| Hotline: 0983.970.780

Nhập 150.000 tấn đường: Đường lậu sôi động, NM lên tiếng!

Thứ Tư 21/07/2010 , 10:08 (GMT+7)

Trước thông tin Bộ NN-PTNT kiến nghị cho phép nhập ngay 150 ngàn tấn đường để “hạ nhiệt” giá đường trong nước, "thủ phủ" mía đường ĐBSCL nóng lên rần rật.

Đường cát Thái Lan theo rạch Chắc Ri qua sông Hậu thuộc khu vực xã Vĩnh Nguơn, thị xã Châu Đốc

Trước thông tin Bộ NN-PTNT đốc thúc Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho phép nhập ngay 150 ngàn tấn đường để “hạ nhiệt” giá đường trong nước, "thủ phủ" mía đường ĐBSCL nóng lên rần rật.

Mấy ngày này, có mặt tại biên giới huyện An Phú (An Giang) chúng tôi dễ dàng bắt gặp những ghe có tải trọng lớn đang nêm đường dưới các bến sông chờ đêm đến bốc xếp lên xe tải chuyển về TX Châu Đốc. Một người dân sống tại xã Khánh An có hai con trai đang làm công việc này cho biết, cũng như mọi năm vào tháng này các ghe chở đường từ bên kia biên giới về đây tấp nập. Ở các bến sông thuộc các xã Khánh An, Khánh Bình, Long Bình được các đại gia như ông T, bà M… thay phiên nhau thay đổi bến để tránh sự kiểm soát của các ngành chức năng. Nhờ có mấy chiếc ghe làm ăn được nên hầu hết thanh niên có công ăn việc làm khi mùa lúa kết thúc.

Rời các bến sông, chúng tôi men theo tỉnh lộ 956, đoạn đi qua các xã của huyện An Phú để qua cầu cồn Tiên về TX Châu Đốc. Những chiếc xe gắn máy chất đầy các bao đường quá tải chạy trên con đường nhựa lầy lội bởi những chiếc xe trâu kéo lúa mang bùn đất lấp lên mặt lộ. Thế nhưng bất chấp nguy hiểm, xe chở đường vẫn tăng tốc và đùa giỡn với tử thần lao đi vội vã. Sau khi phát hiện chúng tôi chụp ảnh, một người đàn ông dẫn đầu đoàn xe rẽ vào con lộ đất rồi lần lượt các xe khác cũng tuần tự làm theo. Đi xa chừng 1 km, chúng tôi ghé vào một quán nước để nghỉ ngơi thì đoàn xe lúc nãy bắt đầu xuất hiện trở lại.

Rời An Phú, chúng tôi qua cầu cồn Tiên về khu vực được xem là nóng bỏng nhất về đường lậu. Một người đàn ông tên L dẫn chúng tôi đến 2 địa điểm là Gò Tà Pâu và Cỏ Hàn tiếp giáp ấp Vĩnh Chánh 1, xã Vĩnh Ngươn, TX Châu Đốc (An Giang) để xem những đống đường chất cao có ngọn chờ ghe đến chuyển qua biên giới. Mới chỉ hơn 16 giờ mà cả khu vực nhộn nhịp hẳn lên bởi những chiếc ghe tập trung thành đoàn dài chờ lấy hàng. Ông L cho biết, tại đây đường lậu được vận chuyển bằng hai cách: Một bằng xe gắn máy đi thẳng đến các kho chứa nhưng rất khó vì dễ bị phát hiện. Cách thứ hai được xem là tương đối an toàn và vận chuyển được nhiều là bằng đường thủy.

Được biết mỗi ngày có hơn 10 chiếc ghe công suất 15 mã lực chạy như bay trên mặt nước theo rạch Chắc Ri để lấy và giao hàng. Mỗi lượt, một chiếc chở khoảng 30 bao đường (bao= 50kg) chạy suốt từ 16 giờ hôm trước đến 4- 5 giờ sáng hôm sau vào những ngày đường hút hàng. Trung bình một đêm các ghe vận chuyển trên 4.000 bao đường (tương đương 200 tấn). Ông L còn cho biết thêm, nếu vận chuyển trót lọt thì các đầu nậu trả tiền công 3.600 đồng/bao. Địa điểm tập kết hàng là một bến sông tại khu vực ấp Phước Quản, xã Đa Phước, huyện An Phú (An Giang ). Tại đây, hàng được chuyển lên xe tải và đưa về Châu Đốc. Nếu “thuận buồm xuôi gió” hàng chuyển tiếp đi các tỉnh ĐBSCL và TPHCM hoàn tất chu trình đường lậu vào VN.

Được biết, mặt hàng đường đang có 4 loại nhưng đại lý "ăn" mạnh nhất là đường KS, giá gốc bên Campuchia khoảng 800.000 đồng/bao. Một tiểu thương có bán mặt hàng này ở chợ Châu Đốc cho biết, mặc dù giá gốc chỉ có 16.000 đồng/kg nhưng do các chủ hàng tính thêm tiền chuyên chở và nhiều chi phí khác nên đôi khi giá cao hơn hàng Việt Nam (17.500 đồng/kg) nhưng vẫn được tiêu thụ rất mạnh.

Lo mía rớt giá!

Ông Nguyễn Thành Long, TGĐ Cty Mía đường Cần Thơ (Casuco) phân tích: Tôi nghĩ Bộ NN-PTNT lo thiếu đường cát tiêu thụ trong mùa giáp hạt nên đề xuất cho nhập lượng đường dự phòng. Thực tế hiện nay, ở ĐBSCL đường còn tồn không nhiều, Casuco cũng chỉ còn khoảng 1.000 tấn. Tất cả 10 NM còn đường tồn kho nhưng đều bán sắp hết. Tuy nhiên, lượng đường từ các NM miền Trung hình như còn dư đang đưa vào phía Nam cân đối nên khả năng không thiếu đường. Bên cạnh đó, lượng đường cát nhập lậu từ biên giới Tây Nam sang mỗi ngày cũng không nhỏ, giá bán tại Thốt Nốt chỉ 16.700 đ/kg.

Vấn đề lo lắng bây giờ là nông dân trồng mía, liệu khi vào vụ giá mía nguyên liệu có bị rớt giá như giá muối hiện nay không. Giá đường tăng có lợi cho người trồng mía nhưng bất lợi cho người tiêu dùng. Song theo tôi với giá đường cát như hiện thời 16.000-17.000đ/kg, tức là dưới mức 20.000đ/kg và chỉ tương đương 3 kg gạo là hợp lý, không quá lo ngại. Theo ông Long: “Việc quản lý kiểm soát giá đường không có nghĩa là dùng biện pháp “đè giá” đường, giá mía xuống thấp mà là kiểm soát khoa học trong cấn đối cung cầu”.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.