Tiến sĩ Lý Kim Hà (bìa phải) cùng các đồng nghiệp tại bộ môn giải tích, Khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ảnh: Hà Ánh/Báo Thanh niên. |
Tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, anh nhận được suất học bổng toàn phần để nghiên cứu luận án Tiến sỹ tại đại học Padova (Ý). Quá trình làm luận án, anh đã công bố 17 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trên thế giới.
Bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ, anh từ chối những vị trí làm việc ở nước ngoài với mức lương cao chót vót để về nước giảng dạy bộ môn giải tích ở khoa Toán - tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và được nhận học hàm PGS khi mới 31 tuổi. Đây là PGS trẻ nhất trong số 349 ứng viên cho học hàm này.
Trong khi Quốc hội vẫn đang loay hoay và chưa thống nhất được với nhau về định nghĩa thế nào là người tài, thì PGS.TS Lý Kim Hà có thể được coi là một nhân tài. Thế nhưng, mức lương dành cho anh là bao nhiêu?
Tháng lương đầu tiên mà anh nhận được, năm 2014, là 4 triệu đồng, cộng với 400 ngàn đồng phụ cấp nữa. Chia sẻ với báo chí, vị PGS.TS trẻ tuổi cho biết, trước khi nhận việc, đã biết trước mức lương ấy. Nhưng khi nhận vẫn thấy hụt hẫng. Sau 5 năm, lương của anh giờ đã được tăng lên, những... 5,5 triệu.
5,5 triệu, ở nơi được coi là “gạo châu, củi quế” là TP.HCM, người ta sẽ sống thế nào? Nuôi mình cũng không nổi chứ nói gì đến nuôi vợ nuôi con? Một vị PGS trẻ tuổi, đang giảng dạy đại học, mà 1 năm chỉ nhận được hơn 60 triệu đồng, trong khi để nuôi một cái xe công, một năm đã mất trên 300 triệu, tính ra, gần bằng lương của 5 ông PGS.TS(?).
Lương như vậy, nên, theo báo Lao Động điện tử, thì PGS.TS Lý Kim Hà, ngoài giờ lên lớp, vẫn phải phụ mẹ bưng bê cho quán hủ tiếu của gia đình, và anh cho biết, thu nhập từ việc bưng bê này mới là nguồn thu nhập chính, nó đã nuôi anh, nuôi con và nuôi cả tương lai của anh.
Nghe mà đau xót. TP.HCM là nơi nẩy ra ý tưởng “trải thảm đỏ để thu hút nhân tài” đầu tiên, với rất nhiều chính sách ưu đãi như “trợ cấp ngay 100 triệu đồng hỗ trợ ban đầu” cho các nhà khoa học, các chuyên gia trong một số lĩnh vực mà thành phố đang cần, kể cả các chuyên gia nước ngoài.
Thế nhưng, với những người tài từ nơi khác đến, thì 100 triệu đồng sẽ làm được những gì? Có mua nổi 1 chỗ ở không? Và sau khi tiêu hết 100 triệu đồng ấy rồi, thì sống vật vờ với mức lương như của PGS.TS Lý Kim Hà ư? Thảo nào mà từ năm 2014 đến năm 2017, thành phố đã thu hút được 15 nhân tài (2 người trong nước, 8 Việt kiều và 5 người nước ngoài). Nhưng đến nay thì 5 người đã rút. 10 người còn lại thì “hiệu quả làm việc chưa cao”.
Hiệu quả làm việc chưa cao? Phải chăng vì bụng đói do lương quá thấp? Hay còn vì những lý do nào khác?