| Hotline: 0983.970.780

Đại án Hà Văn Thắm:

Nhiều bị cáo xin nộp tiền khắc phục hậu quả để hưởng khoan hồng

Thứ Sáu 22/09/2017 , 06:48 (GMT+7)

Ngày 21/9, ngày thứ 18 phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm chủ yếu dành thời gian cho các luật sư của các nguyên đơn dân sự và các tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày quan điểm của mình.

18-03-38_vn_quynh
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh

Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong phiên tòa là các khoản tiền 1.576 tỷ đồng thất thoát và khoản vay 500 tỷ đồng trái pháp luật đều được nêu rõ. Trong đó, luật sư của Oceanbank khẳng định quan điểm yêu cầu được bồi thường số tiền đã bị chi trái pháp luật. 

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Oceanbank, luật sư Nguyễn Đình Hưng phân tích, các bị cáo với cương vị chức vụ quyền hạn của mình tại ngân hàng đã đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện các hành vi: Sử dụng một lượng tiền mặt, chi lãi suất vượt trần với số tiền 1.576 tỷ đồng.

Số tiền này được chi từ nguồn tạm ứng thực hiện nghiệp vụ hơn 925 tỷ đồng (tài khoản 3612); chi thẳng, hạch toán vào tài khoản trả lãi tiền gửi trên 620 tỷ đồng (tài khoản 801); chi từ tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương gần 30 tỷ đồng. Tất cả đều trái quy định của Nhà nước.

Theo ông Hưng, 1.576 tỷ đồng nói trên được trừ đi 146 tỷ đồng của hai khoản tiền được hoàn trả cho Oceanbank trước khi khởi tố vụ án; khoản tiền 49 tỷ đồng do VKS cáo buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tham ô; 105 tỷ đồng cơ quan điều tra đã tách ra xử lý trong một vụ án khác. Như vậy, số tiền mà Oceanbank đề nghị xem xét bồi hoàn trong vụ án này là hơn 1.275 tỷ đồng. 

Cùng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Oceanbank, luật sư Nguyễn Thị Bắc nhất trí với ý kiến của VKS khi cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn đã chiếm hưởng toàn bộ khoản tiền vay 500 tỷ đồng và xác định trách nhiệm của bị cáo Hứa Thị Phấn phải hoàn trả cho Oceanbank cùng với số lãi quy định. Về biện pháp bảo đảm thi hành án, luật sư Nguyễn Thị Bắc đề nghị HĐXX xem xét, quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên đối với 5 tài sản đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng. 

Thêm một tình tiết đáng chú ý, có mặt tại tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) đã xin tự nguyện dùng tài sản cá nhân để hỗ trợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khắc phục hậu quả tối đa theo khả năng cho phép, đồng thời mong HĐXX cho bị cáo Sơn được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Với cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 246 tỷ đồng, bà Xuân cho biết sẵn sàng đền bù thay chồng, nhưng xin HĐXX không kê biên ngôi biệt thự tại Ciputra. “Hiện nay ngôi nhà tôi đang ở cùng mẹ chúng tôi (tại KĐT Ciputra) là mẹ liệt sĩ, mua trước khi anh Sơn về ngân hàng. Đó là nguồn tiền của mẹ tôi, mẹ tôi năm nay 92 tuổi nên anh chị em chúng tôi đã thỏa thuận cho mẹ tôi ở ngôi nhà đó. Xin HĐXX không kê biên để mẹ tôi có chỗ dưỡng già và có nơi để thờ cúng”, bà Xuân nói.

Cũng xin được khắc phục hậu quả để hưởng lượng khoan hồng, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN) đã thừa nhận trong thời gian từ năm 2009 – 2013 ông ta nhận từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng và đã chi tiêu phần lớn cho cá nhân.

Trước đó, khi đang tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ngày 31/8, ông Ninh Văn Quỳnh bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. 

Theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Xuân Thắng – cựu Phó Giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược Oceanbank – em họ của Sơn thì hai bị cáo đã khai đưa tiền lãi ngoài hợp đồng của Oceanbank cho PVN. Sơn khai khi còn là TGĐ Oceanbank đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh 30-40 tỷ đồng, khi Sơn về làm Phó TGĐ PVN thì đưa số tiền hơn 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lời khai của Nguyễn Xuân Thắng cũng cho rằng đã hai lần cầm giúp hai túi xách màu đen lên phòng làm việc của Nguyễn Xuân Sơn. Hai túi đó được đưa cho Ninh Văn Quỳnh. Sơn khai mỗi lần 5 tỷ đồng, nhưng Ninh Văn Quỳnh chỉ thừa nhận mỗi túi 2 tỷ đồng. Mặc dù số tiền Ninh Văn Quỳnh cầm bao nhiêu chưa được làm rõ, nhưng hành vi nhận tiền của ông ta đã được VKS đề nghị tách ra làm một vụ án khác mà không xem xét trong vụ án này.

Dự kiến, hôm nay (22/9), phiên toà tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát với các bị cáo và luật sư bào chữa.

Tại phiên tòa ngày 21/9, HĐXX đã mời bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm) nhưng bà Nga không đến mà chỉ nhắn nhủ qua người đại diện: “Chị Nga có nhờ tôi nói rằng, dù anh Thắm chưa được gặp các con, chưa được gặp bố mẹ nhưng anh vẫn giữ được sức khỏe thế này nên rất biết ơn anh. Chị Nga gửi lời cảm ơn cán bộ trại giam T16 đã chăm sóc cho anh ấy và cảm thấy phiên tòa này rất có tình người”.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm