| Hotline: 0983.970.780

Nhân chứng một thời thử thách

Thứ Hai 01/11/2010 , 10:00 (GMT+7)

Tôi có một kỷ niệm riêng với NXB Lao Động. Những năm vừa rời khỏi quân ngũ, đi xây dựng khu Gang Thép Thái Nguyên, tôi may mắn gặp lại Trần Bảo, người cán bộ công đoàn tôi rất kính yêu từ những ngày làm liên lạc cho báo Lao Động trên chiến khu Việt Bắc. Tôi nghe đồn về nhiều chuyện li kỳ của đời ông.

Những chuyện kiểu như: thuở còn bé đi làm công nhân nhà máy sợi Nam Định, đã từng có một xác người thợ bị dây da cuốn đập lên trần cao rơi ngay trước mặt cậu bé; khi lớn lên Trần Bảo không được đi học, đã học chữ quốc ngữ theo kiểu riêng. Và, cuối cùng cũng biết đọc biết viết. Chuyện học võ trong nhà tù, chuyện chỉ có một ống bơ nước mà “tắm” được.

Khi bắt đầu học viết văn, tôi mơ ước được viết về con người ấy. Khi đã thất vọng và quên cái mơ ước ấy thì duyên may tôi gặp lại ông, như giời đất xui khiến. Và đến năm 1966 tôi đã viết xong tập hồi ký của ông mang tên Hạt Máu. Đó là cuốn truyện máu thịt của chính đời tôi.

Năm ấy đang bom đạn giặc Mỹ, viết xong, tôi đào một cái hầm dưới chân giường ngủ, lát xi-măng, đặt tập bản thảo giữa đống quần áo, trên đậy một tấm bê-tông chống cháy với ý thức rằng nếu bản thảo đó mất, tôi sẽ không bao giờ viết được như thế. Anh Bảo cũng sẽ không thể kể lại câu chuyện một cách tươi nguyên sống động như tôi đã được nghe.

Năm 1969, nhà văn Nguyễn Anh Tài, biên tập viên NXB Lao Động, là người đầu tiên được đọc bản thảo ấy, đưa từ dưới hầm lên. Nguyễn Anh Tài đọc một mạch xong, tìm tôi và ôm lấy tôi nói: Tôi với ông đi tìm cụ Bảo ngay bây giờ. Phải in nó càng sớm càng tốt, trước khi thằng Ních-xơn định giở một trò gì…

Đến bây giờ cuốn sách đã in lại bốn lần. Đó chính là cuốn sách đứng hàng đầu trong danh mục tác phẩm của tôi. Tuy gọi là hồi ký, nhưng nó giống như một cuốn tiểu thuyết với nhân vật, với cốt chuyện hoàn chỉnh cùng với những suy tư triết lý làm nền trong các sáng tác của tôi sau này. Đó là sự thật cuộc sống đi thẳng vào văn chương.

Người ta hay ví NXB bằng một mỹ từ giống cái: Bà đỡ. Bà đỡ mát tay cho những tác phẩm đầu tiên của một nhà văn trẻ. Bà đỡ cho một ca đẻ khó: Một công trình nghiên cứu làm xong có những nội dung “nhạy cảm” bị xếp vào ngăn bàn, nếu không có nhà xuất bản “mạnh tay” và “khéo đương đầu” thì không “ra đời”, nghĩa là không ra mắt bạn đọc được.

Khéo đương đầu nghĩa là khéo thu xếp để bản thảo ra đời được, chứ không phải “khéo biên tập” để làm nhòe đi hay ẩn giấu bớt những điều cần nói, để giúp ích cho bạn đọc và cuộc sống.

Quả thật NXB Lao Động cũng có vai trò ấy thật. Chúng tôi đã từng in cuốn Văn Cao người đi dọc biển của Nguyễn Thụy Kha trong đó nhân vật Văn Cao không phải chỉ là tác giả Quốc ca và những tác phẩm thơ ca tuyệt vời khác, mà còn là một “đối trọng” của những ý tưởng đang thịnh hành mà về sau phải đổi mới. Chúng tôi đã in nhiều tác phẩm của Nguyễn Dậu, nhà văn bỏ thủ đô về mỏ than để sống và sáng tác, trong đó anh đã phác họa người thợ mỏ với những tính cách đa dạng mà các nhà phê bình có uy quyền đương thời không muốn giới thiệu với bạn đọc.

 Trong đó, tiếc thay, chúng tôi vừa “đỡ đẻ” cho “nhà văn” xong một tác phẩm, thì tác phẩm đó của Nguyễn Dậu vĩnh viễn không ra mắt bạn đọc được. Quả thật có một thời mà đến nỗi bài thơ tình rất hay Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm bị coi là có vấn đề. Người chị đa tình được coi là nhân vật có quyền thế. Cái lá diêu bông chị bịa ra để trêu chọc các chàng trai đa tình được coi là một lý tưởng không bao giờ có để hấp dẫn người đời. Và nhân vật em suốt đời đi tìm lá diêu bông là người bị lừa.

Cho nên khi chúng tôi giới thiệu được một Đồng Đức Bốn Chăn trâu đốt lửa cũng được coi là một thành công và được tác giả cảm ơn. Tác phẩm rất hay của nhà thơ lục bát tài hoa đã từng bị từ chối không in.

Nhưng cái kỷ niệm mà tôi giữ được cho đến hôm nay không phải là một thời bà đỡ. 65 năm NXB (mà tôi chỉ có vài năm) là 65 năm (1/11/1945 – 1/11/2010) trải nghiệm làm nhân chứng của một thời thử thách. Nếu có công phân loại (ví dụ chính trị, xã hội, văn học…) và lên danh mục các tác phẩm đã xuất bản theo thời gian, ta sẽ thấy hiện lên một bức tranh nói rõ những vấn đề gì dậm chân tại chỗ, những gì có những thay đổi, tốc độ thay đổi, và tất cả những cái đó đủ để thấy những thử thách của một xã hội trong một thời kỳ lịch sử đầy những biến động.

Theo tôi, mảng sách văn chương của NXB là đầy biến động, nó nói lên rằng văn chương chính là một tấm gương về thời thế. Các nhà văn là những người cấu tạo tác phẩm, họ có tiếng nói riêng của họ, họ quan tâm và không quan tâm những vấn đề gì, họ lảng tránh những chuyện gì, đi sâu vào những chuyện gì, những sách nào (của họ) tiêu thụ được, tiêu thụ vào những nguồn nào, tất cả những cái đó không qua được con mắt các biên tập viên NXB. Và chúng tôi là những nhân chứng.

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Có thể nói những sự thật được phản ánh trong văn chương còn thật hơn cả những gì được phơi bày trên báo chí. Nếu chúng ta đã từng quý từng chữ trong Truyền kỳ mạn lục, với những gì trong Tang thương ngẫu lục (ở những thế kỷ trước) nhờ những trang chữ ít ỏi đó mà giúp ta hình dung được xã hội đương thời, thì tại sao hôm nay chúng ta có thể khinh thị trước những gì trong kho văn to gấp hàng chục nghìn lần so với các cụ để lại?

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.