| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng công nghệ sinh thái trên ruộng lúa

Thứ Hai 13/09/2010 , 10:38 (GMT+7)

Ngày 10/9, tại Tiền Giang, Bộ NN- PTNT đã phát động Chương trình sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại trên lúa ở các tỉnh, TP phía Nam.

Ngày 10/9, tại Tiền Giang, Bộ NN- PTNT đã phát động Chương trình sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại trên lúa ở các tỉnh, TP phía Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, PCT UBND tỉnh Tiền Giang, năm 2006, rầy nâu bùng phát và gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa ở tỉnh này với 25.000 ha bị ảnh hưởng, làm giảm sản lượng lúa cả tỉnh trên 50.000 tấn, khiến cho nhiều hộ nông dân trở nên điêu đứng. Từ đó đến nay, dù ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai rất nhiều biện pháp phòng chống rầy nâu, nhưng rầy nâu vẫn luôn là mối nguy cơ tiềm tàng, là nỗi ám ảnh đối với người nông dân. Đến giờ, nỗi ám ảnh đó có thể nói đã bắt đầu được giải toả.

Từ vụ đông xuân 2009-2010, với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái (CNST) để quản lý dịch hại trên lúa đã được thực hiện ở Mỹ Thành Nam (Cai Lậy) và Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè), của tỉnh Tiền Giang. Đây vốn là những vùng đã từng bị rầy nâu, VL, LXL gây hại nặng nề. Trong 2 vụ đông xuân và hè thu vừa rồi, ở 2 mô hình nói trên, đã có 75 nông dân tham gia ứng dụng CNST trên tổng diện tích 65 ha. Kết quả cho thấy việc trồng các loại cây có hoa trên bờ ruộng đã thu hút được nhiều loại thiên địch có ích, nhờ đó dù nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu nhưng mật số sâu rầy trên lúa vẫn giảm mạnh.

TS Nguyễn Văn Huỳnh (ĐH Cần Thơ), cho biết trong vòng 1 năm qua, rầy nâu đã bùng phát ở Thái Lan, làm nước này có thể mất 1,3 triệu tấn lúa trong năm nay (so với 2009). Trong khi đó, từ đầu năm đến giờ, 1,5 triệu ha lúa ở ĐBSCL vẫn an toàn do áp dụng biện pháp gieo sạ đồng loạt để né rầy, áp dụng chặt chẽ biện pháp phòng trừ tổng hợp, không phun thuốc trừ sâu sớm để giữ thiên địch trên đồng ruộng... Điều này đã trái ngược hẳn với những năm trước đó, khi mà nông dân Việt Nam phải vật lộn đối phó với rầy nâu, VL, LXL, còn nông dân Thái Lan ung dung bán lúa gạo với giá cao.

Theo TS Il Ryong Choi (IRRI), các mô hình ứng dụng CNST trên đồng ruộng đã được áp dụng tại nhiều nước có nền nông nghiệp tiên tiến như châu Âu, Mỹ, Úc... Vai trò của CNST là làm cân bằng những yếu tố “xấu” và “tốt” trên đồng ruộng. Theo đó, sự đa dạng sinh học sẽ cung cấp nhiều yếu tố tốt hơn cho sản xuất lúa, so với việc lạm dụng hoá chất như lâu nay.

 Từ nhiều năm qua, Chính phủ ở nhiều nước vẫn thường hỗ trợ nông dân về giống, phân bón, thuốc trừ sâu...Nhưng bây giờ, thay vì hỗ trợ thuốc trừ sâu, nhiều Chính phủ đang chuyển sang hỗ trợ các mô hình sinh thái trên đồng ruộng cho nông dân. Và để tăng thêm lợi nhuận cho nông dân, TS Il Ryong Choi khuyến cáo, khi thực hiện mô hình CNST trên ruộng lúa, nên chú trọng chọn những loại cây vừa thu hút, có chỗ ở cho thiên địch, vừa cung cấp được thực phẩm cho con người.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, từ những kết quả trên, Bộ NN- PTNT đã quyết định phát động các tỉnh, TP phía Nam nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa bằng CNST ngay trong những vụ lúa sắp tới. Chương trình này sẽ được lồng ghép vào trong chương trình GAP nhằm khống chế dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hạt gạo.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất