| Hotline: 0983.970.780

Nhật Bản hỗ trợ nâng tầm giá trị rau quả Việt Nam

Thứ Hai 04/07/2022 , 17:38 (GMT+7)

7 tỉnh/thành phía Bắc sẽ được Nhật Bản tài trợ dự án nhằm cải thiện năng lực sản xuất cây trồng an toàn, mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường ngày càng cao.

Nâng cao năng lực sản xuất nông sản an toàn, chất lượng

Ngày 4/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo chia sẻ kiến thức Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”.

Ông Lê Quốc Thanh đánh giá Dự án sẽ tác động lớn tới chuỗi sản xuất rau quả của Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Lê Quốc Thanh đánh giá Dự án sẽ tác động lớn tới chuỗi sản xuất rau quả của Việt Nam. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT rất chú trọng đến vấn đề sản xuất an toàn, sản xuất có chứng nhận, thúc đẩy các chuỗi giá trị, đặc biệt là các chuỗi giá trị liên quan đến sản xuất rau quả nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn của nhiều thị trường, cả trong nước và xuất khẩu. 

Theo đó, tiếp nối 2 Dự án "Tăng cường năng lực cho lĩnh vực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng" và "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc”, Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam” sẽ được triển khai trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định và Sơn La. Kinh phí thực hiện Dự án từ vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Nhật Bản tài trợ là 3 triệu USD, được triển khai trong vòng 4 năm, từ năm 2022 đến năm 2026.

Mục tiêu của Dự án là tập trung thúc đẩy, nâng cao năng lực nguồn nhân lực để mở rộng cây trồng an toàn; nâng cao năng lực sản xuất và quản lý của các HTX với mục tiêu sản xuất cây trồng an toàn; thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị và nâng cao năng lực thực thi đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Lê Quốc Thanh đánh giá, Dự án sẽ tác động lớn tới chuỗi sản xuất rau quả của Việt Nam, là cơ hội tốt để sản phẩm rau củ quả Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường càng ngày càng có yêu cầu cao hơn với những giá trị chuẩn mực hơn.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam kỳ vọng Dự án sẽ nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành phố để Dự án được thực hiện một cách suôn sẻ và hiệu quả, từ đó đem lại những lợi ích cho nông dân cũng như các HTX nông nghiệp.

Ông Murooka Naomichi cũng kỳ vọng Dự án sẽ đóng góp vào chiến lược, định hướng phát triển của các tỉnh, thành phố phù hợp với mục tiêu Dự án.

Bài học kinh nghiệm từ Hưng Yên

Là vùng sản xuất rau màu lớn của huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú có 30 ha trồng rau an toàn được chứng nhận VietGAP. Với sản lượng trung bình khoảng 8 tấn/ngày, HTX Yên Phú là nguồn cung ổn định cho các siêu thị, đơn vị lớn như Coopmart, Aeon Việt Nam, Winmart…

Chia sẻ kinh nghiệp tại hội thảo, đại diện HTX Yên Phú cho biết, sau khi tham gia vào Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”, các hộ dân thành viên HTX đã được nâng cao năng lực để sản xuất những sản phẩm rau củ chất lượng cao, đủ điều kiện tiêu thụ tại các thị trường tiềm năng.

Mục tiêu của Dự án là tập trung thúc đẩy nâng cao năng lực nguồn nhân lực để mở rộng cây trồng an toàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mục tiêu của Dự án là tập trung thúc đẩy nâng cao năng lực nguồn nhân lực để mở rộng cây trồng an toàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cụ thể, thông qua HTX, các hộ thành viên đã thành lập được mô hình bán hàng tập trung. Giá rau HTX mua từ hộ thành viên luôn cao hơn so với giá thị trường bên ngoài từ 10 - 25%. Bên cạnh đó, HTX cũng tạo việc làm thường xuyên cho xã viên với mức lương bình quân từ 4 – 10 triệu đồng/người/tháng.

Đối với công tác tiếp cận, mở rộng thị trường, trước khi tham gia Dự án, đơn vị tiêu thụ chính cho HTX Yên Phú là số ít các thương lái thu gom tại địa phương. Khối lượng rau củ tiêu thụ trung bình chỉ đạt 300 - 500 kg/ngày. Người trồng rau củ chỉ bán hàng riêng lẻ với giá thấp hơn giá bán buôn tại chợ đầu mối khoảng 5%.

Sau khi tham gia Dự án, đến nay, các đơn vị thu mua chính sản phẩm rau sạch của HTX Yên Phú là các siêu thị, công ty lớn. Khối lượng rau củ được tiêu thụ trung bình đã được nâng lên 8 tấn/ngày. Người dân không còn phải bán hàng với hình thức riêng lẻ, số lượng nông dân tham gia bán hàng tập trung đã đạt 80% với giá bán cao hơn tại chợ đầu mối khoảng 20 - 30% giá trị.

Đại diện HTX Yên Phú cho biết, trong thời gian đầu thực hiện bán hàng tập trung, HTX đã phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm trong quản lý sản xuất và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Tham gia Dự án, nông dân sẽ được hỗ trợ trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tham gia Dự án, nông dân sẽ được hỗ trợ trong khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo đó, với sự hỗ trợ của Dự án, HTX Yên Phú đã triển khai những giải pháp trong quản lý sản xuất; kiểm soát an toàn thực phẩm hàng ngày trước khi rau củ được chuyển về nhà xưởng sơ chế; lập kế hoạch sản xuất để cân bằng giữa sản xuất và bán hàng; lựa chọn những kỹ thuật phù hợp với năng lực của bà con nông dân để áp dụng trong canh tác…

Để có được những kết quả hiệu tích cực cho các thành viên HTX Yên Phú nói riêng và người sản xuất rau củ quả nói chung tại Hưng Yên, hàng năm, Ban Quản lý Dự án JICA của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cơ bản cho các nhóm mục tiêu tham gia Dự án; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng kế hoạch thu mua và giao hàng tại tỉnh, tập huấn về kế hoạch hành động tiếp thị…

Đặc biệt, trong hoạt động sản xuất, Ban Quản lý Dự án JICA tỉnh Hưng Yên đã hướng dẫn người dân áp dụng thực hành nông nghiệp tốt cơ bản tại thực địa; nâng cấp điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân; giới thiệu người dân kỹ thuật canh tác hiệu quả; hướng dẫn nông dân lập kế hoạch canh tác dựa trên nhu cầu của thị trường; ứng dụng ghi chép sản xuất bằng kỹ thuật số…

Dự án giúp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và quản lý của các HTX với mục tiêu sản xuất cây trồng an toàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dự án giúp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất và quản lý của các HTX với mục tiêu sản xuất cây trồng an toàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhờ những giải pháp thiết thực, Ban Quản lý Dự án JICA tỉnh Hưng Yên đã giúp người dân tăng khối lượng rau củ quả được bán ra thông qua hình thức bán hàng tập trung. Số nông dân tham gia bán hàng tập trung đã tăng từ 35% trong năm 2017 lên 77% trong năm 2020. Số lượng kênh bán hàng của bà con cũng được tăng lên, trong đó 90% là bán theo hợp đồng với các đơn vị (siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng thực phẩm an toàn…), 5% được bán qua các kênh online (facebook, zalo…), 5% được bán qua thương lái.

Cùng với đó, để nhân rộng mô hình, lan tỏa hiệu quả của Dự án, Ban Quản lý Dự án JICA tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ tập huấn cho nông dân về sản xuất rau an toàn, chuyển giao khoa học công nghệ; lồng ghép với các chương trình để tăng cường giám sát bên ngoài cho các nhóm mục tiêu; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các HTX; hỗ trợ một phần hạ tầng cho sản xuất rau như đường điện, hệ thống tưới tiêu tự dộng, xây dựng nhà lưới, nhà màng…; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh và hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, máy in tem cho một số đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, ông Đặng Quang Huy, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) đề nghị các đơn vị quan tâm đến kế hoạch hành động cụ thể của Dự án trong năm 2022; đồng thời lựa chọn các HTX mục tiêu phù hợp nhất với Dự án theo các tiêu chí đề ra; ưu tiên hành động nâng cao năng lực cho hệ thống của các bên tham gia Dự án để kết quả Dự án được chia sẻ và lan tỏa một cách rộng rãi nhất, hiệu quả nhất.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.