| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Nghiêm Thị Hằng như tôi biết

Thứ Hai 21/06/2010 , 15:30 (GMT+7)

Năm 1998 tôi về báo Nông nghiệp Việt Nam, cũng là năm tôi quen biết Nghiêm Thị Hằng.

Năm 1998 tôi về báo Nông nghiệp Việt Nam, cũng là năm tôi quen biết Nghiêm Thị Hằng. Năm đó tôi mới được 5 tuổi nghề, còn Hằng, ít tuổi hơn tôi nhưng đã có thời gian làm báo gấp 4 lần tôi.

17 tuổi chị trở thành quân nhân, làm việc ở nhà in báo Trường Sơn của Đoàn 559, tờ báo do nhà báo Lục Văn Thao làm Tổng biên tập, với những “phóng viên” nổi tiếng Phạm Tiến Duật, Lê Lựu…Năm 1978 ra khỏi quân đội, Hằng trở thành phát thanh viên, lần lượt qua các đài phát thanh Việt Trì, Hà Nội, Từ Liêm và năm 1986, chị trở thành phóng viên của báo NNVN, sau khi tốt nghiệp khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du…

Lần đầu biết nhau với tư cách là người cùng một cơ quan, lại cùng học một trường (tôi học trường viết văn Nguyễn Du sau Hằng 2 khoá), ấn tượng mà chị để lại trong tôi là một người phụ nữ hiền hậu, giầu nữ tính, mà cái tính “nữ nhi” nhưng chẳng “thường tình” chút nào ấy hiện ra ở rất nhiều bài thơ khiến người đọc đã đọc rồi thì cứ vấn vương: “Ai sui chiều gặp nắng vàng/Ai sui ngọn gió lang thang giữa rừng/ Để em bỗng gặp người dưng/Nếu không bão nổi xin đừng rung cây”, hay “Biết là thuyền đã nhổ neo/Bến sông dễ lở, xóm nghèo dễ quên/Biết là duyên chẳng gặp duyên/Muốn quên lại nhớ, bắt đền ai đây…”.

Không thể trích dẫn hết những bài thơ, nhưng câu thơ của chị đã dăng mắc trong tôi trong một bài báo ngắn, chỉ biết rằng đó là một giọng thơ đầy nữ tính nhưng cũng đầy cá tính, một giọng thơ rất đằm thắm, rất…Nghiêm Thị Hằng. Và song hành với nhà thơ Nghiêm Thị Hằng là một nhà báo Nghiêm Thị Hằng rất đa năng. Phóng viên là một nghề cực nhọc và nguy hiểm. Đàn ông làm nghề này đã vậy, phụ nữ còn cực nhọc hơn nhiều, thậm chí phải chấp nhận thiệt thòi. Tôi từng biết nhiều chị, để làm được cái nghề mà mình yêu thích này, đã phải chịu cảnh rẽ phượng chia loan, chỉ vì những chuyến đi xa nhà, dài ngày bám theo những đề tài gai góc, khiến những ông chồng hay ghen không sao chịu nổi. Là phóng viên nữ duy nhất trong toà soạn Hà Nội, chồng công tác ở nước ngoài biền biệt, một mình nuôi 2 con nhỏ, nhưng Hằng làm việc không thua kém bất cứ một phóng viên nam nào…

Có lần một mình một xe máy, đóng giả người buôn thóc giống, chị lang thang đi hàng trăm cây số suốt mấy tỉnh liền, mấy ngày đêm liền để điều tra, vạch mặt bọn tư thương đem thóc thịt đóng bao in nhãn thóc giống, tung ra thị trường thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho không biết bao nhiêu người nông dân. Đây chỉ là một trong hàng chục vụ tiêu cực, làm trái pháp luật bị chị phanh phui.

Nói đến Nghiêm Thị Hằng là nói đến một cây bút kiên cường, thể hiện qua “vụ án ICC” từng gây xôn xao dư luận suốt mấy năm liền. Nhận được đơn phản ánh của một số hộ dân nguyên là cán bộ của Bộ NN&PTNT, được cơ quan phân nhà tại số 2-4 phố Đội Nhân (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội), nay bỗng bị giải toả để lấy đất giao cho Cty Cổ phần đầu tư Dự án Quốc tế (ICC)”, chị đã vào cuộc. Điều đầu tiên chị phát hiện ra là quyết định của UBND TP Hà Nội giao khu đất trên cho ICC là căn cứ vào tờ trình của UBND quận Ba Đình, nhưng tờ trình đó lại là tờ trình xin đất cho UBND quận. Ai đã biến việc giao đất cho UBND quận thành việc giao đất cho một doanh nghiệp?

Bài báo đầu tiên ký tên Nghiêm Thị Hằng về vấn đề đó vừa xuất hiện trên báo NNVN, tòa soạn đã “nóng” lên vì những cuộc điện thoại can thiệp. Nghiêm Thị Hằng nhớ lại, không khí những ngày đó nặng nề, xen lẫn những buồn chán nhưng chị không nản chí. Vững tin vào lẽ phải và công lý, chị xin ý kiến trực tiếp Tổng biên tập. Tổng biên tập chỉ đạo “đăng ý kiến của các hộ dân, tiếp tục điều tra vụ việc”.

Sau bài đăng về ý kiến của các hộ dân, bài báo thứ hai “UBND TP Hà Nội giao đất cho ICC mà không qua đấu giá” rồi bài thứ ba “Cần xem lại những dự án của ICC” và tiếp theo là bài “Tỉnh Khánh Hoà thu hồi dự án Hòn Rớ II của ICC” của chị lần lượt xuất hiện trên báo. Cùng với những thông tin trên, nhân thân của ông Hoàng Kim Đồng, giám đốc Cty, cùng với những khuất tất khác trong hoạt động của Cty cũng được chị làm sáng tỏ. 

Ông Hoàng Kim Đồng và một số người của ICC lồng lộn phản ứng. Một mặt họ kiện báo NNVN, kiện nhà báo Nghiêm Thị Hằng ra TAND quận Hoàn Kiếm, đề nghị Toà buộc báo và tác giả những bài báo trên phải bồi thường cho họ 24,1 tỷ đồng do báo và Nghiêm Thị Hằng đã “làm thiệt hại về kinh tế” của họ, một mặt họ gửi đơn tố cáo đến khắp nơi, lu loa rằng đây là vụ “bảo kê cho xã hội đen lớn nhất” mà kẻ “bảo kê” chính là báo NNVN. Nhắc lại vụ kiện này, có lần Hằng đã bảo tôi:

- Thú thực là lúc đầu, khi nghe những yêu cầu của họ nêu ra trong vụ kiện, tôi cũng bị choáng. Hơn 24 tỷ là một số tiền khổng lồ. Tôi đã mất ngủ nhiều đêm…chỉ sợ nhỡ ra…

- Nhưng vì sao rồi chị bình tĩnh lại được để tiếp tục chiến đấu?

- Vì tôi tin lẽ phải thuộc về mình.

Phiên toà sơ thẩm đã diễn ra khá căng thẳng tại trụ sở TAND quận Hoàn Kiếm, hầu hết các tờ báo lớn ở Hà Nội đã cử phóng viên đến dự. Phía ICC xuất hiện với một đội ngũ luật sư hùng hậu. Ông Hoàng Kim Đồng và bộ sậu đằng đằng sát khí, chửi bới luật sư Trần Đình Triển, người bảo vệ miễn phí cho báo NNVN ngay tại toà. Cùng với luật sư, Nghiêm Thị Hằng đã tranh luận rất quyết liệt với nguyên đơn bằng một thái độ bình tĩnh, tự tin, bằng những chứng cứ rất chắc chắn, không thể bác bỏ. Kết quả, Toà đã bác bỏ hầu hết những yêu cầu của nguyên đơn, chỉ yêu cầu báo NNVN và Nghiêm Thị Hằng “bồi thường” cho nguyên đơn 170 triệu đồng.

Nhưng rõ ràng đây là một phán quyết bất công. Cả báo NNVN và Nghiêm Thị Hằng đều chống án lên TAND TP Hà Nội, và chị đã phát hiện ra, 25 bút lục và tài liệu trong hồ sơ vụ kiện đã bị biến mất. Ai đã làm chuyện này? Cho đến nay vẫn chưa ai trả lời được, vì thế, sau hơn 2 năm, phiên toà phúc thẩm vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Chân lý vẫn còn ở phía trước và vẫn còn không ít người muốn “dìm” những tố cáo của nhà báo dũng cảm Nghiêm Thị Hằng vào bóng tối, như Thanh tra TP Hà Nội đã hai lần “dựng” văn bản, một lần để báo cáo với Văn phòng Chính phủ rằng họ đã “giải quyết đơn tố cáo của bà Nghiêm Thị Hằng”, dù họ chưa hề giải quyết, lần thứ hai, để báo cáo với UBND TP rằng họ đã “đối thoại với bà Nghiêm Thị Hằng về đơn tố cáo” dù họ chưa hề “đối thoại”…

Và Nghiêm Thị Hằng cho biết, chị vẫn tiếp tục chiến đấu, kỳ cho đến lúc công lý và sự thật được sáng tỏ.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất