| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 03/08/2015 , 15:04 (GMT+7)

15:04 - 03/08/2015

Nhân văn hơn, khoan dung hơn!

Bằng cách loại trừ những người thân của tội phạm ra khỏi danh sách những người phải chịu TNHS khi không tố giác, BLHS sửa đổi lần này rõ ràng là nhân văn hơn, khoan dung hơn.

“1- Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại điều 402 của bộ luật này.

2- Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại điều 402 bộ luật này...”.

Đó là nội dung của điều 19, Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, và được dư luận đặc biệt quan tâm.

Sở dĩ dư luận có sự quan tâm đặc biệt đó, vì nếu như BLHS hiện hành quy định rằng bất cứ ai, kể cả người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội, một khi biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã thực hiện, mà không tố giác, thì đều phải chịu TNHS.

Từ khi BLHS hiện hành ra đời, căn cứ vào quy định này, đã có hàng ngàn người thân của các tội phạm phải ra tòa, phải chịu TNHS, tức phải thụ án, chỉ vì hành vi không tố giác người thân của mình khi người đó phạm tội.

Đến BLHS sửa đổi này, những đối thượng trên, tức những người thân của kẻ phạm tội, đã được loại trừ, không phải chịu TNHS nữa.

Luật, tức là lý. Nhưng trong cái lý còn có cái tình. Nhất là khi xã hội Việt Nam về cơ bản vẫn là một xã hội nông nghiệp, tức là một xã hội trọng tình.

Với người Việt Nam, thì cái tình nhiều khi còn quan trọng hơn cả cái lý (một trăm cái lý không bằng một tý cái tình - tục ngữ, hay “Đưa nhau đến trước cửa công/ Bề ngoài là lý, nhưng trong là tình" - ca dao).

Trong tâm thế của người Việt Nam, người thân của họ, dù phạm tội, là phạm tội với Nhà nước, với xã hội. Còn trong nhà, thì với ông bà, họ vẫn là cháu. Với cha mẹ, họ vẫn là người con. Với những người con của họ, thì họ vẫn là bố, là mẹ. Và với anh em ruột thịt, họ vẫn là người anh hay người em.

Sự ràng buộc về máu mủ ở đây là rất lớn.

Trong hoàn cảnh đó mà phải tố giác người thân của mình trước cơ quan pháp luật, khi người thân đó phạm tội, có cái gì đó không phải.

Bằng cách loại trừ những người thân của tội phạm ra khỏi danh sách những người phải chịu TNHS khi không tố giác, BLHS sửa đổi lần này rõ ràng là nhân văn hơn, khoan dung hơn.

Nhưng với những người phạm các tội như xâm phạm an ninh quốc gia hay những tội đặc biệt nghiêm trọng, thì lại khác. Kẻ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia không chỉ xâm hại đến một nhà, một làng hay một xóm, mà là gây họa đến cả đất nước, ngôi nhà chung của tất cả mọi người.

Hay như tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cỡ Lê Văn Luyện, thì hành vi của ông Lê Văn Miên (bố Luyện), khi không tố giác hành vi của con, lại trực tiếp chôn giấu số vàng do Luyện cướp được ở tiệm vàng Ngọc Bích, là không thể chấp nhận được.

Và cũng như những người thân của tội phạm xâm phạm ANQG, những người thân của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bắt buộc phải chịu TNHS.

Quy định như vậy là rõ ràng.

Bình luận mới nhất