| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 13/06/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 13/06/2016

Nhân tài có, sao không được trọng dụng?

Dư luận lại một lần nữa được dịp sôi nổi, khi hay tin ông Nguyễn Đình Chính ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chế tạo thành công xe bọc thép có sức chứa 12 người...

Chuyện anh “Hai Lúa" Trần Quốc Hải (xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đã giúp Campuchia, không chỉ hồi sinh hàng loạt xe tăng, xe thiết giáp có nguồn gốc Liên Xô (cũ), mà còn cải tiến, nâng cấp chúng, khiến chúng có những tính năng vượt trội so với khi mới nhập về.

Và hơn thế nữa, còn chế tạo hẳn xe thiết giáp mới cho nước bạn, khiến cho lãnh đạo Campuchia phải thốt lên “đẹp như Angkortut (kỳ quan Angkor thu nhỏ)”, đã khiến dư luận bàn tán sôi nổi một thời. Thì nay, dư luận lại một lần nữa được dịp sôi nổi, khi hay tin ông Nguyễn Đình Chính ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chế tạo thành công xe bọc thép có sức chứa 12 người.

Tuy chỉ học hết chương trình THPT, và chỉ là một anh thợ cơ khí, nhưng ý tưởng chế tạo xe bọc thép đã đến với ông từ tháng 9/2015. Và để thực hiện công trình sáng tạo của mình, ông đã lên TX Sơn Tây, xây dựng một xưởng cơ khí rộng 300 mét vuông, và bắt tay vào chế tạo.

Đến tháng 5/2016 thì chiếc xe hoàn thành, và “sản phẩm của tôi có nhiều điểm vượt trội hơn các sản phẩm khác trên thế giới. Tôi đã chế tạo nó một mạch mà ít gặp khó khăn nào”, ông Chính cho biết thế.

Để tạo ra một sản phẩm có tính năng “vượt trội hơn các sản phẩm khác trên thế giới”, ông đã làm ngày làm đêm, trước không ít những ánh mắt nghi ngờ, thậm chí dè bỉu của người đời, có người thậm chí còn coi ông là kẻ điên.

Sản phẩm trình làng của ông nặng 13 tấn, dài 6,8 m, rộng 3 m và cao 2,6 m, có thể chạy với vận tốc 20 đến 30 km/giờ. Xe có thể chạy ngang dốc nghiêng 45 độ, nâng hạ gầm từ 0,3 m đến 1,2 m, vượt chướng ngại vật cao 1,5 m, trong khi các xe khác trên thế giới chỉ có thể nâng, hạ gầm 0,2 m và vượt chướng ngại vật 0,8 m.

Toàn bộ chi phí để chế tạo ra chiếc xe thiết giáp đó, đều là do ông Chính bỏ ra. Do kinh phí có hạn, nên xe còn có một số điểm chưa hoàn hảo, như phần vỏ xe dự định làm bằng thép dầy với vật liệu có sức bền cao, hiện chưa thực hiện được, mà phải dùng vật liệu có độ dầy thông thường. Tuy vậy bên hông xe vẫn có 2 lớp chống đạn, có thể thu giữ được đầu đạn B40, B41. Trên xe có lỗ châu mai để lính bắn, với góc quan sát bắn 5 .

Thời gian gần đây, các nhân tài trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật xuất hiện khá nhiều. Ngoài cho con “Hai Lúa” Trần Quốc Hải, còn có các kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa ở Thái Bình, Phan Bội Trân ở TP Hồ Chí Minh, đều có khả năng chế tạo tàu ngầm mini, mà khả năng ứng dụng khá cao. Nay lại thêm ông Nguyễn Đình Chính.

Một câu hỏi được dư luận đặt ra, là tại sao các nhân tài đó lại không được trọng dụng? Đến nay, “Hai Lúa” Trần Quốc Hải vẫn nguyên vẹn là một “Hai Lúa” ở một vùng quê. Chiếc tàu ngầm Trường Sa 1 của Nguyễn Quốc Hòa, sau mấy lần vướng thủ tục, vẫn chưa được chạy thử trên biển. Tàu ngầm “Yết Kiêu” của Phan Bội Trân đành đem bán cho nước ngoài làm du lịch. Còn công trình của Nguyễn Đình Chính nữa, số phận của nó sẽ ra sao? Nếu được “tùy tài lục dụng”, được có đất để “dụng võ”, thì chắc chắn họ sẽ còn đóng góp cho nền khoa học - kỹ thuật được rất nhiều.

Bình luận mới nhất