Nhà văn Nguyễn Hiếu có họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiếu, sinh ngày 15/10/1948 tại Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Hiếu sau khi tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970 đã làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.
Nhà văn Nguyễn Hiếu sáng tác nhiều thể loại, cả thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội đã phát hành "Tuyển tập Nguyễn Hiếu" với 10 cuốn hơn 6000 trang. Bao gồm, 6 cuốn tuyển chọn tiểu thuyết, 2 cuốn tuyển chọn truyện ngắn, 1 cuốn tuyển chọn thơ và 1 cuốn tuyển chọn kịch.
Với thể loại tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Hiếu đã công bố hơn 30 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm gây tiếng vang như “Vết xoáy trên ngực làng”, “Dòng sông màu máu vẫn chảy”, “Con ngố”, “Tình nhân”, “Chuyện tình người điên”, “Người đàn bà quỷ ám”, “Chân trời vỡ đôi”, “Bốn bước đến chân trời”, “Lặng lẽ cuối cùng”, “Những mảnh trần gian”, “Tôi bán mình”, “Tuyết lạnh sau mặt trời”…
Nhà văn Chu Lai nhận xét về đồng nghiệp Nguyễn Hiếu: “Một lực sĩ văn xuôi là một danh xưng đáng tôn vinh. Nhưng một nhà văn biết chắt chiu, nghiêm cẩn với từng con chữ của mình lại còn đáng tôn vinh hơn. Cảm nhận đầu tiên và ấn tượng khá mạnh về tác giả này là sự táo tợn, táo tợn trong ý tưởng và trong cách triển khai, táo tợn cả về nội dung lẫn hình thức. Có cảm giác Hiếu không tuân thủ theo bất kỳ một khuynh hướng sáng tác nào nhưng tìm trong đó lại có tất cả các khuynh hướng, phong cách”.
Với thể loại kịch, nhà văn Nguyễn Hiếu có hơn 70 kịch bản sân khấu và gần 300 kịch bản truyền thanh. Nhiều kịch bản của nhà văn Nguyễn Hiếu đã được các đạo diễn nổi tiếng như Lộng Chương, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Đỗ Kỷ đưa lên sàn diễn và được công chúng yêu thích như “Linh hồn đông lạnh”, “Hàng rào giữa hai nhà”, “Người thầy của muôn đời”, “Thân phận nàng Kiều”, “Tấm Cám”...
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa chia sẻ khát vọng viết kịch của nhà văn Nguyễn Hiếu: “Một trong những thế mạnh của kịch bản Nguyễn Hiếu là đề tài hiện đại và đó cũng là điểm yếu của sân khấu Việt Nam những năm gần đây, làm cho nó không thể phục vụ đắc lực cho công cuộc chiến đấu xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bị khán giả xa lánh. Thế mà các kịch bản đề tài hiện đại rất công phu, sắc bén và nóng bỏng tính chiến đấu của Nguyễn Hiếu thì cứ theo nhau xếp kho”.
Cặm cụi và hăng say sáng tác, nhà văn Nguyễn Hiếu đã có một gia tài văn chương đáng khâm phục. Sinh thời, ông luôn tâm niệm: “Văn chương không chỉ là một nghề, mà đối với một số người thì nó được coi như một sứ mệnh. Tác phẩm của họ làm cho cuộc đời ít nhiều đẹp hơn, bởi văn chương khiến con người có thêm sức mạnh vì những tình cảm cao cả, thiêng liêng”.
Ngoài "Tuyển tập Nguyễn Hiếu" dày 6000 trang đã in, nhà văn Nguyễn Hiếu còn để lại khoảng 4000 trang chưa có điều kiện xuất hiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là các vở kịch mà ông gửi gắm nhiều thao thức như kịch bản “Con tàu hoang” lấy cảm hứng từ vụ án Vinashin phản ảnh những mánh khóe lợi dụng chức quyền để trục lợi, kịch bản “Mặt nạ trần gian” phơi bày lợi ích nhóm trong cổ phần hóa ở ngành giao thông vận tải, kịch bản “Linh hồn lang thang” cảnh tỉnh tệ nạn lãnh đạo tranh thủ quy hoạch con cháu mình vào các vị trí béo bở.
Linh cữu nhà văn Nguyễn Hiếu được an táng tại Nghĩa trang phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.