| Hotline: 0983.970.780

“Nhất nghệ tinh” để thân vinh

Thứ Ba 18/10/2011 , 14:47 (GMT+7)

Nhờ đào tạo nghề hiệu quả, Trường Trung cấp Mai Lĩnh (Quảng Trị) được WB tài trợ 300 suất học bổng toàn phần trị giá 160USD/năm/suất...

Bà Hồng Vân đang kiểm tra tiết học nghề điện công nghiệp- dân dụng của học sinh trường Mai Lĩnh

Nhờ đào tạo nghề hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của xã hội nên trong năm học 2010-2011, Trường Trung cấp Mai Lĩnh (Quảng Trị) được Ngân hàng Thế giới tài trợ 300 suất học bổng toàn phần trị giá 160USD/năm/suất trong vòng 3 năm để giúp trường không ngừng đào tạo ra những lao động có chất lượng.

Tự hào

Câu chuyện vợ chồng trẻ Hồng Ân và Hoàng Giang sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Mai Lĩnh tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, chuyên ngành Điện công nghiệp và dân dụng, đã có ngay việc làm với thu nhập 3 triệu đồng/tháng/người, càng khẳng định quan niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” của ông cha ta được trường này áp dụng rất triệt để, linh hoạt.

Hồng Ân và Hoàng Giang đều thi trượt đại học vào năm 2007. Tuy giấc mơ vào đại học của hai bạn bị khép lại song chưa phải là hết đường để tìm kiếm cho mình một cổng trường khác. Cả hai nộp hồ sơ vào Trường Trung cấp Mai Lĩnh, xin học nghề. Thấm thoắt, hai năm học trôi qua thật nhanh. Khi Ân và Giang vừa tốt nghiệp thì một Cty TNHH chuyên ngành Điện tại Quảng Trị, có nhu cầu tuyển dụng cùng lúc 30 công nhân có tay nghề.

 Vậy là cả hai em đều nộp hồ sơ dự tuyển và được gọi vào làm việc. Hôm gặp tôi, các em khoe: “Nhờ được đào tạo bài bản, có tay nghề khá nên được ban giám đốc Cty tin tưởng, giao nhiều công việc quan trọng. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến Trường Trung cấp Mai Lĩnh, em rất đỗi tự hào”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đào tạo các ngành, nghề như hạch toán kế toán, điện dân dụng và công nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch, tài chính ngân hành, quản trị kinh doanh... nhằm trau dồi lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được những đòi hỏi kỹ năng trong công việc của các cơ quan, đơn vị, ngành, nghề trong và ngoài tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi luôn có tôn chỉ đào tạo theo nhu cầu xã hội, chứ không đào tạo tràn lan”.

Theo bà Hồng Vân, đối tượng tuyển sinh của trường là các học sinh đã tốt nghiệp THPT, THBT và THCS. Xác định học sinh vào học nghề ở trường phần đông là con em nông dân nên trường có chính sách miễn, giảm học phí từ 10 đến 100% đối với học sinh con hộ nghèo, mồ côi, con TB-LS, con em đồng bào dân tộc...

“Chúng tôi quan niệm khi học sinh tốt nghiệp trung học không chỉ có một con đường duy nhất là phải vào đại học mới thành công. Yếu tố đam mê, chọn nghề phù hợp với sở trường và sống với nghề như là duyên nghiệp, sẽ giúp cho người lập nghiệp đứng vững khi vào đời. Chỉ một nghề, mà nghề cho ra nghề, nghề cho tinh, nhất nghệ tinh, cũng đã mang lại phú quí vinh sang cho bản thân. Thực tế nhiều em sau khi tốt nghiệp đi làm đã chứng minh điều này”, bà Hồng Vân nói.

Đào tạo theo nhu cầu

Cách đây mấy năm, khi khoá học ngành hạch toán kinh tế của trường tốt nghiệp, thì Cty Thương mại Quảng Trị đã tuyển dụng hết vào làm trong các nhà máy. Học sinh ra trường, có tay nghề, tìm được việc làm ổn định, góp phần giúp xã hội vơi bớt được gánh nặng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, doanh nghiệp khỏi mất công đào tạo lại.

Bà Hồng Vân cho biết, mới đây, có một Cty chuyên ngành điện về trường tuyển cùng lúc 48 lao động có tay nghề song khoá ấy nhà trường chỉ cung cấp được 36 em. Để học sinh ra nghề sớm có việc làm, trường Mai Lĩnh phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Trị giới thiệu năng lực ngành, nghề của học sinh cho các phiên chợ lao động. Nhà trường bắt tay với các doanh nghiệp du lịch, điện, xây dựng... trên địa bàn, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của họ để có kế hoạch đào tạo ngành, nghề phù hợp, kịp thời cung cấp cho thị trường lao động.

Có nhiều chủ khách sạn đang lập dự án xây dựng, nhưng đã đến làm việc với trường để đăng ký tuyển dụng những em tốt nghiệp chuyên ngành du lịch về làm việc tại các khách sạn, hệ thống kinh doanh du lịch của họ.

Cô giáo Trần Thị Khánh Trang, dạy môn du lịch, cho biết: “Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp du lịch, đào tạo theo nhu cầu thực tế nên học sinh rất dễ hiểu và sau khi ra trường dễ bắt tay ngay vào làm việc. Dạy kỹ năng du lịch được tổ chức tại di tích, thắng cảnh càng làm cho học sinh thêm hứng thú với nghề”.

Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, nếu muốn học lên đại học, nhà trường cũng đã và đang mở các lớp liên thông lên đại học chính quy, làm như vậy học sinh lợi được đôi đường.

Theo bà Hồng Vân, xã hội luôn yêu cầu người lao động không những biết nghề mà còn phải có kỹ năng nghề nghiệp. Người học bây giờ rất thực tế, nếu đào tạo không tốt, học sinh sẽ quay lưng. Để không ngừng nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, nhà trường rất chú trọng khâu thực hành, gửi học sinh về các Cty, doanh nghiệp xin được thực tập, lăn lộn với thực tế để đúc rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, nhiều học sinh của trường dù chưa tốt nghiệp nhưng đã đi làm thêm ngoài kiếm được tiền.

“Từ người thợ sửa xe hơi, thợ thủ công cho đến những ông chủ nhà hàng, khách sạn... trong số họ có rất nhiều người không học đại học, chỉ có học nghề. Tôi luôn động viên học sinh của mình cần trang bị kiến thức, kỹ năng ngành nghề tốt, các em sẽ sớm tạo dựng được cuộc sống của mình một cách tự chủ”, bà Hồng Vân cho biết.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất