Ban QLDA cấp nước Sông Đà, bị cáo Trung và Hiển phải chịu trách nhiệm toàn bộ về thiệt hại, còn bị can Khải phải chịu một phần trách nhiệm tương ứng.

Hoàng Thế Trung là bị cáo đầu tiên trả lời thẩm vấn của HĐXX. Với vai trò là người đứng đầu BQLDA, bị cáo Trung cho rằng trong quá trình thực hiện dự án đã “có nhiều điểm sai cần khắc phục” và “cần xem xét trách nhiệm của những người khác”.

Liên quan đến đơn vị chủ đầu tư Vinaconex, tại phiên tòa, các luật sư đã đề nghị HĐXX triệu tập 2 người có liên quan là ông Phí Thái Bình (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Vinaconex) và ông Vũ Đình Chầm (nguyên thành viên HĐQT Vinaconex). HĐXX khẳng định, đã triệu tập ông Bình và Chầm, nhưng đã nhận được đơn xin vắng mặt kèm hồ sơ bệnh án của cả hai.

Ông Chầm nộp đơn xin xét xử vắng mặt kèm hồ sơ bệnh án về các bệnh viêm tụy, gan, mắt, nên không đủ sức khỏe tham dự phiên tòa. Trong khi đó, ông Phí Thái Bình kèm đơn xin vắng mặt nộp bệnh án khám bệnh tại BV 103, trong đó, ông được chẩn đoán hội chứng não do tăng huyết áp, phải bất động trong thời gian dùng thuốc.

Trong cáo trạng thay thế bản cáo trạng hồi đầu năm 2016, VKSND Tối cao cho biết đã hủy quyết định khởi tố bị can đối với ông Phí Thái Bình về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; hủy bỏ quyết định khởi tố bị can với ông Vũ Đình Chầm, thành viên HĐQT Vinaconex giai đoạn 2003-2004.

Một luật sư đề nghị hoãn phiên tòa vì cho rằng, những người vắng mặt có vai trò quyết định việc thực hiện dự án này hay không. Cả ông Bình và ông Chầm đều là thành viên HĐQT Vinaconex, có quyền quyết định tới các khâu của dự án; vì vậy, phiên tòa cần phải có mặt của 2 ông để làm rõ việc dự án được áp dụng theo quy trình nào, quyết định nào? Hơn nữa, các bị cáo không thể đối chất được, dẫn đến việc không đủ tính minh bạch. Tuy nhiên, đại diện VKS khẳng định, trong quá trình điều tra, ông Bình và Chầm đã có lời khai cụ thể và hiện 2 ông bị bệnh nặng, có sự xác nhận của BV nên sự vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án một cách khách quan.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.