Nhà ngôn ngữ học Trần Chút đau yếu nhiều năm nay, nhưng sự ra đi của ông khiến nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò ngậm ngùi tiếc thương. Nhà ngôn ngữ học Trần Chút ngoài danh hiệu Nhà giáo Ưu tú thì không có học hàm và học vị gì, nhưng uy tín khoa học và nhân cách sư phạm của ông rất được kính trọng.
Nhà ngôn ngữ học Trần Chút sinh năm 1937 tại Gio Linh - Quảng Trị. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1964, ông về công tác tại Viện Ngôn ngữ học. Đất nước thống nhất, ông chuyển vào giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, và đảm nhận cương vị Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã Hội & Nhân Văn TPHCM suốt một thời gian dài. Sau khi nghỉ hưu, Nhà giáo Ưu tú Trần Chút vẫn được mời làm Hiệu phó của Trường Đại học Văn Hiến.
Nhà ngôn ngữ học Trần Chút hiền lành và mẫu mực. Tuy nhiên, với nghiên cứu khoa học, thì ông là một người quyết liệt và đam mê. Không chỉ góp phần biên soạn nhiều bộ sách Tiếng Việt và Ngữ Văn cho bậc trung học phổ thông, ông còn được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Ngôn ngữ TPHCM ngay khi vừa thành lập.
Nhà ngôn ngữ học Trần Chút thường ký bút danh Hồng Dân cho các công trình ngôn ngữ. Tác phẩm đầu tay của ông là “Mẹo Tiếng Việt” xuất bản năm 1966, được đồng nghiệp đánh giá rất cao. Tính đến nay, cuốn sách “Mẹo Tiếng Việt” đã được in đi in lại rất nhiều lần. Nói cách khác, “Mẹo Tiếng Việt” của Hồng Dân, vẫn là cẩm nang cho học sinh, sinh viên và những ai muốn sử dụng khéo léo tiếng Việt.
Nhà ngôn ngữ học Trần Chút có sáng tác rất nhiều thơ, nhưng ông không có ý định xác lập vị trí một thi sĩ. Nhà ngôn ngữ học Trần Chút thích được gọi là nhà Việt ngữ học, với lý do: “Nhà ngôn ngữ học thì phải nghiên cứu nhiều loại ngôn ngữ trên thế giới, còn tôi cả đời chỉ nghiên cứu tiếng Việt mà thôi!”.