| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/08/2011 , 09:48 (GMT+7)

09:48 - 29/08/2011

Nhầm “vai”

Vụ Cty CP Dịch vụ Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành) xả thải ra sông Đồng Nai khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên và bức xúc...

Họng xả thải của Sonadezi Long Thành ra rạch Bà Chèo

Vụ Cty CP Dịch vụ Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành) xả thải ra sông Đồng Nai khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên và bức xúc, bởi lẽ, Sonadezi Long Thành là công ty thành viên của TCty Sonadezi Đồng Nai, đơn vị đã từng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đáng nói hơn, bà Đỗ Thu Hằng, Chủ tịch HĐTV – TGĐ Sonadezi Đồng Nai, đang là đại biểu Quốc hội khóa XIII.

>> Vụ Sonadezi Long Thành xả thải: Dân yêu cầu bồi thường trên 7 tỷ
>> Vụ Sonadezi Long Thành xả thải: Hàng trăm nông dân yêu cầu bồi thường
>> Sonadezi Long Thành xả thải: C49 đang khẩn trương xử lý
>> Sonadezi bội ước, nhà đầu tư điêu đứng (!)

Tuy nhiên, bức xúc hơn chính là việc bà Hằng trả lời người dân trong một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Sau khi bị chất vấn về việc tại sao DNNN, mà người đứng đầu là một đại biểu Quốc hội, lại không tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, bà Hằng nói: “Hiện nay chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan chức năng. Là cơ quan chủ quản khi có kết luận cuối cùng chúng tôi sẽ phối hợp để xử lý theo kết luận trên. Nếu có sai sót chúng tôi sẽ sửa chữa đúng theo tiêu chí hoạt động của Cty”.

Trong một diễn biến khác, kết luận ban đầu về hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường của Sonadezi Long Thành, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an cho biết, Sonadezi Long Thành đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 - 10 lần, với lượng nước thải xả ra môi trường mỗi ngày từ 5.000m³ đến gần 10.000m³. Một số mẫu nước thải thu thập ở nhiều thời điểm khác nhau đã phát hiện có chất CD và kẽm – 2 chất thải nguy hại được xếp loại cực độc.

Theo Hiến pháp Việt Nam, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.

Nhưng, điều đáng nói ở đây là, bà Hằng đứng trước cử tri với tư cách của một đại biểu dân cử, đại diện và bênh vực quyền lợi của dân. Trước các cử tri đang bức xúc, nhân vật trung tâm của câu chuyện, lại có xu hướng rời bỏ vị trí dân biểu để vào vai người cai quản DN bị cho là có hành vi sai trái và đang ra sức đối phó với sự phê phán, công kích của người dân. Dường như người nói không còn nhớ rằng mình đang mang tư cách đại biểu dân cử và đang ở nơi tiếp xúc cử tri, chứ không phải đang ở văn phòng của bà chủ hệ thống DN và đang đương đầu, đôi co với những người được cho là bị DN gây thiệt hại.

Còn nhớ, khi còn là ứng cử viên chứ chưa trở thành đại biểu như bây giờ, trả lời câu hỏi của báo chí rằng nếu được bầu “đôi vai – ba gánh (việc Quốc hội, việc DN, việc nhà) có khiến chị gặp nhiều khó khăn…?”, bà Hằng dõng dạc: Tôi đã sẵn sàng để gánh cả ba “vai”.

Tuy nhiên, qua câu chuyện trên thì thấy rõ, bà đại biểu dân cử đã nhầm lẫn giữa “vai” của người đại diện cho quyền lợi nhân dân và “vai” của lãnh đạo DN, tức là không rõ bà ở “vai” nào. Có người nói, không rõ “vai” thì làm sao tròn “vai”! Từ không rõ “vai” mà đến nhầm “vai” thì sẽ thật là tai hại!

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm