| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Văn Huyên tại Hội nghị Fontainebleau 1946

Chủ Nhật 21/07/2019 , 07:01 (GMT+7)

Trong bài viết dưới đây, tôi muốn cung cấp những tư liệu để phần nào tường minh được một số sự kiện về Hội nghị Fontainebleau 1946 và vai trò cụ thể cũng như những phát biểu tranh luận của từng thành viên phái đoàn đã tham gia đàm phán. Nhân vật tôi chọn công bố trước là Nguyễn Văn Huyên - thành viên Ủy ban Văn hóa.

Phác thảo nhanh về Hội nghị Fontainebleau 1946

Hội nghị Fontainebleau 1946 là đợt điều đình giữa Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đệ tứ Cộng hòa Pháp. Hội nghị chính diễn ra từ ngày 6/7 đến ngày 10/9/1946 tại lâu đài Fontainebleau thuộc tỉnh Seine-et-Marne, Pháp, hai phái đoàn đã cùng nhau thảo luận về một số vấn đề chính như sau: 1. Địa vị của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp; 2. Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước; 3. Tổ chức giữa các xứ trong Liên bang Đông Dương; 4. Nguyện vọng thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung và Nam của Việt Nam qua việc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ; 5. Các vấn đề kinh tế, văn hóa và soạn thảo dự án Hiệp ước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và phu nhân Vi Kim Ngọc. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Tham dự Hội nghị Fontainebleau, Phái đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phạm Văn Đồng - Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn. Nguyễn Văn Huyên là một trong các thành viên. Phái đoàn đại biểu Pháp gồm: Max André - Trưởng đoàn, nguyên giám đốc Pháp - Hoa ngân hàng tại Hà Nội.

Tiểu sử chính thức hiện nay viết, Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1908, tại Hà Nội. Còn theo gia đình, Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1905. Nguyên quán xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông đã từng du học tại Pháp năm 1926, học tú tài rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne. Trong thời gian nghiên cứu Tiến sĩ ở Pháp, ông tham gia giảng dạy tại Trường Ngôn ngữ Đông phương.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử giữ chức Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. Từ tháng 11 năm 1946, Nguyễn Văn Huyên được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục. Ông giữ chức vụ này suốt 30 năm, cho đến ngày qua đời (19/10/1975) tại Hà Nội.

Năm 1946, khi tham gia đàm phán tại Hội nghị Fontainebleau, Nguyễn Văn Huyên là Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia giáo dục kiêm Giám đốc Viện Bác cổ. Ông rời Hà Nội lên máy bay tại sân bay Gia Lâm sang Pháp trong chuyến bay cùng Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng.

Trong cuộc họp toàn thể giữa hai phái đoàn vào ngày 9/7/1946, Hội nghị đã lập ra 4 ủy ban: Chính trị; Kinh tế và Tài chính; Văn hóa; Quân sự.

Ủy ban Văn hóa: Về phía Việt Nam có 5 thành viên là Hoàng Minh Giám, Bửu Hội, Nguyễn Văn Huyên, Dương Bạch Mai và Đặng Phúc Thông; về phía Pháp có 4 thành viên là Bayen, Pignon, Rivet và Torel.

Hai ủy ban Kinh tế và Văn hóa chưa họp lần nào. Nhưng Hội nghị đã cử ra “Ủy ban Văn hóa mở rộng” để thảo luận riêng về vấn đề dùng các nhà chuyên môn.
 

Chỉ thị cho “Ủy ban Văn hóa mở rộng”

Vì hai bên giữ vững lập trường, mà “cần phải ra khỏi chỗ bế tắc”, trưởng đoàn Pháp đề nghị cử một tiểu ban thảo chỉ thị của ủy ban chính trị giao cho một ủy ban chuyên môn theo đấy mà thảo luận. (Ủy ban chuyên môn này sẽ là “Ủy ban Văn hóa mở rộng” để thảo luận riêng về vấn đề dùng các nhà chuyên môn.

Tiểu ban gồm có 4 người: Trịnh Văn Bính, Nguyễn Văn Huyên, Bourgoin và Bousquet.

Với những bài học kinh nghiệm còn mới mẻ, đại biểu Việt Nam đã tỏ ra rất thận trọng, thận trọng từng câu, từng chữ. Đại biểu Việt Nam muốn rằng những chữ sẽ ghi trên điều ước phải có định nghĩa thật rõ ràng, rõ ràng bao nhiêu cũng không thừa.

Một ví dụ dưới đây về câu chuyện này: Chỉ thị ủy ban chính trị cho ủy ban văn hóa mở rộng có câu: “Chuyên môn người Liên hiệp Pháp có quyền ưu tiên, trừ trường hợp thiếu người rõ rệt”.

Buổi họp ngày 19, ông Trịnh Văn Bính đề nghị sửa lại: “Ngang điều kiện, chuyên môn người Liên hiệp Pháp có quyền ưu tiên”.

Bourgoin: Không! Chúng tôi không đồng ý; như thế lại thêm một điều kiện không có trong chỉ thị.

Trịnh Văn Bính: Phải có một điểm để so sánh, mới có quyền ưu tiên.

Nguyễn Văn Huyên: Thông điệp Việt Nam có nói rõ ràng “ngang điều kiện”.

Bourgoin: Thông điệp Việt Nam là một việc, quyết định của ủy ban chính trị là một việc khác. Nếu theo đúng thông điệp Việt Nam, đã không dùng chữ “priorité”, phải dùng chữ “préférence”. Không dùng chữ sau, tức là đã tỏ ra thật rõ ràng rằng chữ trên có tính cách tuyệt đối.

[Hai chữ priorité và préférence cùng có nghĩa là được trước người khác; ở đây là được chọn trước người khác. Nhưng chữ priorité bao hàm ý nghĩa là có quyền, được quyền trước người khác, hay quyền ưu tiên, mà chữ préférence không có nghĩa ấy. Chữ préférence chỉ có ý là một đặc huệ. Vì thế mà priorité còn được gọi là dorit de préférence - PV].

Nguyễn Văn Huyên: Tuyển chọn một người bao giờ thì cũng phải theo điều kiện nào.

Nguyễn Văn Huyên (người ngồi đầu tiên, bên trái) tại phòng họp của phái đoàn Việt Nam ở Fontainebleau. Ảnh: Tư liệu KMS.

Bourgoin: Hẳn thế rồi.

Phan Anh: Thế thì đâu cũng vào đấy.

Bourgoin: Không.

Phan Anh: Trong khi trao đổi ý kiến chúng tôi đã đưa ra những tỉ dụ cụ thể. Khi một chính phủ cần người chuyên môn đưa những điều kiện theo đấy mình muốn mượn chuyên môn, nếu chính phủ có người chuyên môn tìm được người có đủ điều kiện ấy, vấn đề không thành nữa. Không có người đủ điều kiện tất là thiếu.

Bourgoin: Phải rồi.

Phan Anh: Vậy, nếu ông thừa nhận quan điểm ấy - mà Hội nghị cũng đã thừa nhận - rút cục lại cũng thế.

Bourgoin: Không, không phải cũng thế.

Phan Anh: Xin ông nói rõ sao lại không phải cũng thế.

Bourgoin: Ông Bính vừa nói lúc nãy ngụ ý là có sự cạnh tranh, mà sự thực thì không phải thế. Trước hết, phải áp dụng quyền ưu tiên, hết quyền ưu tiên (nghĩa là Liên hiệp Pháp không có người chuyên môn) rồi mới tuyển chọn rộng ra đến người ngoại quốc.

Phan Anh: Ông nói cạnh tranh, nghĩa là...

Bourgoin: Câu “trừ trường hợp thiếu người rõ rệt” dùng rất đúng.

Nguyễn Đắc Khê: Nếu đã có cạnh tranh, không còn nói đến quyền ưu tiên nữa.

Bourgoin: “Ngang điều kiện” mâu thuẫn với “quyền ưu tiên”.

Nguyễn Đắc Khê: Tôi không tưởng thế.

Bourgoin: Nói “ngang điều kiện được chọn trước” thì trên dưới có liên lạc với nhau, nhưng “ngang điều kiện, có quyền được chọn trước” thì không được. Quyền ưu tiên là một điều có tính cách tuyệt đối, không có tính cách tương đối.

Nguyễn Văn Huyên: Chúng tôi nhận chữ “quyền ưu tiên” với ý nghĩa là ngang điều kiện. Nay thảo luận, thấy vấn đề lại đi vào mọt chiều khác, cho nên muốn sửa đổi cho rõ ràng thêm.

Bourgoin: Tôi rất tiếc, phái đoàn Pháp không sao nhận được.

Tranh luận còn tiếp tục kéo dài về mặt câu chữ.

***

So với những vấn đề khác đã đem ra thương nghị tại Hội nghị Fontainebleau, vấn đề dùng chuyên môn được thảo luận nhiều nhất. Sáu buổi họp, mà kết quả không có gì! Nguyên nhân chính là thiếu lòng tin của cả hai bên. Ngày 13/9/1946, phái đoàn Việt Nam bỏ Hội nghị ra về.

Khoảng trống tư liệu

Về vai trò của các thành viên trong Hội nghị lịch sử Fontainebleau 1946, đến nay vẫn chưa có nhiều tài liệu được nhắc đến.

Gần đây, trong 2 cuốn hồi ký dày dặn là “Tiếp bước chân cha” (Nhà xuất bản Thế giới; H. 2003) của bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, con gái đầu cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và “Những chặng đường anh đi” (Nhà xuất bản Công an Nhân dân; H. 2011) của bà Đỗ Hồng Chỉnh, vợ cố Bộ trưởng Phan Anh; sự kiện này vẫn còn là khoảng trống.

(Kiến thức gia đình số 29)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất