| Hotline: 0983.970.780

Nhà vườn phải là những chuyên gia

Thứ Sáu 01/06/2012 , 10:09 (GMT+7)

ĐBSCL có gần 80.000 ha vườn cây có múi (CCM), trong đó 60.000 ha đang cho trái. Tuy nhiên, nhà vườn trong vùng từng điêu đứng vì dịch bệnh.

PGS TS Trần Văn Hai
ĐBSCL có gần 80.000 ha vườn cây có múi (CCM), trong đó 60.000 ha đang cho trái. Tuy nhiên, nhà vườn trong vùng từng điêu đứng vì dịch bệnh. Trước tình hình dịch bệnh trên CCM đang có nguy cơ bùng phát, PV NNVN đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Trần Văn Hai - Phó Bộ môn BVTV, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng- Trường ĐH Cần Thơ.

Thưa ông, ở ĐBSCL hiện nay bệnh nào lo ngại nhất tàn phá vườn CCM?

Lâu nay bệnh vàng lá gân xanh hay còn gọi là bệnh Greening trên CCM như cam sành, cam mật, quýt... một số nhà vườn đã phải đốn bỏ và trồng lại cây mới. Tuy vậy, vẫn còn một số bệnh khác như bệnh thối rễ do nấm tạo hạch trong đất (Fwsarium sp). Loại nấm này ăn rễ gây hại vườn cây có mực thủy cấp cao gần mé bộ rễ. Vào đầu mùa mưa hay phát bệnh này.

Khi bị ngập, cây vàng lá tạo tầng rời, lá rụng hết nên suy yếu dẫn tới chết từng phần. Muốn phòng trị bệnh này có nhiều giải pháp, nhà vườn có thể nâng mương vườn, đánh rãnh mương nước thoát nhanh, xong bón vôi, làm phân hữu cơ bằng xác bã thực vật, xác động vật và trộn nấm Tricchoderma (ĐH Cần Thơ) rải dưới gốc, tưới trung bình 1g/m2. Cách này rất hiệu quả. Bên cạnh đó có thể dùng sử dụng thuốc hóa học, nhóm thuốc trị nấm hạch Carbendazim khuấy nồng độ 2-3%0 tưới định kỳ 1 tuần/lần cây sẽ hết bệnh.

Còn bệnh xì mủ gốc gây thiệt hại như thế nào?

Hiện nay cam, quýt còn có bệnh xì mủ gốc, nứt thân, chảy nhựa do nấm Phytophthora sp tấn công phần cổ rễ (rễ giáp thân) hoặc những vết nứt cơ học do côn trùng cắn phá, trong khoa học còn gọi là động bào tử (có roi) di chuyển trong nước, lây lan từ nguồn nước, khi tưới cây bị lây sang. Bệnh này làm cho cây cam, quýt xì mủ, thường xảy ra nặng nhất vào cuối mùa khô đầu mùa mưa.

Cây biểu hiện khát nước, mủ ứa ra ngoài. Nếu bệnh nhẹ cây chết từng phần và nặng hơn có thể chết cây, trái thối rụng. Muốn phòng trị cũng tương tự như bệnh thối rễ, vệ sinh vườn, cưa cành cây bệnh đưa đi xa đốt để tránh lây lan trong vườn. Trên cây bệnh, ngay chỗ vết thương trên thân cây dùng dao khoét sâu vào hết phần thân đen rồi trét thuốc vào. Hỗn hợp thuốc gồm Bordeaux đồng kết hợp với vôi.

Cách pha chế 1kg sufat đồng (phen xanh) hòa 50 lít nước và 1kg vôi sống (vôi cục CaO) hàm lượng cao hòa 50 lít nước. Hỗn hợp thuốc này khuấy đều có thể phun lên cả thân cây, lá. Ngoài ra nhà vườn có thể dùng thuốc bán ngoài thị trường như hợp chất Metalaxyl (Ridomyl) hoặc Propamocard (proplant) pha nồng độ 2-3% tưới đều ướt gốc.

Thưa ông, có cách nào khắc phục bệnh ghẻ lồi, bệnh nám da không?

Bệnh ghẻ lồi do vi khuẩn gây hại có vết màu nâu nổi gồ lên mặt vỏ trái cam, quít, chanh, bưởi. Bệnh này phổ biến vào mùa mưa làm lá có quầng vàng, tâm màu xám, đôi khi khô nổ lá lây lan xuống cành sang trái (thường trái to mới bệnh). Cách phòng trị là vệ sinh vườn, sau khi thu hoạch cắt tỉa cành, hạn chế tưới nước đậm; phun thuốc đặc trị diệt khuẩn như: Kocide, Avalon, Copper, Zinc.

Đối với hiện tượng trái nám da, nông dân thường gọi là da lu hay da cám, nguyên nhân do nhóm nhện chích hút trên vỏ trái. Trái da lu do nhện vàng, trái bị da cám do nhện đỏ. Nhóm nhện này kích thước rất nhỏ, di chuyển bò bằng 8 chân lây từ cành này sang cành kia. Khi chích hút làm tế bào tinh dầu trên vỏ trái bị vỡ ra, sau đó ánh nắng mặt trời chiếu vào bốc hơi. Lớp tinh dầu áo trên vỏ trái bị phơi khô khiến vỏ trái bị đen nâu là trái bị da lu; còn trái bị da cám vỏ bị sần nâu.

Hai loại nhện này chỉ gây hại lúc nhiệt độ cao, nắng nóng nhiều, không khí khô. Tuy chất lượng trái bên trong không ảnh hưởng nhưng bán thường mất giá. Do đó muốn phòng trị phải vệ sinh vườn, tỉa cành, tạo tán, bón phân cân đối và sử dụng thuốc đặc trị nhện: Nissorun, Danitol, Komite, Alphamite, Kumulus, Microthiol; với liều lượng theo hướng dẫn của nhãn thuốc và phun xịt 2-3 tuần/lần, thấy hết bệnh thì ngưng.

Theo ông, trồng CCM ít bệnh có phải còn do kinh nghiệm?

Trước đây ở tỉnh Hậu Giang từng có vườn CCM bạt ngàn 17.000 ha. Thế rồi do bệnh Greening, nhà vườn sửa vườn, trồng mới cây vẫn bệnh hoài. Đó là vì nguồn mầm bệnh chỗ cũ có sẵn, vì vậy cân phải dời đi đất mới. Kinh nghiệm của các nhà vườn ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) là lập vườn mới từ đất ruộng, tuyển chọn mua giống cây sạch bệnh của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam; trồng cây chăm sóc kỹ, phân bón, nước và đặc biệt trồng theo mật độ dày, khoảng cách cây 1-1,5 m để cây phát triển nhanh, cho trái sớm. Trong quá trình trồng nếu cây nào nhiễm bệnh, kém sung sẽ loại bỏ trồng vào cây mới. Trồng theo cách này trong 5 năm, sau 2 năm cho trái, thu hoạch trái 3 năm. Vì vậy nhà vườn không còn lo ngại bệnh Greening như trước.

CCM rất khó tính, cần dinh dưỡng rất cao và bệnh cũng rất nhiều. Trong quy trình canh tác để đảm bảo trái ngon, sạch, an toàn nhà vườn cần hướng tới SX theo hướng VietGAP. Do bệnh CCM nhiều nên nhà vườn cần phải sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc 4 đúng. Nhà vườn phải là những chuyên gia biết “chẩn đoán” bệnh, xác định loại dịch hại gì gây ra trên mảnh vườn của mình; chọn đúng thuốc; sử dụng đúng cách theo liều lượng hướng dẫn và lưu ý ngưng phun thuốc theo đúng thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.