| Hotline: 0983.970.780

Nhà văn Trang Hạ: Yêu người đàn ông biết bắt cướp

Thứ Sáu 06/04/2012 , 10:51 (GMT+7)

Ở Trang Hạ có màu liều và cả máu ghen rất đàn bà nhưng lại “hiền như Bụt”. Trước cốc cà phê, đôi khi chị thở dài “Ôi, người đàn ông biết bắt cướp…”.

Trang Hạ, nữ nhà văn từng gây xôn xao với cuốn sách dịch “Xin lỗi em chỉ là con đĩ…”, sau đó, chị hứng thú chuyên tâm với những cuốn tản văn đầy tuyên ngôn nữ quyền như “Đàn ông không đọc Trang Hạ”, “Những đốm lửa trên vịnh Tây Tử”, “Chuyện kể dưới ngọn đèn đường”…

Ở Trang Hạ có màu liều và cả máu ghen rất đàn bà nhưng lại “hiền như Bụt”. Chị lặng lẽ đọc hết email của cô bồ gửi cho chồng và không nhảy chồm lên như hổ, tự thấy thương chồng bởi đã lâu rồi, anh vắng xa những lời yêu thương.

Trước cốc cà phê, đôi khi chị thở dài “Ôi, người đàn ông biết bắt cướp…”.

1. Chồng tôi xem tôi là cô bồ

Với một người phụ nữ có máu liều, lại yêu văn học, hẳn chị phải ấn tượng lắm với nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều?

Hồi tôi học lớp 11, cô giáo dạy Văn ra đề bài về nhân vật Từ Hải, tôi làm bài theo suy nghĩ riêng, nói rõ, Từ Hải là 1 người đàn ông không ra gì, nếu tôi là Kiều thì chẳng bao giờ tôi đến với một kẻ háo danh như thế, chỉ lo cho cái danh hão của gã. Có bao giờ gã gẩy đàn cho Kiều nghe chưa? Chưa bao giờ. Khi chết đứng, gã cũng chỉ lo cho cơ đồ của gã chứ có để ý đến người con gái đang ôm chân gã không? Gã ích kỉ đến cùng cực, không có lòng trắc ẩn. Tôi còn nói rõ, Từ Hải là nhân vật phản diện, làm cho bạn đọc thấy rõ sự gia trưởng của đàn ông. Tôi được 3 điểm và cô giáo phê: “Lạc đề”.

Khi hết giờ dạy, cô ra khỏi lớp bảo với tôi: “Cô rất thích quan điểm của em” nhưng khổ nỗi, cơ chế chấm điểm trong lớp phải như vậy. Tôi nhớ mãi vì tôi bất ngờ với chính tôi vì đã làm khác.

Thế còn những gã đàn ông anh hùng thời nay?

Tôi thích một người đàn ông, thấy cướp chạy qua thì phải đuổi bắt, không né tránh. Tôi không xem đó là anh hùng, mà đó là lẽ phải. Tôi rất thích đọc những tin bài về “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Tăng Tiên, tôi xúc động và xem đó là những hành động nghĩa hiệp, đó là cái khác biệt lớn đấy, đàn ông mà khác với số đông thì luôn hấp dẫn.

Đó là lí do chị và chồng chị kết hôn, bởi anh ấy khác biệt và đi về lẽ phải?

Chồng tôi luôn đứng về lẽ phải dù nguy hiểm. Trước kia, tôi xem chuyện cưới chồng cũng là một sự bướng bỉnh. Tôi yêu chồng, bởi mùa hè thì chồng tôi chở tôi đi bắt ve, mua gà con về cho tôi nuôi. Tôi thích những con vật bé nhỏ như thế. Chồng tôi còn làm diều cho tôi thả rồi thì chở tôi về quê, đi ra đống rơm chụp ảnh… Tôi nghĩ, nhiều khi đòi hỏi một người đàn ông thành phố hiện giờ mà đi bắt ve, rồi làm diều… thì chắc nhiều ông không biết.

Bây giờ, chồng tôi đi làm, nói thật, chồng tôi làm gì, ở đâu tôi không hề biết.

Điều này nói lên sự gắn kết trong gia đình chị quá lỏng lẻo?

Tôi không hỏi. Chồng tôi không nói và tôi nghĩ, nếu cần và quan trọng thì chồng tôi sẽ nói. Còn công việc chưa chắc chắn hoặc tạm bợ, thì sẽ không nói. Nhưng sáng sáng, thấy chồng đóng bộ rất diện, rồi thì giày da sáng bóng, tôi đoán chồng tôi làm công việc văn phòng. Ngược lại, tôi làm gì thì chồng tôi cũng không hề biết, ông chỉ biết, tôi viết lách linh tinh gì đó chứ viết cái gì, ông không biết.

Tôi không nghĩ, nếu chồng tôi biết tôi là nhà văn thì sẽ yêu tôi hay ghét tôi hơn. Không phải. Cái gắn kết giữa tôi và chồng là con cái, gia đình và cuộc sống chung, sinh hoạt trong gia đình. Chúng tôi hòa hợp, còn tôi và chồng tôi là ai ngoài xã hội, tôi và chồng không quan trọng lắm. Đó mới là điều cốt lõi trong gia đình.

Phải chăng đó là mối quan hệ thoát khỏi khuôn mẫu vợ chồng như vô vàn cặp vợ chồng khác trong xã hội?

Chồng tôi nhiều khi xem tôi là bạn, cũng có khi là cô bồ. Chúng tôi không nhàm chán nhau. Vậy tại sao lại không lý tưởng?

Tôi thấy có nhiều bà vợ, lên diễn đàn và hét toáng, chồng chẳng chăm sóc gì mình cả và ra lệnh, mỗi tháng là phải nộp tiền học phí cho con. Tôi nghĩ, lí do chính là bà vợ bởi thông điệp rất hạn mức, chỉ cần nộp từng đó tiền là hoàn thành nhiệm vụ. Và anh ta có quỹ đen để làm những chuyện khác…

2. Anh muốn sinh con thì đi lấy vợ hai…

Phải chăng có đời sống hôn nhân thoải mái mới giúp chị cởi bỏ được “chiếc mặt nạ” thụ động và đưa ra những tuyên ngôn mang tính nữ quyền như trong những cuốn sách của chị?

Lúc mới cưới chồng, tôi vẫn rất thụ động, tôi vẫn là nàng dâu lo sức ép về mọi bề, tức tối khi chồng mình đi chơi về khuya, rồi mệt mỏi khi có bầu. Chồng tôi cũng vậy, lúc mới cưới, ông là một người đàn ông vô tâm, đi chơi tối ngày bù khú rồi thì, không hứng thú lắm với công việc. Nhiều khi tôi cũng không hiểu sao, tôi thay đổi, mà có lẽ, do gia đình nhà chồng chăng?

Ồ?

Bố mẹ chồng chiều tôi lắm, chiều đến mức khi cả khu dân phố họp để kiểm điểm tôi vì tôi mặc quần soóc ngắn, phóng xe máy ầm ầm giữa ngõ. Tuy nhiên, bố mẹ chồng tôi cũng chằng yêu cầu tôi phải sống theo cách khác, dù ông bà cũng thấy, như thế là khó coi.

Có lần, trời sắp mưa, bố chồng tôi dặn: “Đem theo áo mưa con nhé”, câu nói đó làm tôi phát khóc vì từ bé tới giờ, tôi ít được quan tâm như thế.

Để có cuộc sống thoải mái như hiện nay, hẳn vợ chồng chị không thể thiếu những rạn nứt?

Tôi nhớ, hồi năm 2006-2007, thời gian tôi đi học và làm việc bên Đài Loan, một năm thì tôi về nhà vài lần. Mỗi lần về nhà, tôi căng thẳng lắm, ở bên kia, tôi một mình, được đi khắp nơi, đời sống tự do. Nhà chồng tôi có 3 đời “độc đinh”, cụ nội, ông nội rồi ông xã tôi, gia đình chồng rất muốn tôi sinh con trai nhưng tôi chỉ sinh mỗi đứa con gái và tôi cũng nói rõ, tôi không có ý định sinh con tiếp.

Khi đó, mẹ chồng tôi còn gọi tôi ra và nói rõ: “Ngủ với chồng là nghĩa vụ của một người vợ”, chồng tôi cũng nói: “Em muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm nhưng phải đẻ thêm một đứa nữa”.

Lúc đó, tôi đi nhiều, tôi có sự so sánh trong đời sống, tôi đã từng đứng trong một thư viện nhỏ của một trường đại học, tôi sửng sốt và không nghĩ có một ngày tôi có cơ hội đọc được nhiều sách đến vậy, nếu tôi biết trước tôi có cơ hội này thì tôi sẽ không lãng phí thời gian vào bất kì việc gì cả. Đó là lí do tôi quyết định không sinh em bé nữa để đọc và viết nhiều hơn.

Chị có căng thẳng không?

Tôi nói với chồng, nếu anh muốn đẻ nữa thì anh lấy vợ hai đi. Hoặc là chia tay nhau nhưng chồng tôi cũng không đồng ý.

Mỗi lần cãi nhau, ông xã thường cởi hết đồ tôi ra, nằm đè lên và nói “Em thấy chưa, em làm cho anh mất hết cả hứng” và tụt xuống khỏi người tôi. Tôi quả quyết, cái giấy phép hôn nhân không đồng nghĩa với việc làm tình thoải mái.

Đỉnh điểm của sự căng thẳng là tôi xách va-ly đi ra khỏi nhà. Tôi từng sống ngoan ngoãn, nghe lời và tôi sợ quá khứ đó quay trở lại. Đến năm 2008, tôi lại có bầu và tôi hạnh phúc. Tôi không quyết định điều đó và hoàn cảnh xô đẩy.

Khi tôi bị nạn, mọi người quay lưng lại với tôi và chỉ có gia đình chồng đứng bên cạnh tôi, tôi đã ngã vào chồng tôi lần nữa. Và trong suốt cuộc sống hôn nhân, tôi cãi nhau với chồng cũng là lúc con bị trớ, nôn. Cả 2 xót con đến nỗi sẵn sàng gây sự với người kia.

Phải chăng đó chính là “muốn cho một người phụ nữ ương bướng trở nên biết điều thì hãy nhét vào bụng nàng một đứa con”?

Ít ra thì đó cũng là kinh nghiệm của tôi (cười lớn).

3. Vợ chồng tôi hoán đổi vị trí

Chồng chị cũng đọc văn của chị và hiểu những tuyên ngôn rất đàn bà đó?

Chồng tôi đọc với tâm thế của một kẻ theo dõi, chứ không phải tư cách của một độc giả. Trước đây, ông dùng sách của vợ để úp mặt và ngủ ngon hơn, bắt đầu từ khi có đứa con thứ 2, thì ông theo dõi văn của tôi trên mạng để biết vợ hiện ở đâu, làm gì, gặp ai và hiện đang có những cảm xúc gì.

Chị cảm thấy thế nào với kẻ theo dõi đó?

Thú vị.

Yêu chồng, khen chồng nức lòng nhưng tôi ít thấy hình bóng chồng chị trong những tác phẩm của chị?

Hai năm nay, tôi viết cuốn “Làng trong phố” và sắp được xuất bản, chương nào cũng có hình bóng ông xã của tôi đấy. Chỗ tôi ở là phường Bưởi, cơ bản về địa chỉ thì đã là phố nhưng tôi thấy vẫn có nhiều đặc trưng là “làng” lắm.

Tôi sợ khi đọc xong, ông xã tôi sẽ hơi mất bình tĩnh vì tôi không hỏi ông xã, tôi có quan điểm, viết văn là chuyện của tôi cũng như chồng tôi uống cà phê với ai, tôi cũng đâu có hỏi. Tôi không bịa đặt hay bôi nhọ thì đâu có gì là không tôn trọng. Việc chồng tôi cởi trần, mặc quần đùi, đứng giữa đường và chặn xe hàng xóm… thì là sự thật.

“Làng” của chị có gì hay?

Xung quanh nhà tôi, nhà nào cũng 2 vợ, không 2 vợ thì cũng 3 vợ trở lên, những nhà mới chuyển đến thì cũng vừa chia tay vợ. Tôi viết đó là long mạch của làng nên tôi kiên quyết cắt long mạch của làng bằng cách… xách va ly đi rồi thì tôi vẫn quay lại với chồng. Nhưng tương lai thế nào thì chưa biết. 

“Làng” thì cũng đầy rẫy những lề thói, dễ gì chấp nhận một cô gái như chị?

Tôi sống khá khép kín, tôi chỉ đi ra ngoài đường khi tôi có việc phải ra đường. Nếu ở trong nhà, tôi cũng chẳng ra ngoài ngã ba, ngã tư buôn chuyện.

Sống ở đó, có những người biết mặt chồng và con tôi nhưng cũng không biết mặt tôi, tôi cũng không biết mặt họ bởi đi đâu, tôi lướt qua họ rất nhanh. Mọi thị phi trong cái “làng” đó thì chồng và gia đình chồng xử lí cho tôi hết. Khi tôi đi vắng, chồng con tôi đi ăn sáng thì họ cũng chỉ trỏ: “bố con đậu đũa” hay chồng tôi đi chợ, nấu cơm thì lại bảo: “đấy, mày chỉ thiếu mỗi cái váy chụp lên đầu nữa thôi”.

Anh biết không, vai trò vợ chồng trong gia đình tôi hoàn toàn hoán đổi, chồng tôi tỉ mẩn làm mọi việc nhỏ như chăm sóc con, đưa đón con đi học, còn tôi, chỉ quan tâm việc lớn như định hướng con năm nay học võ, năm sau học đàn…

Tôi nghĩ, tôi may mắn khi có được chồng và gia đình chồng như vậy, nhiều khi tôi nghĩ, tôi trở nên như bây giờ là do chồng và gia đình chồng hình thành.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất