| Hotline: 0983.970.780

Nhấn nút tưới cây

Thứ Ba 29/03/2016 , 07:13 (GMT+7)

Được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang, năm 2015, gia đình ông Bùi Đức Long, thôn Hăng, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn trang bị hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn cam Canh rộng hơn 1,5ha.

“Chỉ với thao tác đơn giản là bật công tắc là tự tưới nước, bón phân cho cả khu vườn rộng mênh mông thay vì phải thuê nhân công như trước. Phương pháp này không những tiết kiệm chi phí mà còn giảm nhọc nhằn”. Đó là chia sẻ của chủ hộ sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây trồng.

Vận hành đơn giản, tiết kiệm chi phí

Được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang, năm 2015, gia đình ông Bùi Đức Long, thôn Hăng, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn trang bị hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn cam Canh rộng hơn 1,5ha.

Hệ thống này gồm các phần chính máy bơm nước, đường ống có các lỗ nhỏ đặt quanh gốc, ống dẫn nước phân khu, đồng hồ điều áp và lưu lượng nước, bộ châm phân.

Dẫn khách thăm khu vườn xanh ngút ngát, ông Long bộc bạch, một năm cây cam phải chăm sóc trong 10 tháng bao gồm cây đã cho thu hoạch hoặc chuẩn bị có quả. Nhà neo người nên ông phải thuê thêm người làm tất cả các khâu. Trong đó, bón phân là công đoạn quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng quả.

Do vậy, ông hướng dẫn tỉ mỉ, cùng lao động rắc phân cho từng gốc, rất tốn công đôi khi còn lãng phí nếu ném quá tay. Dù kỳ công như vậy nhưng không ít lần vừa làm xong ông lại phải bón bổ sung cho cây do gặp trận mưa lớn. Khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, người chủ vườn đã không còn phải lo lắng về điều này nữa.

Ông Long hạch toán: “Trước đây, mỗi năm gia đình tôi tốn khoảng 60 triệu đồng thuê nhân công tưới nước, bón phân cho cây. Vào năm mưa ít, hạn hán chi phí này còn cao hơn mà nhiều thời điểm không mượn được người. Từ khi lắp đặt hệ thống này, tôi chỉ cần nhấn nút là khoảng sau 2 giờ, toàn bộ khu vườn có đủ nước, phân bón ngay cả những cây ở góc vườn, giảm từ 2 - 5 ngày so với cách làm thủ công”.

Không chỉ vậy, công nghệ tưới nhỏ giọt còn tiết kiệm phân bón, nước tưới từ 30 - 40%, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu của từng cây, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, giảm sâu bệnh.

Từ đó, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua thiết bị điều áp, nước, phân bón được rải đều khắp kể cả trên địa hình đồi núi cao, sườn dốc. Độ bền của thiết bị từ 15 - 20 năm, tháo lắp, vận hành đơn giản.

Với những ưu điểm đó, theo ông Long chỉ cần sau hai vụ sản xuất, chủ vườn sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Thời gian tới, ông đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho toàn bộ hơn 5 ha cam Canh của gia đình.

Nhân rộng để bảo vệ nguồn nước

Theo Chi cục Thủy lợi Bắc Giang, dự báo của cơ quan chuyên môn, nước ta chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra như hạn hán kéo dài, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.

20160115081537-img-3167115235434

Tại Bắc Giang, tuy cây trồng chưa bị chết cháy như một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhưng mấy năm gần đây đã xuất hiện hạn cục bộ. Điển hình, nhiều xã tại huyện Lục Ngạn, Sơn Động có hàng chục ha cây trồng héo úa, hồ đập trơ đáy do nắng nóng liên tục. Có nơi, người dân còn phải gạn từng gầu nước để dùng trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm. Không ít công trình cấp nước sinh hoạt xây xong phải bỏ không do nước ngầm cạn kiệt.

Ưu điểm của hệ thống tưới nhỏ giọt là có thể thực hiện được trên những vùng đất dốc, địa hình phức tạp, chiếm ít diện tích đất; đồng thời tiết kiệm được nước, phân bón, công lao động song vẫn bảo đảm cây trồng cho năng suất và chất lượng cao.

Trong khi đó, diện tích cây trồng cạn, nhất là cây ăn quả chủ yếu tưới bằng bơm vòi từ nguồn nước sinh thủy và giếng khoan. Ngoài làm lãng phí nguồn nước, phương pháp này còn gây ngập úng cho cây trồng khi cung cấp quá mức cần thiết.

Trước thực tế này, đầu năm 2015, Chi cục Thủy lợi Bắc Giang đã lập dự án tưới nước công nghệ cao bằng phương pháp tưới nhỏ giọt với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Đây là giải pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn nước ổn định, bền vững. Nước ngầm sẽ không bị khai thác một cách bừa bãi, góp phần bảo vệ môi trường.

Dự án được thực hiện trên quy mô hơn 1,5ha tại hộ ông Bùi Đức Long. Chi cục phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam chuyển giao công nghệ, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây trồng để hoàn thiện quy trình tưới.

Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Giang cho biết: “Từng bước nhân rộng mô hình tưới nước công nghệ cao trên cây trồng cạn được ngành xác định là một trong trọng những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt giai đoạn 2015-2020. Mô hình tưới nước nhỏ giọt đầu tiên đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân. Trong năm 2016 chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị để khuyến cáo nhân rộng”.

Theo đó, dự kiến vào năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 50ha cây ăn quả được tưới bằng công nghệ nhỏ giọt, tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất