| Hotline: 0983.970.780

Nhạc sĩ Thanh Phúc với “Người Mèo ơn Đảng”

Thứ Năm 13/01/2011 , 09:58 (GMT+7)

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc "Người Mèo ơn Đảng" không chỉ vang lên trên làn sóng phát thanh, những hội diễn khắp mọi vùng quê mà còn trở thành bài hát truyền thống của đồng bào H’Mông.

Nhạc sỹ Thanh Phúc cùng các cô giáo vùng cao Hà Giang

Mùa xuân Tân Mão đang về, đất nước đón mừng xuân, mừng ngày thành lập Đảng và mừng Đại hội Đảng lần thứ XI đang diễn ra tại Hà Nội. Mỗi mùa xuân đến, trong lòng muôn triệu người dân Việt Nam lại vang vọng những bài ca về Đảng.

Hơn nửa thế kỷ qua, hàng trăm ca khúc viết về Đảng và mùa xuân, đã bay trên khắp mọi miền đất nước, đi cùng năm tháng và đọng lại trong lòng công chúng. Mỗi ca khúc về Đảng đã là một món quà thể hiện sự trân trọng, biết ơn của mỗi nhạc sĩ, của người dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, ca khúc "Người Mèo ơn Đảng" không chỉ vang lên trên làn sóng phát thanh, trong những chương trình mừng xuân, mừng Đảng, những hội diễn khắp mọi vùng quê mà ca khúc này còn trở thành bài hát truyền thống tự hào của của đồng bào dân tộc H’Mông. Họ hát bài ca “Người Mèo ơn Đảng” khi đi nương làm rẫy, ở chợ phiên, họ hát ở nhà riêng, buổi vui hội họp, lúc gặp bạn bè…

Họ hát bằng tiếng Kinh và bằng tiếng Mông với niềm tự hào: Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát/ Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng…

Nhạc sỹ Thanh Phúc kể: Tôi sinh ra ở đất hai vua - làng Việt cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhưng lại sớm gắn bó với mảnh đất Hà Giang, đặc biệt là với đồng bào người H’Mông nơi đây. Trong suốt thời kỳ chống Pháp, tôi là đội viên Đội tuyên Văn Trung đoàn 165, hoạt động trên địa bàn Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái.

Thời gian ấy, chúng tôi có mặt ở những bản làng heo hút nhất của người H’Mông, cùng ăn thắng cố, mèn mén và uống rượu ngô với đồng bào. Điều  ám ảnh tôi nhất là cuộc sống nghèo khó và lam lũ của người H’Mông sống lưng chừng núi. Lúc nào cũng thấy họ lầm lũi trên những dốc đá thẳng đứng với bó củi hay gùi nước trên vai. Bàn tay họ thoăn thoắt xe lanh…

Những năm 1955-1956, ở vùng núi phía Bắc rộ lên việc "vua Mèo" gây rối. Cuộc sống nơi biên cương diễn ra rất phức tạp. Những con người trung kiên của Đảng, các chiến sỹ biên phòng đã đưa hình ảnh Bác Hồ đến với những người dân bản người Mèo (H’Mông) sống lưng chừng núi xa xôi để vận động người dân nơi đây không đốt rẫy làm nương, hạ sơn, sống quây quần bên suối với bản mới định cư.

Hình ảnh đó đã tạo nên âm hưởng của ca khúc Người Mèo ơn Đảng: Bao đời nay sống nghèo lam lũ/ Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi/ Nhớ ơn Đảng đưa tới, ta từ nay ấm no/ Không bỏ rẫy đốt nhà, mà lang thang nghèo suốt đời/ Từ nay dân Mèo sống chung/ Bản Mèo vui trong tiếng khèn/ Người Mèo ơn Đảng suốt đời.

"Người Mèo ơn Đảng" là một trong số rất ít ca khúc của Việt Nam hiện được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng: H'Mông, Trung Quốc, Anh và Pháp để các ca sĩ thể hiện ca khúc này khi giao lưu với bạn bè quốc tế.

Ngoài ca khúc "Người Mèo ơn Đảng", nhạc sĩ Thanh Phúc còn có một ca khúc nổi tiếng khác là “Hà Giang quê hương tôi”. Nếu như “Người Mèo ơn Đảng” được coi là bài ca chính thức của đồng bào dân tộc H’Mông trong cả nước thì “Hà Giang quê tôi” nhạc sĩ Thanh Phúc sáng tác cách đây 36 năm nơi dải đất biên cương Hà Giang không ngừng đổi mới, lại trở thành bài ca đầy tự hào, trở thành nhạc hiệu của tỉnh Hà Giang. Lời ca như lời tự sự như lời mời thân thương đưa ta đến với miền biên cương.

Nơi đây "Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu/ Có đường đi trong mây lên tới cổng trời/ Đây vùng cao quê hương đang đổi mới/ Điện về muôn nơi vui tiếng trẻ thơ/ Đây cầu Thanh Niên cho những ai hẹn hò/ Những nhà máy lại vang tiếng còi tầm/ Tiếng nhạc ngựa đi theo nguồn hàng/ Về Yên Biên vui chợ phiên/ Ôi đẹp sao đây Hà Giang quê tôi đang đổi mới”.

Không phải người con sinh ra trên mảnh đất Hà Giang nhưng miền quê ấy cũng là nơi người cha liệt sỹ của nhạc sỹ Thanh Phúc yên nghỉ. Miền quê ấy cũng còn ngôi mộ chí của những người thân trong gia đình nhạc sỹ. Có thể vì những tình cảm thiêng liêng ấy, vì mấy chục năm gắn bó với đất Hà Giang, tình đất tình người nơi đây đã lắng đọng trong lời ca “Người Mèo ơn Đảng”, “Hà Giang quê tôi” để rồi huyện thị nào nhạc sỹ Thanh Phúc cũng có bài hát và đến nay ông đã gần 60 bài hát cho riêng tỉnh Hà Giang.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất