| Hotline: 0983.970.780

Nhà vườn thất thu vì bão

Thứ Sáu 27/07/2012 , 10:50 (GMT+7)

Năm nay, tại các vùng trồng chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, chúng tôi thấy vắng hoe, nhiều vườn đóng cổng im lìm...

Vào thời điểm này hằng năm, tại các vùng trồng chôm chôm, măng cụt, sầu riêng thuộc các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) luôn tấp nập thương lái đến  thu mua trái cây. Năm nay chúng tôi thấy vắng hoe, nhiều vườn đóng cổng im lìm...

CÂY “ĐÓI” TRÁI

Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Phước, Phó chủ nhiệm CLB Ca cao khuyến nông Hưng Lộc (Thống Nhất), chủ 2 ha vườn xoài, sầu riêng than vãn: “Cơn bão số 1 đã quật ngã nhiều diện tích cây ăn trái, gây thiệt hại nặng, đến nay nhiều hộ cũng chưa kịp khắc phục”. Theo anh Phước, lẽ ra thời điểm này đang vào vụ thu hoạch nhưng năm nay do bị "dính" bão khiến nhiều nhà vườn “móm” chẳng thu được đồng nào. Thực tế như vườn của gia đình anh Phước với khoảng 400 gốc xoài và sầu riêng cũng đã bị thiệt hại tới 90%.

Anh Phước cho biết, chỉ riêng diện tích xoài Thái và xoài thường của gia đình hàng năm cho thu hoạch khoảng 25 tấn, bèo nhất cũng thu được từ 70-80 triệu đồng; còn lại 200 gốc sầu riêng (10 năm tuổi) cũng cho thu cả chục tấn trái. Tuy nhiên, vụ này ráng lắm gia đình anh cũng chỉ thu được 2 tấn, nhưng vì bị ảnh hưởng thời tiết mưa bão nên chất lượng trái không ngon bằng những năm trước, bán không được giá cao. Vụ này thu hoạch chắc không đủ trả tiền phân bón, thuốc và công hái.

Tương tự, hộ anh Nguyễn Thanh Phong, ấp Hưng Nghĩa có 7.000 m2 hồ tiêu, trận bão đầu năm cũng đã cướp đi mất phân nửa diện tích. Chỉ vào những trụ tiêu mới được trồng lại, anh Phong tâm sự: “Sau bão nhìn cả vườn te tua, nhiều trụ bị đổ nghiêng tôi ráng để chăm sóc nhưng nay cũng bị thối rễ chết cây đành phải đốn bỏ trồng lại. Còn những cây tơ, tôi lựa cắt dây để dưỡng cho cây lên chồi mới, nhưng vụ này cũng chịu thất thu trắng. Thời gian trồng mới lại diện tích tiêu bị thiệt hại ít nhất cũng phải mất 4-5 năm chăm sóc tốt mới cho thu hoạch".

Còn vườn tiêu, sầu riêng 2,5 ha của gia đình ông Lê Xuân Đáng (Sáu Đáng), ấp Hưng Thạnh cũng bị bật gốc thiệt hại hơn 100 trụ tiêu phải trồng lại. Đáng tiếc hơn khi có 6 cây sầu riêng bị gãy đổ, trong đó quý nhất là 1 cây cổ thụ nhất huyện khoảng gần 30 năm tuổi nhưng đã bị bật gốc. Đứng bên gốc sầu riêng cưa bỏ, Sáu Đáng xót xa: “Cây này tôi còn quý hơn vàng nữa, ấy thế mà chỉ sau một đêm gió bão nó đã bị đổ gục khi đang đeo rủng rỉnh trái non. Sau khi cưa cây, tôi đếm được khoảng 300 trái, bị thất thu mất toi cả chục triệu đồng. Vụ này vườn nhà tôi coi như đói trái, gần như chẳng được thu hoạch gì!”.


Cây sầu riêng cổ thụ của ông Sáu Đáng chỉ còn lại bộ gốc rễ

Theo Sáu Đáng, những cây sầu riêng khác trong vườn không bị gãy đổ thì vụ này cũng đã bị giảm năng suất tới 80%. Kế bên, khu vườn của hộ anh Nguyễn Đức Khải có 50 gốc sầu riêng (7 năm tuổi) cũng đã bị bão quật gãy 15 gốc, nay gia đình anh cũng đang phải tìm mua cây giống trồng dặm lại. Tuy nhiên, những cây còn lại vụ này cũng chỉ cho rải rác vài trái sượng, cũng chẳng hy vọng bán được đồng nào.

CẦN VỐN KHÔI PHỤC VƯỜN

Theo chân anh Phước đi tham quan thực tế các vườn cây quanh địa bàn xã Hưng Lộc, chúng tôi chứng kiến nhiều diện tích sầu riêng, xoài, chôm chôm, tiêu, điều… bị gãy đổ, trốc gốc khiến người dân phải trồng mới lại hoàn toàn. Ghé vào vườn cây nhà ông Tám Phụng, ấp Hưng Hiệp, đến lúc này những gốc sầu riêng bị gãy đổ vẫn đang còn nằm ngổn ngang trong vườn chờ… làm củi.

Chủ vườn Tám Phụng cho biết, cả khu vườn có khoảng 70 gốc sầu riêng, nhưng chiếm hết hơn phân nửa diện tích (khoảng 40 gốc) cây bị bật gốc, gãy đổ tan hoang. Sở dĩ gia đình Tám Phụng đến nay chưa muốn động vào khu vườn vì nguồn vốn đã cạn nên ông chán nản không biết vay đâu để bù lại khoản thiệt hại này.

Chúng tôi quan sát cả vườn, nhiều cây sầu riêng xác xơ không thấy bóng dáng một trái nào. Còn những cây đổ ngả nghiêng cũng nửa sống nửa héo rũ nếu chủ vườn không đầu tư kịp thời chăm sóc thì cũng chỉ chờ đến ngày đốn củi. Anh Nguyễn Thanh Phước tâm sự: “Ở khu vực này thiệt hại nặng nhất vẫn là những vườn cao su và tiêu. Thời điểm cơn bão ập xuống đúng lúc cây xoài đang ra trái nên bị rụng nhiều, còn những trái không rụng thì bị gió bão quăng quật cũng hư hết”.

Đồng Nai có trên 48.000 ha cây ăn trái các loại, trong đó loại cây có diện tích lớn là chôm chôm, sầu riêng, xoài. Đầu mùa mưa cũng là vào hè, thời điểm thu hoạch trái, nhưng năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 1, năng suất giảm bình quân từ 30-70%.

Theo anh Phước, không riêng gì huyện Thống Nhất mà ở các huyện khác như Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ cũng bị tình trạng tương tự. Tính ra vụ này trên toàn địa bàn, nhà vườn đã bị thất thu bình quân tới 70%. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn vay để tái đầu tư vào khôi phục vườn cây sau bão.

Nhiều chủ vườn sầu riêng ở các huyện này cũng cho biết năng suất sầu riêng năm nay giảm đáng kể. Theo các chủ vườn, do ảnh hưởng từ sau trận bão làm hư bông và trái non còn tạo điều kiện cho bệnh thối rễ, xì mủ ở cây phát triển mạnh khiến cây giảm năng suất.

Trao đổi với NNVN, ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: Sau trận bão số 1 đã gây thiệt hại chủ yếu trên những diện tích cây ăn trái khiến vụ này nhiều nhà vườn thất thu hoặc thu hoạch kém. Huyện đã chỉ đạo các xã lập nhiều đoàn công tác thống kê diện tích, mức độ thiệt hại tại các hộ có diện tích cây trồng bị thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ, tổ chức tập huấn khuyến nông, BVTV sau bão...

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các nhà vườn vẫn vốn để đầu tư phục hồi vườn bị thiệt hại; đồng thời chăm sóc cho cây trái “hồi tỉnh” để cho năng suất cao.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất