Từ “trông trời, trông đất, trông mây…” sang trông dữ liệu
Xin được liên tưởng ví von về hoạt động của khuyến nông tới câu chuyện "Bác nông dân và con gấu" bằng chuyện “Khuyến nông Bụt” thế này: Chủ đất cho nông dân thuê trồng cấy, đòi chia sản phẩm lấy phần ngọn (vì chủ yếu là trồng lúa).
Nông dân không biết trồng gì thì Bụt hiện lên bảo hãy trồng khoai. Năm sau, chủ đất đòi chia phần gốc, Bụt “tư vấn” trồng lúa. Năm sau nữa, chủ đòi cả gốc lẫn ngọn, Bụt khuyên trồng mía. Sau nữa, chủ đòi cả gốc, ngọn và thân, Bụt bảo nông dân trồng ngô…
Thời chiến tranh, khuyến nông hướng dẫn xóa đói giảm nghèo, tăng gia sản xuất, khai hoang phục hóa, thau mặn rửa phèn. Thời thị trường, khuyến nông hướng dẫn thâm canh tăng vụ, sản xuất hàng hóa.
30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kỳ tích nhưng cũng như một đội bóng mới chỉ ở đẳng cấp khu vực, chưa vươn ra được ở đấu trường châu lục, và tổng thể chỉ ở mức trung bình. Bây giờ, sân cỏ, cầu thủ, huấn luyện viên, khán giả… đều đã rõ. Bước sang giai đoạn mới, cần xác định chiến lược gì, chiến thuật nào, cái gì kéo, cái gì đẩy, giá trị nào mới… để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Sự tiến hóa trong nông nghiệp ngoài chọn lọc tự nhiên (lâu dài) còn bằng công nghệ sinh học và bây giờ bước sang giai đoạn tiến hóa bằng công nghệ, con người cộng với máy móc (AI, Robot …). Công nghệ số có 3 giai đoạn: Một là xây dựng dữ liệu; hai là xây dựng hệ sinh thái số bao gồm phần mềm, thiết bị, hạ tầng, chuỗi (chain)… từng cây, từng con (OCOP). Ba là số hóa tổ chức (quản trị hệ thống chuyển giao, không giới hạn địa giới hành chính địa lý).
Hệ thống khoa học khuyến nông trước đây là Bụt, nay phải đi tiên phong trong việc ứng dụng và sáng tạo công nghệ số (digital Technology) trở thành người trợ lý ảo (virtual assistant) gọi là Chatbot Callbot… làm các nhiệm vụ khuyến nông cho nông dân, đạt mục tiêu nông nghiệp hiện đại, công nghiệp hóa (công nghiệp chế biến, công nghiệp thông tin, công nghiệp sinh học, công nghiệp môi trường, công nghiệp phục vụ nông nghiệp …).
Chúng ta cần xây dựng chiến lược chuyển giao (EdTech) trên nền tảng công nghệ online cho hệ thống khoa học khuyến nông giai đoạn mới. Chúng ta xây dựng song song hai hệ sinh thái thật và ảo cho nông dân. Chúng ta có nhiều nhạc công, hiệp sỹ khuyến nông, sắp tới, sẽ cần một nhạc trưởng chuyên trách cho dàn nhạc giao hưởng số khuyến nông.
Từ trực tiếp sang trực tuyến
Mục tiêu sắp tới đối với nông dân là đào tạo nông dân chuyên nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực 4.0. Chuyên nghiệp theo cách nghĩ ở đây là làm nghề nông, yêu nghề nông, tinh thông nghề nông, giàu có bằng nghề nông.
Nhưng muối phải “mặn” thì mới “muối” được nông dân “mặn” nên trước hết, phải đào tạo lại đội ngũ khuyến nông viên từ Trung ương đến địa phương, nắm vững sự giao thoa giữa công nghệ nông nghiệp với các ngành công nghiệp trên để xây dựng "tam nông" phát triển bền vững.
Có một nhà thông thái ví người làm nghề đào tạo như người làm nghề rượu: Từ nguyên liệu, xây dựng quy trình, giáo trình, ủ men, thương hiệu, tiếp thị… và truyền cảm hứng để “say”.
Nông dân là người ứng dụng công nghệ, cũng là người sáng tạo công nghệ. Tổng kết kinh nghiệm và sáng tạo kỹ thuật của hàng chục triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở 7 vùng kinh tế của nước ta qua các diễn đàn khuyến nông, là một cách làm sáng tạo Việt Nam.
Thật bất ngờ, bao nhiêu năm nay chúng ta “sùng bái” công nghiệp, nay công nghệ thông tin của Việt Nam lại trở thành mũi nhọn thành công của thế giới, với hạ tầng 5G và điện thoại thông minh, máy tính bảng. Tôi tin rằng, công nghệ số nông nghiệp Việt Nam sẽ dẫn nông nghiệp tiến vượt lên hàng đầu, và kinh tế học nông nghiệp sẽ phát triển lên mức triết lý.
Từ quản trị hàng dọc sang ngang - dọc kết hợp
Có thể khẳng định rằng, 30 năm qua, chính thị trường là nguyên nhân giải phóng cho nông dân nước ta từ thiếu đói lên mức đạt mức giá trị sản xuất bình quân 100 triệu/ha đất nông nghiệp; 50 triệu đồng/hộ nông dân; xuất khẩu 45 tỷ USD nông sản, tỷ lệ đói nghèo còn 5 - 7% (2020). Chính vì vậy, bước phát triển mới cũng vẫn chính là phát triển thị trường hơn nữa (khoa học công nghệ, lao động, đất đai, hội nhập các hiệp định thương mại tự do …) trong mô hình kinh tế thị trường.
Đảng ta xác định nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần. Vì vậy, khuyến nông cũng cần có nhiều sở hữu, cách làm, cơ chế hoạt động, hiệu quả khác nhau. Thiết nghĩ, không nên dùng khái niệm khuyến nông Nhà nước, mà cần thay bằng khái niệm khuyến nông chuyên trách, chuyển hoạt động khuyến nông từ "hàng dọc" là chủ yếu sang khuyến nông "hàng ngang" (khuyến nông doanh nghiệp FDI, cổ phần, chuyên trách, tư nhân, nông trại, HTX kiểu mới..., đặc biệt là khuyến nông doanh nghiệp và nông trại sản xuất hàng hóa.
Nếu như vậy, từ khoảng 30 dự án, 200 tỷ VNĐ dành cho khuyến nông hiện nay, theo mô hình mới có thể có nguồn lực 1000 – 2000 tỷ đồng/năm dành cho hoạt động khuyến nông. Các mô hình Syngenta, Dabaco, Minh Dư, Ba Huân, Vinamilk, TH, Hồ Anh Trí, Lộc Trời, Quế Lâm, C.P… là những ví dụ điển hình. Khuyến nông của nông dân đến nông dân thông qua nông trại của hàng triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở các vùng, tiểu vùng được xác định là hiệu quả rõ rệt hàng đầu cho nông dân.
Từ kinh nghiệm phòng chống thiên tai và dịch bệnh (Covid-19, cúm…), chúng ta tổng kết có bài học về cơ sở, "4 tại chỗ". Vì vậy, nên chuyển 100% cơ quan khuyến nông cơ sở cho cấp huyện quản lý, quản trị, phù hợp các nguyên lý từ dưới lên, từ thị trường, 4 cấp ngân sách, cơ chế PPP (hợp tác công tư), cộng với các dự án chương trình trọng điểm quốc gia, cấp vùng.
Song song đó, hoạt động khuyến nông cũng cần khắc phục sự dàn trải ở khắp 63 tỉnh thành, các tỉnh giàu, tỉnh nghèo…, mà cần tập trung cho các vùng sinh thái trọng điểm gọi là vùng chìa khóa như: Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, gắn với phát triển các sản phẩm OCOP xuất khẩu, cải thiện môi trường (CO2, ô nhiễm), đẩy mạnh ứng dụng theo chiều sâu đối với công nghệ thông tin, chế biến sâu...
Các dự án xóa đói giảm nghèo cũng nên kết hợp với 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia gồm Xây dựng Nông thông mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc.
Trên thế giới, hoạt động khoa học khuyến nông có tiêu chí tốc độ giao dịch công nghệ và xây dựng sàn giao dịch công nghệ. Vì vậy, chúng ta cũng cần nghiên cứu, bổ sung xây dựng các sàn giao dịch công nghệ cùng với sàn giao dịch nông sản, diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản ở các vùng trọng điểm, xác định tốc độ giao dịch công nghệ, đưa sản phẩm nông sản Việt Nam lên mức có hàm lượng khoa học công nghệ 70%, hàm lượng chế biến 70 – 80%, đạt tiêu chí môi trường khu vực và thế giới.