| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy nước 'đắp chiếu', hơn 12.000 hộ khát

Thứ Tư 21/08/2019 , 13:01 (GMT+7)

Nhà máy nước Vân Canh ở huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) được đưa vào hoạt động vào năm 2013. Sau 2 năm hoạt động, nhà máy lâm cảnh “đắp chiếu” khiến hơn 12.000 hộ dân ở các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh “khát” nước.

Nhà máy nước Vân Canh được đầu tư xây dựng hơn 7,1 tỷ đồng.

Công trình cấp nước sạch Vân Canh có tổng mức đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn và vốn ngân sách tỉnh Bình Định, có công suất 1.400m3/ngày đêm, nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 12.000 người dân. Công trình gồm các hạng mục chính: Trạm bơm cấp 1, bể chứa nước sạch, nhà hóa chất, hồ bùn lắng, nhà quản lý, hệ thống điện và các hạng phục phụ trợ.

Thế nhưng đưa vào vận hành chưa được bao lâu, thì từ năm 2015 đến nay nhà máy ngừng hoạt động, nằm phơi mưa phơi nắng. Hiện các hạng mục công trình đã bắt đầu xuống cấp. Thiết bị tại hệ thống trạm bơm, nhà máy xử lý nước bị rỉ sét, trong khuôn viên các công trình bể chứa nước sạch, nhà hóa chất, hồ bùn lắng, nhà quản lý cỏ dại um tùm bao phủ.

Trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở địa phương là rất lớn, nhất là trong bối cảnh hạn hán gay gắt như hiện nay, vậy mà công trình được nhà nước đầu tư hàng tỉ đồng lại không hoạt động gây lãng phí. Vào mùa khô, người dân huyện Vân Canh phải chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Không bức xúc nào hơn khi sống bên cạnh công trình cấp nước sạch mà người dân phải “khát” nước.

Khi đi vào vận hành, UBND tỉnh Bình Định giao công trình cấp nước sạch Vân Canh cho UBND huyện Vân Canh quản lý. Sau đó, Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định bàn giao công trình này cho Cty CP Tổng hợp Vân Canh quản lý, vận hành.

Ông Lê Bá Thanh, Giám đốc Cty CP Tổng hợp Vân Canh cho biết: Sau khi nhận bàn giao công trình, đơn vị đã tiến hành vận hành, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong vòng 1 năm. Tại thời điểm năm 2013, Cty chỉ thu mức giá 750 đồng/m3 nước, và sau đó thu 1.800 đồng/m3. Trong khi đó, chi phí điện, hóa chất để phục vụ hoạt động cho nhà máy là khá lớn. Tiền thu được từ dịch vụ cung cấp nước cho người dân không đủ để bù cho chi phí SX.

“Đặc biệt là người dân không đồng tình nộp tiền để được sử dụng nước sạch, vì họ quen dùng nước giếng đóng không mất tiền. Mùa khô hạn như hiện nay thì không có nước đưa vào nhà máy, bởi tại thời điểm này nước từ sông Hà Thanh cạn dần, phải qua 2 lần bơm nước mới đến được nhà máy, nên chi phí tăng cao. Do vậy, Cty rơi vào tình trạng thua lỗ và phải bù lỗ hàng tháng từ 20 - 30 triệu đồng”, ông Thanh trần tình.

Các hạng mục chính trong Nhà máy nước Vân Canh hiện đã xuống cấp trầm trọng.

Trước tình trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Vân Canh đánh giá lại hiệu quả của công trình, đề xuất giải pháp. Từ đó, Sở sẽ phối hợp với huyện để bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn, sớm đưa công trình cấp nước sạch Vân Canh đi vào hoạt động theo đúng mục đích, công năng đã đầu tư. 

Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, khẳng định công trình cấp nước sạch Vân Canh là rất cần thiết đối với người dân nưi đây. Để tìm hướng tháo gỡ, tránh gây lãng phí, UBND huyện đã có phương án đấu nối đường ống nhà máy vào đập dâng Suối Phướng nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.

“Chúng tôi dự định giao Nhà máy nước Vân Canh cho một đơn vị tư nhân quản lý, kinh doanh thì sẽ hiệu quả hơn. Dù thế nào cũng phải đưa nhà máy hoạt động trở lại để dân có nước sạch hợp vệ sinh trong sinh hoạt, cũng như đảm bảo một trong những tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất