| Hotline: 0983.970.780

Nhật ký nơi vùng lũ

Thứ Hai 25/10/2010 , 21:27 (GMT+7)

Cho đến bây giờ trời đã hết mưa, nước lũ đã rút dần, nhưng trước mắt người dân vùng lũ vẫn còn đó những đống hoang tàn đổ nát...

Cho đến bây giờ trời đã hết mưa, nước lũ đã rút dần, nhiều đồng bào ở các vùng lũ đã có miếng ăn lót dạ, có tấm áo che thân, nhưng trước mắt họ vẫn còn đó những đống hoang tàn đổ nát do cơn lũ lịch sử để lại.

Với tôi, một phóng viên được lăn lộn, được chính kiến những nơi nguy hiểm ác nghiệt nhất, những lúc một mình giữa dòng nước lũ chơi vơi, tôi cảm thấy con người đối với thiên nhiên quá nhỏ bé. Tiếp cận suốt ngày đêm với 2 cơn lũ lịch sử, lúc nào quần áo cũng ướt sũng, bụng đói nao, bây giờ tôi mới có được chút xả hơi, ngồi nghĩ lại những chuyến đi trong lũ mà trong tôi cứ gai gai. Những nơi tôi đến, những nơi tôi đi tất cả là một đống đổ nát hoang tàn, những cái chết thương tâm.  

Người dân ở thôn Tân Hương xã Tùng Lộc, Can Lộc chờ cứu trợ

Đêm về chợp mắt không sao ngủ được bởi trước mặt luôn lởn vởn ngổn ngang xác chết bên bờ sông Lam, mấy đám tang lênh bênh trên các mảng bè chuối không chỗ chôn xác… nghiệp báo là vậy đó. Ngày đi tác nghiệp, đêm về viết bài. Đến bây giờ tôi vẫn còn khóc, khóc vì thương nông dân một nắng hai sương, họ chắt chiu dành dụm từng củ khoai hạt lúa, đổ mồ hôi sôi nước mắt để có được con trâu, con bò, cái cày họ đâu có biết cuộc sống giàu sang nơi xa hoa phố thị, một bận ăn, một bữa nhậu tiệc tùng ở đó bằng cả năm trời người nông dân nơi quê nghèo lao động cật lực khó đủ. Tài sản của nông dân ở các vùng quê nghèo là vậy đó. Thế nhưng cơn lũ lịch sử ập đến, trở tay không kịp, toàn bộ “lâu đài” của họ phút chốc trôi theo dòng lũ. Vợ mất chồng, con mất mẹ, ông bà mất cháu, tất cả còn lại hai bàn tay trắng, nghĩ mà xót xa!.

Nơi chúng tôi đến là những làng mạc tiêu điều, xiêu vẹo và tan hoang vì lũ. Nơi ấy là những giọt nước mắt với nỗi đau khôn tả. Những khuôn mặt nhăn nhúm, những bàn tay chới với, bợt bạt vì đói, khát, giá lạnh, cả những nỗi tuyệt vọng đến cùng cực, những đáy mắt sâu hoằm nhìn về một cỏi vô hồn giữa mênh mông biển nước.  

Anh Nguyễn Duy Vượng cứu 116 người trong cơn lũ dữ

Trong đêm, con đường 1A, từ huyện Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, Can Lộc, TP Hà Tĩnh đến Cẩm Xuyên nhiều đoạn đã trở thành những dòng sông chảy xiết, xe tải, xe khách bắc nam ùn tắc cả chục cây số, xóm làng hai bên bập bềnh trong nước lũ, người dân dắt díu nhau lần mò trốn lũ. Họ biết chạy đi đâu khi cả Hà Tĩnh đã trở thành biển nước, tiếng kêu khóc tìm nhau trong mưa xối xả nghe càng ai oán đến não lòng. Lũ về trong đêm nên hầu hết người dân đều không trở kịp, nhà cửa tài sản đều phó mặc cho trời đất lo liệu. Đến nơi nước cạn hơn, nhìn lại gia đình mình thấy còn đủ các thành viên đã là mừng lắm rồi.

Một tay ôm đứa con gái chưa đầy 2 tuổi, tay kia xách mấy con gà ướt sũng nước mưa, chị Bùi Thị Mây, người xã Thạch Kênh, Thạch Hà hốt hoảng nới với chúng tôi trong màn đêm mưa và nước mắt: “Từ lúc chạy lũ đến chừ không thấy chồng và đứa con trai ở mô cả! ai có gặp thì giúp với”. Chị tức tưởi gục đầu rồi bất thần ngước lên giáo giác đưa mắt trong màn đêm tìm kiếm réo gọi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, quần áo ướt sũng, mặt mày tái nhợt lắc đầu nói: “Tan hoang hết rồi nhà báo ơi, cả tỉnh không chỗ nào là lũ không mò đến; ở miền xuôi còn dễ cứu hộ chứ ở mạn miền ngược như các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương sơn, hầu hết các xã hoàn toàn bị cô lập rất khó ứng cứu. Hàng cứu trợ từ khắp mọi miền ùn ùn đổ về nhưng để đến được tay người dân lúc này còn là cả một vấn đề; phương tiện vận chuyển thiếu trầm trọng. Lũ năm nay ác quá, mọi người không thể lường hết…”. Tôi nhìn vào đôi mắt thâm quầng của anh định nói câu gì đó an ủi nhưng lại thôi. Bàn tay anh lạnh quá! phải đi đường nào ngắn nhất để có thể đến với vùng rốn lũ bây giờ (PV). Quả thực tất cả đều bó tay, chỉ có duy nhất đi bằng đường thuỷ. 

Làng mạc ở Hưong Khê chìm trong lũ

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đồng bào ở hai xã Hà Linh, Phương Mỹ, đây là 2 xã ngập lũ sâu nhất của huyện Hương Khê. Ngồi trên chiếc xuồng máy chồng chềnh nhào lộn với những cơn sóng lũ bên những vòng xoáy nghiệt ngã. Qua ghềnh bà Miếu, eo Trộ Đó đến vực Ác…anh chiến sỹ cảnh sát đưòng sông phải liều mình dùng dao chặt phăng những bụi rậm, gai góc để len lỏi kịp vào cứu dân những nơi hiểm nguy. Chiếc máy ảnh trên tay cũng dầm mưa dầm lũ ghi nhanh được rất nhiều những hình ảnh thương tâm như cảnh, cụ già Tuyên 95 tuổi ở xóm 3, Hà Linh ngồi kêu cứu trên mái nhà, em bé 3 tuổi cùng mẹ ngâm mình dưới nước lũ chỉ ngoi lên mặt nước được hai cái đầu kêu van thống thiết… Cảnh các chiến sỹ bơi từ nóc nhà này sang nóc nhà khác bất chấp hiểm nguy để cứu dân, chỉ trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ hàng trăm, hàng nghìn người dân ở 2 xã Hà Linh và Phương Mỹ đựơc cứu vớt. Tại thuỷ điện Hố Hô, cả cột nước dựng đứng cao vút khổng lồ từ độ cao 73 mét đang dội xuống đầu người dân Tuyên Hoá (Quảng Bình), trùm lên các làng mạc Hương Đô, Phúc Trạch, Lộc Yên (Hà Tĩnh), lúc này nửa huyện Hương Khê đang phải chạy loạn. Mẹ bồng con, chồng lôi vợ, phía sau những nhà cửa, tài sản, trâu bò, lợn gà mặc cho nước lũ hoành hành cuốn trôi.

Rời Hương Khê, chúng tôi định tiếp tục sang Vũ Quang và Hương Sơn nhưng con đường 8 nối đường Hồ Chí Minh với Hương Sơn đã chìm sâu trong nước, đường về Vũ Quang giờ cũng đã bị dòng Ngàn Trươi bít lối. Tôi đành theo đường cũ quay về. Trên đê La Giang, Đức Thọ từng căn chòi bạt xác xơ được người dân dựng nên để nương tạm. Trâu bò, lợn gà cùng người lớn, trẻ nhỏ sống chen chức nhau trong mấy mét vuông bê bết phân lẫn bùn đất. Chị Trần Thị Giang, xã Tùng Ảnh cùng 3 đứa con lổn nhổn như khoai lang, dắt thêm một con bò và hai con lợn chạy lũ lên đây than thở: “Có biết trời mưa đến nông nổi ni mô chú. Thôi thì cứ lên náu thân tạm đấy, chờ bữa mô nước rút rồi lại dắt díu bọn hắn về.”. Thằng bé thứ 3 con chị, mũi dãi nhễ nhại, vừa ôm con lợn khoảng 15 kg lấm lem vừa dứ dứ mẫu mì tôm sống vào mũi lợn rồi lại tròn mắt nhìn tôi. Con lợn chắc cũng mệt lắm nên cứ để mặc thằng bé trêu chọc. Chị Giang cười thanh minh: “ Chú tính, mưa lạnh như ri, chăn mền không có làm răng cho đủ ấm đành ôm con lợn, con bò mà ngủ, vừa ấm lại vừa không sợ mất!”.  

Xác những nạn nhân xấu số từ chiếc xe định mệnh

Trong lũ dữ, tôi đã “chộp” được những hình ảnh khó cầm nổi nước mắt như chuyện về cô giáo Trần Thị Hoa ở xã Hương Thuỷ, (Hương Khê) vì muốn giữ lấy sách vỡ, đồ dùng học tập cho học sinh cô đã cùng chồng vượt dòng lũ xoáy đến trường giữa đêm đã bị lũ nuốt chửng trong dây lát, tuy nhìn thấy vợ mình bị lũ cuốn trôi nhưng chồng cô Hoa không biết làm cách nào để cứu vợ chỉ biết nuốt nước mắt li biệt…Lũ lịch sử không trừ một ai, từ em bé đến các cụ bà 80-90 tuổi phải ngồi co ro trên những mảng bè chuối tìm nơi tránh lũ. 

Những câu chuyện về tình người, vê tinh thần tương thân, tương ái, trong cơn lũ dữ để lại trong tôi biết bao xúc động. Ấy là nắm cơm nghĩa tình của các chị em phụ nữ vùng cao, vùng ngập lũ nhẹ ở huyện Hương Khê bằng cách, góp gạo thổi cơm chung đã chuyển đến đồng bào những nơi ngập nặng, thiếu đói lâu ngày; là những tấm gương dũng cảm cứu người như anh Nguyễn Viết Thuật, ở Xuân Hồng, Nghi Xuân trên chiếc thuyền ba lá giữa đêm tối, sóng lũ cuồn cuộn anh đã cứu 6 người dân gặp nạn trong vụ xe khách bị nước lũ cuốn trôi; đến nghĩa cử cao đẹp của anh Nguyễn Văn Chung mồ côi cha lẫn mẹ, Chung phải bỏ học đi chăn vịt thuê, kiếm tiền nuôi các em ăn học, trong cơn lũ dữ Chung không màng đến tính mạng của mình bơi ra giữa dòng nước xoáy cứu bà Trần Thị Mừng, người may mắn thoát chết từ chiếc xe định mệnh. Đến cả anh Nguyễn Duy Vượng, xóm Tân Hương, xã Tùng Lộc (Can Lộc) trong 4 ngày đêm liền một mình bơi giữa dòng lũ cứu vớt được 116 người dân ra khỏ vùng nguy hiểm, khi kiệt sức trở về nhà cũng là lúc nhà anh đã bị nước lũ ngập lên tận nóc, vợ và mấy đứa con anh phải ngồi trên mái nhà chờ chồng.

Đến cả chiếc xe định mệnh, có lẽ suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên được những hình ảnh tang thương của chuyến xe đó. Trong 4 ngày từ 18-21/10 hàng triệu con tim cả nước và kiều bào nước ngoài đã đổ dồn về bên bờ sông Lam, bởi nơi ấy dòng nước lũ hung dữ đã nuốt chửng 20 sinh mệnh con người vô tội trên chuyến xe định mệnh vào rạng sáng ngày 18/10. Cha mẹ chờ con, vợ chờ chồng, ông bà chờ cháu, con chờ cha…Phút sum họp gia đình đã cận kề, ông bà đang ra ngõ đón cháu, vợ ra đầu làng đón đợi chồng từ Tây Nguyên trở về sau gần một năm trời xa cách tha phương cầu thực kiếm ăn biệt xứ thì dòng lũ ác nghiệt đã cướp đi tất cả. Chiếc xe chở 38 người, 20 người đã nằm sâu dưới đáy sông Lam mấy ngày liền, có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất người thân mà xác vùi lấp dưới đáy sông, có những người đến nay vẫn chưa tìm thấy xác người thân của mình. Cả ngày 21/10 là ngày buồn nhất sông Lam.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.