| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Bùi Hoàng Tám: 'Tôi như con bò già nhai bó cỏ khô…!'

Thứ Sáu 21/06/2019 , 08:27 (GMT+7)

Bùi Hoàng Tám là một trong những cây bút viết bình luận xuất sắc hiện nay, đặc biệt là mảng đề tài phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám.

Trước hết, xin chúc mừng anh nhân thành công của tác phẩm “Nói lời dân" (tập 1) vừa ra mắt bạn đọc. Được biết, đây là tập hợp những bài viết của anh đăng trên mục BLOG của báo Dân trí từ năm 2011 đến 3/2016 do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành. Tại sao anh lại lấy tên tác phẩm của mình là “Nói lời dân”?

Tôi xin phép “đính chính” ngay, tên tác phẩm không phải do tôi mà do Nhà xuất bản, cụ thể ở đây Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy, một trong những người biên tập cuốn sách này đặt cho và tôi rất hài lòng với cái tên sách.

Lý do mà anh hài lòng…?

Đó là bởi cái tên tác phẩm đã tóm lược rất chính xác mục đích của tôi khi thực hiện mục này trên báo điện tử Dân trí. Cách đây hơn 8 năm (2011), khi được TBT Phạm Huy Hoàn giao phụ trách mục này, tôi đã quyết tâm phải biến BLOG 2/6 thành nhật ký ghi chép lại những biến động của lịch sử đất nước từng ngày đồng thời cũng là thái độ của Dân trí trước những vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội.

Đặc biệt là phải phản ánh chân thực tâm tư và đấu tranh cho nguyện vọng chính đáng của người dân. Rất may là trong quá trình làm sách, biên tập viên Nguyễn Thị Thúy đã nắm bắt và lấy làm tên cuốn sách.

Được biết anh thường không né tránh những đề tài gai góc, nhạy cảm nhưng lại rất “an toàn”, nói như ngôn ngữ của anh là “Dân yêu, quan… không ghét”. Tại sao vậy?

Tôi lại phải một lần nữa “đính chính”, đó là “an toàn ít nhất là cho đến nay” bởi nghề báo là “nghề nghiệt ngã” nên “tai nạn nghề nghiệp” có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Còn tại sao có được sự “an toàn” này, theo tôi thì có mấy lý do.

Thứ nhất, tôi luôn đặt cho mình một nguyên tắc là không được nói sai sự thật. Mọi thông tin, số liệu đều phải có từ nguồn tin cậy và để tăng thêm độ chính xác, tôi thường tìm thêm những nguồn thông tin khác nhau để so sánh, đối chiếu.

Nguyên tắc thứ hai, đó là nói trên tinh thần xây dựng. Có một bạn trẻ bảo tôi, đại để bạn ấy viết chỉ bằng một phần của tôi mà “lên bờ, xuống ruộng”, còn tôi thì ngược lại. Tôi nói với bạn đó rằng tôi nói để tốt lên còn bạn ấy nói để… tan ra. Giống như người thợ rèn, tôi đánh dao, búa để lao động sản xuất còn bạn ấy rèn dao búa là để… chém nhau. Khi động cơ khác nhau thì sẽ đón nhận những thái độ khác nhau.

Nguyên tắc thứ ba, đó là tính không vụ lợi. Bạn đọc bây giờ rất nhiều thông tin nên không thể “lừa” được độc giả. Anh thật - giả, trung thực, khách quan hay không, họ biết ngay. Tất nhiên cũng còn là cách nói nữa. Hãy nói với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ nhưng cũng phải rất rạch ròi sai - đúng…

Cuối cùng nói gì thì nói, cũng ơn giời. Cho đến bây giờ tôi chưa (hi vọng là không) bị dính vụ tai nạn nghiêm trọng nào. Có lẽ ngoài những nguyên tắc tôi nói ở trên thì còn nhờ may mắn rồi anh em bè bạn, các nhà quản lý “thương” và bạn đọc tin quý.

Anh có bao giờ nghĩ mình là nhà báo lớn không?

Hahaha! Câu hỏi của bạn thật thú vị và cũng đã nhiều người hỏi như vậy và tôi khẳng định luôn, tôi là nhà báo lớn… tuổi! Những người bằng tuổi tôi hầu hết đã về hưu và không ít người trong số đó đang vui thú điền viên. Còn tôi thì về lĩnh sổ từ 1/12/2018, song vẫn làm như cũ và lĩnh lương hơn cũ bởi mỗi tháng có thêm mấy triệu đồng tiền lương hưu theo chế độ.

Anh có “chức tước” gì không và công việc cụ thể hiện nay của anh là gì?

Về chức tước thì không, à có. Tôi được bác Hoàn (TBT Phạm Huy Hoàn) bổ nhiệm làm “trưởng BLOG”, một cái chức không có trong từ điển và cũng không có phó, chẳng có quân, mỗi mình lủi thủi, gần 9 năm nay ngày lễ, ngày tết cũng không được nghỉ. Tôi như con bò già nhai bó cỏ khô…!

Công việc cơ quan của tôi là phụ trách cái góc nhỏ mag tên BLOG như tôi đã nói ở trên với điều kiện mỗi ngày lo một bài đăng trên TOP 3 trang 1 của báo Dân trí trước 8 giờ sáng đồng thời duyệt những comment bạn đọc gửi về.

Tác phẩm "Nói lời dân" tập 1.

Được biết là nhà báo, anh còn là nhà thơ. Điều này có tác động đến nhau như thế nào giữa một bên là mơ màng, tưởng tượng và một bên là tỉnh táo và chính xác?

Đây là nhận xét rất chính xác về đặc trưng của hai nghề. Ở đây cần sự “phân thân” rất rạch ròi bởi nếu chỉ môt phút giây lẫn lộn, sẽ là điều không hay. Đặc biệt là khi cái trí tưởng tượng của ông nhà thơ lại “gieo” nhầm vào lúc ông nhà báo tác nghiệp thì rất nguy hiểm bởi với báo chí không có khái niệm “sáng tạo”, “tưởng tượng” vì đó chính là sự bịa đặt.

Tuy nhiên nếu nhà thơ làm báo thì cũng có rất nhiều lợi thế bởi vốn từ, kỹ năng sử dụng ngôn từ hay truyền tải cảm xúc. Đặc biệt là khả năng linh cảm của nhà thơ rất quan trọng đối với nghề báo, nhiều khi nhờ linh cảm trực giác mà tránh khỏi sai lầm.

Trở lại với "Nói lời dân", có tập 1 chắc phải có tập 2 và anh dự định bao giờ thì tập 2 ra mắt bạn đọc?

Tất nhiên có tập 1 thì chắc chắn phải có tập 2 và như nói ở trên, tập 1 dừng ở thời điểm tháng 3/2016 nên tập 2 sẽ là những bài viết từ thời điểm đó trở đi.

Còn về thời điểm ra sách, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhất là thời gian. Hãy thử tính mỗi năm, tôi viết khoảng 200 bài báo thì hơn 8 năm, sẽ là khoảng 1.700 bài. Trong khi một tập như Tập 1 mới đây đăng tải khoảng 240 bài. Như vậy nếu sử dụng tất cả, có lẽ phải in tới 7 tập, mỗi tập khoảng 800 trang.

Tất nhiên là không thể in tất cả nên phải tuyển chọn và bạn hãy tưởng tượng nếu phải ngồi đọc khoảng 6.000 trang sách rồi chọn ra khoảng 1.500 trang để in nó vất vả và mất thời gian đến mức nào.

Tuy nhiên, với sự thành công của “Nói lời dân" (tập 1), để không phụ lòng mong muốn của bạn bè và độc giả, có thể “Nói lời dân" (tập 2) sẽ ra mắt trong một ngày không xa.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này!

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm