| Hotline: 0983.970.780

Nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân vùng lũ

Thứ Năm 20/09/2012 , 10:25 (GMT+7)

Trận lũ lịch sử đầu tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại khá nặng nề về người và tài sản cho người dân xứ Thanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền (bên phải) trao đổi với PV NNVN

Trận lũ lịch sử đầu tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại khá nặng nề về người và tài sản cho người dân xứ Thanh.

Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chia sẻ của các tổ chức xã hội nên cuộc sống người dân nơi đây đã nhanh chóng khôi phục. Cơn hoạn nạn đi qua, sáng 19/9, PV NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Thưa ông, trận “đại hồng thủy” này đã gây thiệt hại như thế nào?

Phải đến gần nửa thế kỷ qua người dân Thanh Hóa mới gánh chịu trận lũ lớn đến như vậy. Lũ lụt diễn ra với tốc độ nhanh, trên diện rộng đã làm chết 9 người, 2 người mất tích và 12 người bị thương; hơn 120 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; gần 7.300 nhà dân bị ngập; hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu chìm trong nước lũ; 105 hồ đập nhỏ bị tràn, vỡ; 600 m đê bao ở các huyện Thọ Xuân, Hà Trung, Triệu Sơn bị lũ cuốn trôi; nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh…

Ước tính tổng thiệt hại lên đến trên 900 tỷ đồng.

Thiệt hại là rất lớn, trong đó đâu là nguyên nhân khách quan và chủ quan?

Đây không phải là bão tố, lốc xoáy, nhưng mưa quá to và liên tục nhiều ngày. Đặc biệt ngày 6/9 trên địa bàn toàn tỉnh mưa to đến rất to với lượng mưa từ 240 – 330 mm. Trong đó một số nơi có tổng lượng mưa lớn như Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Bái Thượng, Cửa Đạt, Lý Nhân, Chuối… bình quân đạt xấp xỉ gần 500 mm. Do mực nước dâng lên quá nhanh trên báo động III đã gây ra một đợt lũ ống, lũ quét tại các huyện miền núi.

Về chủ quan, như đã nói, do từ trước tới nay Thanh Hóa chưa bị lũ thốc, lũ quét nên người dân thiếu chủ động. Hơn nữa do các cơ quan dự tính, dự báo thiếu kịp thời phần nào dẫn đến những thiệt hại trên.

Công tác chỉ đạo khắc phục sau lũ thế nào, thưa ông?

Trong lũ và sau lũ lãnh đạo tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể lăn lộn xuống bám sát từng địa bàn để giúp dân sớm khắc phục hậu quả. Đặc biệt, sau khi nước lũ rút chúng tôi đã họp ban chỉ đạo đánh giá tình hình thiệt hại và đưa ra các giải pháp cấp bách, tuyệt đối không để một người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích mức thấp nhất 10 triệu đồng/người; gia đình có người bị thương nặng 3 triệu đồng/người; hộ dân có nhà bị sập, lũ cuốn trôi 20 triệu đồng/hộ; hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng cho các hộ dân có diện tích cây lương thực mất trắng.

Về cơ sở hạ tầng, tập trung tiêu thoát lũ cứu lúa; cấp tốc hàn khẩu tất cả các tuyến đê bị vỡ, sạt lở; huy động các tổ chức, đoàn thể giúp dân dọn dẹp nhà cửa, xử lý môi trường; sửa sang trường học, các tuyến đường hư hỏng, đảm bảo việc học tập của học sinh và giao thông đi lại cho nhân dân.

Các huyện có trách nhiệm bảo vệ lúa mùa, mía, ngô, rau màu bị ngập nặng. Khi nước lũ rút tranh thủ làm đất, gieo trồng ngay các loại cây vụ đông; tỉnh sẽ hỗ trợ 100% giống ngô, đậu tương, khoai tây và một số giống rau. Riêng diện tích lúa mùa chín trên 80% thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.


Những tấm lòng hảo tâm đến với vùng lũ Thanh Hóa

Về lâu dài, xứ Thanh có phương án gì để đối phó với thiên tai?

Nói về các công trình thủy lợi, hồ đập nhỏ, kênh mương do xã quản lý, UBND tỉnh giao các huyện chủ động huy động nhân lực, vật lực để khắc phục nhằm phục vụ cho vụ SX đông xuân tới. Đối với công trình đê điều bị nứt, sạt lở như tuyến đê sông Chu, Long Hồ, đê ngăn nước núi Thái Hòa – Triệu Sơn…, giao Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ NN-PTNT xin chủ trương đầu tư, hỗ trợ để khắc phục.

Thanh Hóa đã nhận được tình cảm chia sẻ của các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức xã hội?

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời giúp nhân dân Thanh Hóa khắc phục lũ lụt. Đây thể hiện nghĩa cử cao đẹp “lá lành đùm lá rách” của người Việt ta.

Qua Báo NNVN, đại diện lãnh đạo tỉnh, tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đã động viên, chia sẻ với đồng bào Thanh Hóa trong cơn hoạn nạn, góp phần giúp nhân dân vùng lũ nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất