| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Xuân Thủy, người kể chuyện Trường Sa

Thứ Hai 03/09/2012 , 14:04 (GMT+7)

Hai năm sống ở Trường Sa Lớn với tư cách người lính, Nguyễn Xuân Thủy đã góp cho văn học Việt Nam một tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” và cuốn truyện thiếu nhi “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy
Hai năm sống ở Trường Sa Lớn với tư cách người lính, Nguyễn Xuân Thủy đã góp cho văn học Việt Nam một tiểu thuyết  “Biển xanh màu lá” và cuốn truyện thiếu nhi “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Với Nguyễn Xuân Thủy, Trường Sa là một miền ký ức thiêng liêng.

Người ta nói rằng, trong làng văn, sau nhà thơ Trần Đăng Khoa thì Nguyễn Xuân Thủy là người thứ 2 viết về biển đảo với tư cách là người lính, được trải nghiệm cuộc sống của người lính?

Viết về Trường Sa mà có trải nghiệm của người lính ở đảo thì chỉ có Trần Đăng Khoa và Nguyễn Xuân Thủy, đó là  điều tôi có thể khẳng định. Tôi có cơ hội là người lính sống ở Trường Sa Lớn hai năm (2000-2001). Năm 2008, quay lại Trường Sa với tư cách người làm báo. Khi đó, tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” cũng vừa in xong. Chuyến ra đảo ấy tôi mang được cuốn tiểu thuyết ra tặng bộ đội. 

 Nhiều người hỏi tôi, vì sao lại là “Biển xanh màu lá” mà không phải là biển xanh màu biển. Vì trên thực tế có những vùng biển mà nước biển xanh như màu lá cây do những rặng san hô trắng dưới lòng biển làm cảm giác nhìn nước biển nhạt hơn. Thứ hai, cũng có hàm nghĩa về sự trẻ trung, ngoài đảo hồi ấy toàn lính trẻ.  Ngày ấy Trường Sa chưa “nóng” như bây giờ, có được cuốn tiểu thuyết viết trực diện về người lính Trường Sa như “Biển xanh màu lá” là nhờ những trải nghiệm 2 năm sống với tư cách người lính của mình ở đảo.

Trong hai năm với vai trò là người lính ở Trường Sa, ấn tượng nhất đối với anh là gì? Sự trở lại với biển đảo của anh năm 2008 có gì khác?

May mắn với tư cách người lính thời bình được làm việc ở một vùng đất đặc biệt của Tổ quốc, ở Trường Sa thì đó là  trải nghiệm quý giá của tôi. Quãng thời gian ấy giúp tôi hiểu sự khó khăn, gian khổ của người lính với tư cách là nhà văn, đó là trải nghiệm mà không phải ai cũng có. Điều tôi cảm nhận được là sự hy sinh mất mát của người lính giữa thời bình. Có thể nói, đây là  chiến trường của ta giữa thời bình. Thiệt thòi lớn nhất của người lính là sự hy sinh tình cảm, đời sống riêng tư.

Ngày đó tôi làm ở Phòng công tác chính trị, công việc là cắt, kẻ vẽ phục vụ những buổi sinh hoạt chung của đơn vị. Một buổi sáng thức dậy chuẩn bị cho công việc thì có hai anh lính đi vào, một anh cầm theo bút, kéo, thước kẻ, giấy. Tôi đoán là anh ấy nhờ cắt gì đó nhưng vì đang bận nên bảo: “Em chuẩn bị đi làm, chưa giúp anh được đâu”. Anh đi cùng vỗ vai tôi bảo: “Mẹ anh ấy mất, nhờ em cắt dán dòng chữ Kính viếng hương hồn cụ”. Tôi lặng người đi.

Anh ấy tên là Thủy, cùng tên với tôi, người Thanh Hóa. Ngày ấy, ở Trường Sa không như bây giờ, phải hai ba tháng mới có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo, cho nên, anh ấy biết mẹ mất thì nghĩa là đã qua lễ 49 ngày rồi. 

Năm 2008, tôi trở lại Trường Sa thấy mọi thứ thay đổi quá nhiều. Hồi năm 2000, mỗi tháng những người lính đảo chỉ được gọi điện thoại về nhà một lần. Người nào có bố mẹ và vợ con thì phải nghĩ xem nên gọi cho ai. Mà gọi cũng không dám gọi lâu vì còn phải nghĩ đến người khác xếp hàng chờ. Giờ thì có điện thoại di động, có điện sáng trưng cả đảo, có chùa, có dân.

 Ngày mình ở đảo, người đất liền ra thấy con gà là ngỡ ngàng lắm, nhưng giờ thì gà, vịt đủ cả. Cây xanh cũng vậy. Trồng được một cây xanh ở đảo kỳ công lắm. Đào từ đá san hô cái hố sâu mỗi bề 1 m rồi nhặt từng mẩu đất hay phân dơi rải rác khắp đảo. Ngoài đất ở đất liền chuyển ra thì bọn mình phải tích đất như thế. Chỉ tiêu mỗi người lính trồng một cây xanh. Thế mà qua bao bàn tay gây dựng cũng xanh cả đảo.

Sau “Biển xanh màu lá”, anh có dự định sẽ tiếp tục viết về Trường Sa?

“Biển xanh màu lá” là tiểu thuyết mà có người cứ nhầm là hồi ký và bút ký. Vì thế, nhiều người tưởng nhân vật là có thật. Thậm chí, cách đây 1 năm còn có đồng nghiệp ở VTV2 nhờ cùng ra đảo để tìm lại các nhân vật trong tiểu thuyết của tôi để làm phóng sự. Tôi bảo đó là nhân vật hư cấu thôi, những người lính đảo là cái nền để tôi tạo ra nhân vật.

Tâm thế mỗi người mỗi khác, mình yêu và trân trọng Trường Sa theo cách của mình. Mình ngại xuất hiện ở những chương trình nói về  Trường Sa, còn viết thêm gì về Trường Sa và biển đảo hay không thì đó là một đề tài như bao đề tài khác, nếu có cái nhìn khác mới mẻ, có cảm xúc thì mình sẽ viết. Chứ bảo đặt hàng sáng tác cả tỉ đồng mà không có cảm xúc thì cũng chịu.

Không phải là mình làm duyên làm dáng về nghề mà là yếu tố cộng hưởng để sáng tạo. Có được điều đó là  cơ duyên tạo cho mình sự may mắn. Như đã nói, mình viết trước khi trở lại Trường Sa nhưng nếu không có hai năm ở đảo thì không có “Biển xanh màu lá”. Nếu không là người lính, không trải qua những cảm xúc tận cùng của người lính thì mình cũng không thể viết được như  vậy.

Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy sinh năm 1977 tại Phú Thọ. Tác phẩm đầu tiên anh viết về người lính biển là truyện ngắn  “Hoa biển” đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội khi chưa đặt chân đến Trường Sa. Đó là tác phẩm văn học đầu tiên của anh được đăng báo và đó cũng chính là động lực, dấu mốc thôi thúc anh theo đuổi con đường cầm bút. Sau này, lần lượt những tác phẩm văn học về Trường Sa ra đời bằng sự cảm nhận của một người lính đang sống và làm việc ở chính nơi đầu sóng ngọn gió…

“Biển xanh màu lá” được thai nghén trong những năm 2003-2006, ra mắt độc giả năm 2008 được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết trực diện về Trường Sa với lối kể chuyện khoáng đạt và giản dị. Cuốn tiểu thuyết như nhật ký của một người lính đã có hai năm gắn bó với mảnh đất thiêng liêng của đất nước. Nhận xét về cuốn tiểu thuyết đậm chất lính này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Biển xanh màu lá” đã cắm thêm những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho quần đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta.

Năm 2011, Nguyễn Xuân Thủy tiếp tục xuất bản cuốn sách dành cho các em thiếu nhi với tựa đề “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”. Cùng với đó, tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” cũng được NXB Phụ nữ tái bản. Ngoài hai tựa sách trên, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đã in nhiều cuốn khác như: “Trong mênh mang bầu trời” (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2007); “Dòng đời cuộn chảy” (Tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2008); “Khát vọng dưới đỉnh Fansipan” (Tập ký, NXB Quân đội nhân dân, 2009); Sát thủ online (Tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân, 2010)…

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm