| Hotline: 0983.970.780

Nhà nền đất giữa lòng thành phố, chỉ ước mong trước khi nhắm mắt có hố xí tự hoại

Thứ Năm 26/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Tôi không hề nghĩ ở giữa TP Hải Phòng lại có ngôi nhà tồi tàn và còn nền đất như của bà Bùi Thị Dỏng. Trong ngôi nhà tồi tàn rộng khoảng 10m2 ấy không có một thứ gì đáng giá ngoài cái giường và tấm bạt che bên trên cho đỡ dột...

Cùng với mất mùa là phong trào bỏ đất hoang đang lan như một đám cháy lớn ở đất Cảng.
 

“Đám cháy” bỏ ruộng lan khắp chốn

Xã Tân Dân của huyện An Lão có 282ha đất lúa vụ này bỏ tới 45,2ha. Hộ giàu bỏ hoang vì không hiệu quả còn hộ nghèo bỏ hoang bởi không có lao động hoặc cày cấy mà không thể có thu.

13-47-29_dsc_9668
Lúa mất mùa

Tôi theo chân ông Trần Thái Sửa - trưởng thôn Đại Hoàng 2 ra đồng Triều. Không còn có thể nhận ra nó từng là cánh đồng nữa bởi cỏ cây tơi bời chắn lối, bèo tây giăng tràn khắp nơi. Đang mùa gặt mà tịnh không một bóng người.

Ông Sửa than vãn rằng đường bờ vùng, bờ thửa không có nên mấy năm trước khi còn cấy dân phải gánh lúa từ ruộng xa 200 - 300m lên xe bò rồi kéo cả cây số trong bùn lầy nước đọng ngập non bánh xe về. Thêm vào đó là nạn chuột bọ. Các thôn đều từng có đội diệt chuột, mỗi vụ mỗi sào thu 5kg thóc nhưng dần tan rã hết. Đội diệt chuột của thôn ông kết thúc cuối cùng, cũng cách đây đã 5 năm.

Ông trưởng thôn bảo sự hỗ trợ của thành phố mà sau đó là huyện cho sản xuất cũng có nhưng khá hình thức và chưa sát thực tế. Tỉ như trợ giá 40% giống nhưng chỉ định có 1 giống lại không hợp với chất đất của thôn nên dân chẳng mấy ai đăng ký. Tỉ như hỗ trợ bẫy chuột cho 18ha mà chỉ được 30 cái thì có cũng như không.

Vậy là bỏ ruộng. Đất hoang là nơi lý tưởng cho chuột bọ sinh sôi nên cứ áp sát thửa nào thì ruộng đó lại thất thu. Càng thất thu lại càng bỏ tiếp. Cụm từ nông dân và đồng ruộng xưa từng gắn chặt với nhau như máu thịt nay đã rời rất xa.

Còn đâu những nông dân say mê như các anh Lê Văn Toan, Lê Bá Toản của tổ diệt chuột HTX Đá Bạc (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên) mấy năm về trước từng kỳ công bôi bùn lên người, đội cây lúa lên đầu “ngụy trang” để ngồi rình xem chuột ăn mồi như thế nào hòng tìm cách bẫy!

Nhiều năm lăn lộn với ruộng đồng, anh Nguyễn Văn Nhất - Phó phòng NN-PTNT An Lão cay đắng tổng kết: “Nơi nào lúa tốt, khoai sai thường nghèo còn nơi nào ruộng đồng xơ xác thường giàu”. Tôi về một nơi ruộng đồng xơ xác như thế là phường Đa Phúc, quận Dương Kinh để xem dân có giàu không.
 

Xã, huyện “chín ép” lên phường

Trong cơn lốc đô thị hóa gần đây Hải Phòng có nhiều xã, huyện bị “chín ép” vì bỗng nhiên rũ bùn, đứng dậy thành phường, quận. Đa Phúc tiếng là phường nhưng vẫn còn hơn 60% dân số nông nghiệp với 285 ha lúa.

13-47-29_dsc_9687
Ruộng hoang ở Đa Phúc

Lạ cái là, từ cán bộ đến nông dân nhiều người lại tỏ ra không hề thích thú cái danh từ thị dân hão còn lại vẫn như thế, thậm chí còn thiệt thòi hơn bởi công cuộc nông thôn mới không chạm tới được các phường.

Trước ở huyện có Ban chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, Phó Chủ tịch là Trưởng ban, Trưởng phòng NN-PTNT là Phó ban nên rất sát sao, giờ đây xóa bỏ hết. Trước ở huyện công tác khuyến nông bám rất chặt các xã nhất là vào mùa vụ còn giờ thỉnh thoảng cũng có cán bộ xuống kiểm tra nhưng cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa. Một năm tập huấn được đôi buổi nhưng vì lao động trẻ đã đi hết, làm ruộng toàn người già nên chữ vào tai này lại ra tai kia.

Trước thủy lợi dễ dàng giờ lên phường hệ thống bị chia cắt, rất khó cho nước vào ra. Tất cả những lý do đó như dầu đổ vào lửa khiến cho “đám cháy” bỏ ruộng càng lan nhanh hơn. Theo ông Trần Văn Động - Chủ tịch phường, 10 năm trước khi vẫn là một xã của huyện Kiến Thụy thì Đa Phúc chỉ có 3ha ruộng hoang nhưng giờ đã lên tới 30ha.

Nghị quyết đảng bộ xã ra sức vận động cấy kín diện tích, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên phát động rầm rầm phủ xanh đất hoang nhưng rốt cuộc chỉ còn trơ lại mỗi Bí thư đoàn Hoàng Văn Công đang mắc kẹt cả nửa tỉ đồng vào đó mà kết quả chẳng được bao lăm.

Với 20 mẫu đất khai hoang, có vụ lúa chất thành dãy dài như những đống rạ nhưng đem bán chỉ 5.000 đồng/kg nếp cẩm nên đành phải đổ xuống cho cá ăn. Nuôi cá thì cá rẻ, nuôi trâu thì mất giá. Thêm vào đó, chẳng có chính sách gì cho việc khai hoang ở giữa đồng bằng nên Công vừa đổ tiền lại vừa run.

Theo luật, bỏ ruộng hoang không canh tác 12 tháng là phải thu hồi nhưng thực tế chẳng thực thi nổi 1 sào. Nhiều thửa xung quanh chô Công khai hoang đã được chuyển nhượng cho người thành phố với giá 50 - 70 triệu đồng/sào bằng giấy viết tay rồi lại để hoang tiếp vì mục đích của họ mua là đợi dự án vào nhận… đền bù.

Trên cánh đồng chỉ có tiếng gió thổi xào xạc, chị Trần Thị An ở tổ dân phố Phúc Hải 4 đang tha thẩn tìm những khóm nào có bông thì mót về. Chị cấy 3 sào lúa tẻ mà chuột bọ phá hết nên chẳng buồn gặt mà chỉ đi mót trên chính thửa ruộng của mình như vậy, được non 1 tạ thóc. Vừa mót lại vừa đau bởi tính ra 1kg thóc mất đúng 40.000 đồng tiền chăm sóc, đắt gấp 7 - 8 lần đi đong.
 

Mơ ước một cái hố xí

Bà Hoàng Thị Mỳ - tổ trưởng tổ dân phố Phúc Hải 4 kể đợt bình xét hộ nghèo sắp tới đang lo không biết giảm thế nào cho đủ chỉ tiêu thì có ông Trần Văn Tốn chết vì già, có bà Trần Thị Bóc ngoài 80 được hưởng chế độ trợ cấp già 270.000 đồng/tháng...

Không thể đổ lỗi hết chuyện bỏ ruộng cho nông dân được mà trước hết hãy xem chính quyền đã có những biện pháp gì để tháo gỡ vấn đề, để giúp cho họ sản xuất thật thuận lợi hay chưa?

Cũng vì chuyện bầu hộ nghèo mà bà Phạm Thị Đê từng phải kêu cứu lên tận phường. Số là hai chị em bà đều không chồng, khi về già nương tựa vào nhau trong ngôi nhà do một người chị khác nhường cho. Chính vì ngôi nhà mà họ không được xếp vào trong diện hộ nghèo. Đến lúc bà Đê bị ung thư, vì không có sổ bảo hiểm nên chạy chữa đến khánh kiệt tài sản. 22 lần truyền thuốc, lần nào cũng trên dưới 20 triệu khiến cho bà phải vay mượn tứ tung rồi khi không được nữa thì kêu váng trời đất.

Đoàn kiểm tra về, bà giật tung khăn để lộ ra cái hộp sọ trọc lốc rồi bảo: “Các anh chị nhìn đây này, sao mãi không cho tôi vào hộ nghèo?”. Cuối cùng thì đợt xét năm ngoái bà cũng nằm trong danh sách nghèo, được cấp thẻ bảo hiểm y tế nhưng chỉ 2 tháng sau đã quy tiên. Bà chết căn nhà cũng phải bán đi để trả nợ nên nơi thờ tự bây giờ phải chuyển tạm sang nhà chị gái.

Tôi không hề nghĩ ở giữa TP Hải Phòng lại có ngôi nhà tồi tàn và còn nền đất như của bà Bùi Thị Dỏng. Bà năm nay 85 tuổi sống cùng người con gái Bùi Thị Hái mắc chứng u não nên gần như mù dở. Đã thế mới đây chị bị tai nạn, không có tiền chữa trị nên thành ra què dở.

13-47-29_dsc_9646
Hai mẹ con bà Dỏng trong ngôi nhà nền đất

Cả gia đình sống bằng 400.000 đồng tiền trợ cấp tàn tật của con và 270.000 đồng tiền người già của mẹ, ốm đau không đủ thuốc thang trong khi vẫn còn nợ tới 13 triệu đồng. Trong ngôi nhà tồi tàn rộng khoảng 10m2 ấy không có một thứ gì đáng giá ngoài cái giường và tấm bạt che bên trên cho đỡ dột.

Nhiều đêm mưa to, gió lớn ngôi nhà rung lắc như đưa võng nhưng vì què chân nên chị Hái vẫn phải ngồi đợi hàng xóm dìu đi. Họ cũng không có hố xí nên bao nhiêu năm phải “đi” vào túi ni lông rồi mắt trước, mắt sau đem ra bãi rác vứt.

Khi tôi đến, hai mẹ con mới xong bữa cơm với thức ăn chỉ là mấy lát chuối xanh chấm mắm cáy. Hỏi về ước mơ, chị Hái bảo: “Tôi chỉ có hai ước muốn, thứ nhất là được nhìn thấy cái nền nhà đá hoa, thứ hai là được nhìn thấy cái hố xí tự hoại. Được thế, ngày mai dẫu chết tôi cũng không hề ân hận”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.