| Hotline: 0983.970.780

Nhân Hà Nội lại sắp có tàu điện

Thứ Sáu 24/09/2010 , 11:19 (GMT+7)

Nhân việc Thủ đô lại sắp có tàu điện, chúng tôi chợt nhớ về cảm xúc của người Hà Nội về cái tàu điện đầu tiên...

Nhân việc Thủ đô lại sắp có tàu điện, chúng tôi chợt nhớ về cảm xúc của người Hà Nội về cái tàu điện đầu tiên...

Khi những cái "bóng đèn treo ngược" (đèn điện), không cần dầu, thắp sáng trưng phố phường, làm mờ hẳn những ngọn đèn mỡ lợn, đèn dầu trẩu, dầu sở hay bạch lạp hoàng lạp. Những chiếc xe không cần ngựa, không cần trâu bò hay người kéo (xe ô tô) mà vẫn chạy vù vù, rồi chiếc cầu Long Biên (tên cũ là cầu Đu Me, tên viên toàn quyền đầu tiên của Pháp ở Đông Dương) đồ sộ, sừng sững, như một con rồng sà xuống nằm vắt ngang sông Hồng, một trong những con sông lớn nhất Việt Nam, xóa sổ những con đò ngang mong manh như những chiếc lá vẫn ngự trị ngàn đời, và những đoàn tàu hỏa phụt khói vun vút lao trên đường sắt… lần lượt xuất hiện, thì người Việt Nam lần đầu tiên biết đến sức mạnh của công nghiệp, một thứ sức mạnh có thể “Khoét rỗng ruột gan trời đất dậy/ Phá tung phên dậu hạ di rồi” như lời kêu thảm thiết của cụ Tam nguyên Yên Đổ…

Nhưng tất cả đều không bằng tàu điện. Sự xuất hiện của những chiếc tàu điện ở chốn Hà Thành ngàn năm văn vật đã khiến người dân đất Tràng An vô cùng thán phục. Vì thế, đầu thế kỷ thứ XX, khi những chiếc tàu điện đổ chuông leng keng trên một số tuyến đường, thì ở Hà Nội, người ta truyền nhau một bài ca dao về thứ sản phẩm đặc biệt của nền công nghiệp này. Bài ca dao có những câu mở đầu như sau:

Ông Tây ngồi nghĩ cũng tài

Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh

Ông Tây ngồi nghĩ cũng sành

Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường…

Sau khi “ngồi nghĩ” chán chê về những cái “tài”, cái “sành” của “ông Tây” rồi, người ta dạo quanh phố phường, và thấy:

La ga thì ở Thụy Chương

Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên…

La ga tức là nhà ga chính của tàu điện. Năng lượng dùng để vận hành tàu được truyền trực tiếp từ đường dây điện mắc trên đường vào động cơ tàu thông qua một thanh dẫn, một đầu có bánh xe lăn trượt trên dây điện còn đầu kia nối với động cơ tàu, nên xe điện xuất hiện ở đâu thì “dây đồng cột sắt” phải theo đi đến đó. Từ khi người Pháp xuất hiện ở Việt Nam thì nhiều ông bà con Rồng cháu Tiên có thêm một nghề mới, đó là nghề bồi.

Theo những tài liệu còn lưu lại, và nhất là qua lời kể của những bậc cao niên đã sống dưới hai chế độ, thì ngoài những người thuộc tầng lớp cai trị (tri huyện, tri phủ trở lên) và tầng lớp tư sản, một gia đình công chức cao cấp người Pháp hay công chức cao cấp người Việt làm việc cho các công sở Pháp đã có thể đủ tiền nuôi cả một đội ngũ phục vụ như “sốp phơ” (lái xe ô tô) hoặc phu xe (nếu chưa có ô tô thì dùng xe kéo), cô sen, bồi bếp (người làm bếp), bồi (người hầu), vú em. Những người này dẫu không đến nỗi rách áo đói cơm nhưng thân phận rất thấp kém.

Tuy vậy vẫn không thiếu những anh bồi hầu hạ trong các gia đình công chức hay nhà quan có thế lực, ra ngoài cậy thế chủ làm càn. Nhà văn Nam Cao đã có một truyện ngắn viết về chuyện “bố con buồi Phăng đi bồi Tây, cậy thế chủ về làng làm loạn lên một dạo rồi lại kéo nhau đi bồi Tây”. Nhưng từ khi có có tầu điện, thì nghề bồi không còn hấp dẫn đối với nhiều người Việt nữa, bởi vì:

Bồi bếp cho chí bồi bàn

Chạy tiền ký cược đi làm xơ vơ…

Xơ vơ tức là công việc xé vé trên tàu điện. Công việc này rõ ràng là nhàn hơn, lương cao hơn, tự do thoải mái hơn, được theo tàu vi vu khắp phố phường thay vì quẩn quanh trong một gia đình, mà địa vị xã hội cũng cao hơn dưới mắt người đời. Và dưới mắt người dân ba mươi sáu phố phường thì:

Xưa nay có thế bao giờ

Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba…

Quả là chưa bao giờ có thế thật. Xã hội Việt Nam tự ngàn đời cho đến lúc đó, việc di chuyển chủ yếu vẫn dựa trên đôi chân. Quan có võng, có kiệu, dùng người khiêng, đi chậm như rùa. Quân đội cũng di chuyển bằng chân là chủ yếu, chỉ tướng soái và một ít kỵ binh là có ngựa cưỡi. Nhưng một là sức ngựa có hạn, hai là dùng ngựa, người lính phải mang theo nào là lương cho người, nào là thảo (cỏ) cho ngựa (chữ “lương thảo” có nguồn gốc từ đấy), nên cũng rất bất tiện, rất vất vả.

Nhưng điều quan trọng hơn, là sự bất công trong xã hội quanh chuyện di chuyển này. Chỉ quan, quân mới được đi kiệu, đi ngựa hay dùng võng dùng lọng. Nay, cái xe điện “đứng chờ ngã ba”, không chỉ mang đến cho xã hội Việt Nam sự thuận lợi mà còn mang đến cả sự bình đẳng nữa. Ông công sứ, ông tổng đốc, thầy thông thầy phán cho đến người bình dân đều có thể lên chung một toa xe, miễn là có tiền, và đều được phục vụ như nhau.

 Tại nhiều nước phát triển hiện nay, việc thủ tướng hay tổng thống đi xe buýt, xe điện đi làm là chuyện hết sức bình thường, và trong lúc đi làm họ có thể trò truyện thoải mái với mọi công dân ngồi cùng phương tiện giao thông công cộng. Nói công nghiệp tạo nên sự bình đẳng là như vậy.

Khách đi tầu điện lúc đó là những ai? Đó là:

Liền ông cho chí liền bà

Ai mà sang trọng thì là nhẩy lên

Ba xu cũng đáng đồng tiền

Một thôi về Bưởi, bằng Tiên non Bồng…

Đọc đến những câu này, lại nhớ đến tâm trạng của thi sỹ Bàn Tài Đoàn về những năm đầu có xe ô tô lên Hà Giang: “Có ai muốn đến Hà Giang đấy/ Có ai muốn về Hà Giang chơi/ Ra đường lên xe đi vui sướng/ Còn muốn ngồi thêm đã tới nơi…”.

Vé tàu điện loại bình dân hồi ấy ba xu, mà một xu một bát phở, nếu lấy giá phở bình dân ở Hà Nội ngày nay là 15 ngàn đồng một bát, thì một cuốc xe điện ngày ấy tương đương với 45 ngàn đồng bây giờ hay hơn 2 đô la Mỹ, quả là không rẻ một chút nào. Còn loại vé cao cấp hơn, loại được ngồi ghế đệm bông, thì 5 xu một tấm. Thế nên cái bài ca dao trên mới kết thúc bằng câu:

Năm xu ngồi ghế đệm bông

Hỏi mình có sướng hay không, hở mình?

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.