| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 02/11/2019 , 07:01 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 07:01 - 02/11/2019

Nhà tiếp đất

Không cao vời gì đâu, thật ra con người cũng như con chim, con dế, phải có đất để gáy, phải có cành cây để đáp xuống, vậy thôi.

Ảnh mang tính minh họa.

Anh kể không biết chán về tuổi thơ của mình, trước 1945. Vườn nhà nội cây ăn quả to như cây rừng, mít nghệ, nhãn, bưởi, cam. Nhà ngoại ít vườn hơn nhưng ruộng nhiều, bờ cỏ, góc đồng, vụng nước và… những hoàng hôn.

Em bắt đầu ứa nước mắt, nối mạch thương nhớ của chồng về miền thơ ấu của mình. Vườn tới nội em hai hec-ta, không đếm xuể những thứ cây, chỉ biết là sáng trưa chiều em có đủ cây lá và chim chóc để ngao du cùng với chúng.

Nói xong tần ngần. Mùi trong khứu giác, vị trong vị giác, âm thanh trong tai, sự xốn xang trong xúc giác của người này như ngấm sang người kia. Yêu quê và có quê bằng ký ức, không cách nào khác được nữa rồi.

Những cây sồi, những hàng bạch dương, những gốc tuyết tùng, những con chim nhại, những cánh đồng xanh… trong những tác phẩm đã là tài sản của nhân loại, cũng chính là ký ức của một người cụ thể với thiên chức nhà văn. Không sao có lại được một khu vườn như chính nó, bởi loạn lạc và biển dâu thay đổi đã đào xới lộn nhào tất cả rồi.

Nhà ở Hà Nội chỉ là căn hộ chênh vênh tầng hai, tháo vát lắm mới có vườn treo trên sân thượng. Anh hì hục hoàn thiện hệ thống thoát nước để trồng trọt. Rau thiên lý, rau muống cạn và cả rau muống tím trong bể xi măng, rau cải tùy mùa, cây chanh, cây lá mơ, cây lộc cách.

Riêng cây lộc cách phải công phu lấy gốc tận vườn xưa quê nhà, không ngờ - hay vong linh ông bà nội đã theo ra - nắng càng lộng cây càng nhiều lá non, mỗi tháng hai đợt, phải kêu người thân lấy về ăn mới hết. Anh lại ao ước một khoảnh sân tiếp đất cho hoa, hoa gì tiếp đất thì cây mới bền hoa mới khỏe, mới thắm.

Anh biết vợ yêu hoa, thích cắm hoa và anh thích ngắm vợ khi nàng cắm hoa, hít hoa. Hai vợ chồng đều thích hoa hồng cổ, yếu đuối ngát hương và vì nó chính là hồng Việt, “không đơ như hồng Pháp” - từ của anh.

Cả thời thanh xuân nhà treo lưng chừng, cả thời trung niên vẫn nhà lưng chừng treo. Về Sài Gòn với ý nghĩ, đây là nơi cuối cùng, không chuyển dịch nữa, vẫn cứ là nhà treo.

Cô cháu gái nhà biệt thự và bể bơi, sảnh đọc sách với balcon để chuyên trà và hai ghế gỗ để ngả lưng cực kỳ sành điệu, sang trọng. Anh nói riêng với vợ, người ăn không hết kẻ lần không ra.

Ý anh là anh và em cần biết bao cái sân vườn có xích đông và cây khế để bạn bè tiệc nướng ngoài trời, hai vợ chồng mơ cả một đời cái sảnh đọc hữu tình ấy mà chừng như, sẽ không bao giờ với tới được.

Nếu như cuộc sống không dâu không bể, thì Cẩm Giàng mãi là nơi tấp nập tao nhân mặc khách và Hà Nội, Sài Gòn sẽ có biết bao salon văn chương xứng với thế kỷ tao nhã của nó. Khi ấy, ai chạy thi với thế kỷ 21, thế hệ anh và em sẽ bằng lòng với khoan thai và chậm rãi.

Dù sao chung cư đây vẫn có những cây me năm mươi tuổi, có sóc đuôi dài, có chim hót ríu ran. Anh bỗng giở thói phép thắng lợi tinh thần AQ, “nhất cái Thanh Đa của mình đó em!”. Không dám mơ nhà tiếp đất nữa rồi, gần tám mươi rồi, cái gì có thì đã có, cái gì không đến thì sẽ không đến nữa dù mình có dài cổ chờ. Người già khôn ngoan là người già sống thong dong với hiện tại để bình thản trò chuyện với thần chết lấp ló đâu đó.

Bà chị ở miền Tây bỏ ao chạy lấy người, có một thẻo đất dư trên khuôn nhà mới xứ núi. Làm một căn cấp bốn có bếp có phòng cho hai người và chỗ cho bạn bè khách khứa. Để hoàn thiện, anh mang cả máy khoan lên Đà Lạt làm chỗ treo ảnh lưu niệm, lịch tường, áo mũ khăn khiếc…Hì hục mấy ngày trời, xoa tay:“ Lần đầu tiên mình có nhà tiếp đất em há?” Eo ơi, nhà tạm, đất của chị, không gì thật của mình, vậy mà vợ cũng cảm động cười theo. Không cao vời gì đâu, thật ra con người cũng như con chim, con dế, phải có đất để gáy, phải có cành cây để đáp xuống, vậy thôi.

Anh hưởng được mươi lần căn hộ tiếp đất ấy. Hăm hở bước chân, bảng lảng sắc diện, mê say núi đồi. Cây mai anh đào, cây phượng tím, cây hồng tỉ muội, cây tường vi. Cũng vui rồi, làm sao có cây mít cây bưởi cây nhãn cây cam của tuổi thơ được nữa, ai cũng phải mất đi những kỷ niệm thần tiên ấy. Thôi đành, nhưng Đà Lạt quá xứng đáng để ngồi xe mỗi năm vài lần và sống chậm với nó.

Vẫn biết, một nhà văn xứ An Nam này muốn một thứ đơn sơ như khí trời, bến sông, vạt đồng, bóng cây… mà hình như không ai có được. Tin tôi đi, văn nghệ sĩ đích thực vẫn chật vật với không gian bê tông khốn khổ của mình, vì họ không thể ăn bẩn để giàu có xênh xang.

Rồi anh đi, cuối cùng vẫn không tiếp đất. Lọ cốt để ở gác hai nhà linh một ngôi chùa nhỏ xíu. Thôi, tro than đã về với đất đai sông núi thì cũng là tiếp đất rồi, phải không anh?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm