| Hotline: 0983.970.780

Nhất định sẽ tìm thấy lối ra

Thứ Hai 31/08/2015 , 09:15 (GMT+7)

Cô cổ xúy mọi cục cựa, miễn đừng bó tay chịu hoàn cảnh trói. Nhất định ai cũng tìm thấy một lối ra. Và đừng quên đồng thuận của vợ, chỉ vợ là đủ, các em gái thì “anh em nhất thân nhất phận”, đừng quên.

Cô Dạ Hương kính!

Ba mẹ cháu là nông dân, tuy đã lục tuần nhưng hai ông bà vẫn cặm cụi với nghề nông để gây dựng lại từ đầu sau khi phá sản vì nuôi trồng thủy sản.

Cháu là con trai trưởng của gia đình 3 người con, cháu biết gánh nặng trách nhiệm của cháu chứ cô.

Thú thực, cháu không bằng các em gái của cháu vì cháu chỉ có bằng trung cấp nghề, còn hai đứa nó thì đều đại học cả. Ba anh em cháu đã có gia đình và có nhà riêng.

Hai đứa em gái cháu lấy chồng khá giả ở thị xã, cháu hiện ở ngôi nhà mà ba mẹ cháu từng ở.

Hai ông bà có ý định làm đến khi nào hết sức thì thôi để mua một chỗ ở ngoại ô có đất thổ cư, không thích nhà cũ vì nhà hình ống (mua bằng số tiền ít ỏi sau khi bị ngân hàng phát mãi hết ao đầm để thanh lý nợ).

Cháu bứt rứt lắm, cháu là trai mà không lo nổi chỗ ở để ba mẹ phải tự lo. Nhưng ba cháu máu làm ăn lớn, ông thà chai tay chứ không chịu “chai đít” – ông thường nói như vậy (ý là chai đít la lết ăn bám ở nhà con cái, nhục lắm).

Giờ thì cháu thấy ổn rồi, vợ cháu sinh cho ông bà nội con trai và con gái, đủ cơ số rồi. Cháu có nhiệm vụ là cùng vợ làm để nuôi con cháu nối dõi tông đường.

Nhưng ở nơi cháu làm, cháu thấy không thích hợp với mình chút nào. Cháu luôn có ý định bỏ việc để làm một người tự do như ba mình.

Cháu đã thử xin nghỉ không ăn lương 1 tháng để về chỗ ba mẹ đang mướn đất làm rẫy. Ba cháu rất giỏi làm ăn chỉ có điều ông không gặp thời nên phá sản mà thôi.

Đi làm Nhà nước chờ đồng lương bèo, hay là nhảy ra làm nông dân như ba, cháu nghiêng về phương án thứ hai hơn.

Vợ cháu hiểu, thông cảm, cũng đành lòng để cháu nghỉ thử xem sao. Nhưng hai đứa em gái của cháu thì quậy dữ. Chúng quậy đến mức ba mẹ cháu cũng không vui vẻ với cháu như ban đầu.

Chúng nó nói nếu con rể của ba mẹ mà để vợ với hai con ở chợ rồi về đồng làm nông dân, ba mẹ chấp nhận hay chê trách?

Cháu quay về cơ quan mà ngao ngán. Bọn em cháu nó ỷ bằng cấp và nhà chồng giàu, nó đâu có hiểu nỗi bức xúc tương lai kinh tế gia đình như cháu?

Cháu có yếu đuối không khi viết thư cầu viện cô? Cháu muốn một tiếng nói khách quan và từng trải đó cô.

--------------------

Cháu thân mến!

Cô chưa thấy ai có bài toán “ngược” như cháu cả. Xem nào, người ta thì nông dân đi học, rồi đi làm viên chức, về hưu mới hoàn nguyên lại là nhà nông khi có điều kiện.

Cháu thì ăn học, đi làm, có lương (có thể thấp) và giờ lại muốn nhảy ra để trở về với cái gốc cội nông dân của gia đình mình.

Ô hay, không vô lý tí nào cả. Công chức cắp ô (dù) đi, đều đều, lương thấp, lộc không có thì bao giờ mới vung vinh đồng tiền?

Vì vậy, làm công ăn lương chân chỉ là chấp nhận đạm bạc, tùng tiệm, con cái ráng mà ăn cơm nguội buổi sáng và cố mà giữ vững thành tích học tập để vào trường công.

Cô biết có nhiều người già trước tuổi vì bài toán bám lại hay nhảy ra và mặt mũi họ lúc nào cũng ưu tư. Cháu còn có cái nhà ba mẹ cho để khỏi phải đi thuê nhà, còn may mắn hơn khối người đó chứ.

Cô không nghĩ các em gái sẽ cản trở được cháu. Nhưng cần cân nhắc kỹ. Ba cháu đã từng về mo, tay trắng làm lại. Số phận người nông dân mình vẫn còn bị thả nổi lắm, làm ra thứ gì cũng khó tiêu thụ, chết vì dư thừa.

Cháu có lẽ có máu làm ăn tự do và làm ăn lớn của ba nên cháu luôn nhúc nhắc khi bị bó buột.

Không gì tệ nếu như người đàn ông quyết chí và say mê. Ba cháu là một bài học nhiều trang, trang phá sản, trang làm lại và giờ là trang gặt hái.

Cô cổ xúy mọi cục cựa, miễn đừng bó tay chịu hoàn cảnh trói. Nhất định ai cũng tìm thấy một lối ra. Và đừng quên đồng thuận của vợ, chỉ vợ là đủ, các em gái thì “anh em nhất thân nhất phận”, đừng quên.

Có rất nhiều người nông dân ngoi lên trong khi số đông lặn ngụp. Không phải giỏi là đủ mà phải luôn liệu cơm gắp mắm để đừng “làm cho ngân hàng ăn hết”.

Cần chú ý bảo hiểm xã hội ở đâu đó và bảo hiểm ý tế, một “gã” nông dân hiện đại và chính hiệu là phải như thế.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất