| Hotline: 0983.970.780

Nhiều chiêu nâng giá thuốc tân dược

Thứ Hai 01/07/2013 , 09:37 (GMT+7)

Kết quả khảo sát của BHXH VN về thực trạng đấu thầu thuốc cho thấy nhiều chiêu thức nâng giá thuốc mới xuất hiện.

Trao đổi với NNVN ngày 30/6, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội VN) cho biết, kết quả khảo sát của BHXH VN về thực trạng đấu thầu thuốc của 9 tỉnh, thành đầu tiên thực hiện đấu thầu thuốc vào bệnh viện theo quy định mới cho thấy nhiều chiêu thức nâng giá thuốc mới xuất hiện.

Xẻ nhỏ hàm lượng để bán giá đắt

Khi so sánh kháng sinh gốc Cefixim dạng gói cùng nguồn gốc Việt Nam, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại có hàm lượng ít 75 mg/gói so sánh với thuốc hàm lượng thông thường trước đây 100 mg/gói thì thấy, giá thuốc hàm lượng thông thường rẻ bằng 1/5 thuốc hàm lượng ít hơn kia. Ngoài ra, các thuốc có hàm lượng không giống thông thường, như các hàm lượng 300 mg, 350 mg, 700 mg, 2,25 g, 1,25 g… đều có giá cao hơn từ 2 - 5 lần so với các thuốc cùng hoạt chất nhưng ở hàm lượng bình thường. “Đây là một trong những chiêu thức thay đổi của cơ sở sản xuất thuốc nhắm tới nhóm bệnh nhân điều trị bệnh đặc biệt cần thuốc hàm lượng bất thường, đồng thời cũng để độc quyền về giá” - đại diện BHXH VN nhận định.

Cũng theo báo cáo này, kháng sinh là mặt hàng có chi phí trúng thầu cao nhất ở hầu hết các địa phương đã thực hiện đấu thầu theo quy chế mới. Trong tổng số 2.211 loại thuốc ngoại và 3.646 loại thuốc VN trúng thầu cung cấp thuốc cho 9 tỉnh, thành, thì Ấn Độ dẫn đầu danh sách quốc gia cung cấp thuốc ngoại, Trung Quốc cũng nằm trong top 5 nhà cung cấp thuốc vào bệnh viện VN dịp này.

BHXH VN cũng phát hiện thấy giá thuốc Cefalexin 350mg của Cty Cổ phần tập đoàn Merap (VN) trúng thầu tại tỉnh Bình Dương có giá 1.400 đồng/viên, trong khi cùng thuốc này, hàm lượng 250mg, cùng sản xuất tại VN, cùng trúng thầu vào tỉnh Bình Dương của một công ty dược khác giá chỉ có 470 đồng/viên. Thậm chí loại Cefalexin 500 mg (cũng là loại hàm lượng thông thường) của công ty dược này trúng thầu vào tỉnh Bình Dương có giá 725 đồng/viên, rẻ hơn gần một nửa so với loại thuốc hàm lượng mới là 350 mg, cùng nguồn gốc VN và cùng trúng thầu vào tỉnh Bình Dương.

Cũng trong danh mục này, thuốc phối hợp Cefoperazol + Sulbactam 1,5g + 750mg có giá trúng thầu bao gồm VAT là 99.000 đồng/lọ, trong khi sản phẩm của công ty dược khác cùng dạng phối hợp, cùng trúng thầu trong danh mục nhưng hàm lượng 1,5g + 1,5g giá rẻ hơn gần một nửa, chỉ còn 59.000 đồng/lọ. Thuốc Cefotaxim hàm lượng 1,5g (duy nhất trúng thầu trong danh mục) có giá 35.000 đồng/lọ, trong khi cùng hoạt chất, loại hàm lượng 1g chỉ có giá 9.350 - 25.000 đồng/lọ. Thuốc Ceftazidim hàm lượng 1,25g trúng thầu giá 59.000 đồng/lọ, trong khi Ceftazidim hàm lượng 1g cùng nguồn gốc VN, cùng danh mục trúng thầu chỉ có giá 30.000 đồng/lọ...

“Đi vòng” để nâng giá thuốc

Mặc dù Bộ Y tế đã có quy chế đấu thầu thuốc mới (tháng 4/2013) nhưng các doanh nghiệp vẫn mời các bệnh viện, sở y tế thầu các mặt hàng thuốc nhóm kháng sinh có hàm lượng thấp hơn quy định. Theo đại diện ngành bảo hiểm, đây là những kẽ hở mà BHXH VN đã thấy và đã kiến nghị với Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) để xem xét trong khi cấp số đăng ký nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết quả.

Một chiêu nâng giá thuốc nữa của các doanh nghiệp đang áp dụng là hiện tượng mua bán thuốc lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian. Theo thông tư hướng dẫn thí điểm quản lý giá thuốc của Bộ Y tế, từ ngày 1/4, doanh nghiệp chỉ được tính toàn bộ chi phí, lợi nhuận, lương nhân viên... trong khoảng 20 - 90% giá CIF/giá sản xuất ở 12 loại hoạt chất gồm 10 loại kháng sinh và 2 hoạt chất sử dụng điều trị ung thư. Tuy nhiên, do áp dụng thí điểm nên quy chế này mới áp dụng với 12 loại hoạt chất với khoảng 600 mặt hàng thuốc, trong khi thị trường hiện có tới trên 20.000 mặt hàng, số chưa được khống chế lãi trần nên tình trạng mua bán lòng vòng vẫn còn nhiều tại BV Bạch Mai, BV K Hà Nội…

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang lo ngại xu hướng thuốc tân dược Trung Quốc ngày càng nhiều trên thị trường thuốc VN vì giá rất rẻ. Cụ thể, trong danh mục trúng thầu của tỉnh Bình Dương có nhóm mặt hàng Ceftriaxone 1g của Qilu (Trung Quốc); danh mục trúng thầu của Hải Phòng có Conxime 0,75g của Shandong Hualu (Trung Quốc), Biloxim 1,5g của Shijiahuang (Trung Quốc), Cefuroxim lọ bột của Shenzhen Zhijum (Trung Quốc) trúng thầu; danh mục của Thừa Thiên - Huế có Tinidazol của Sichuan Kelun (Trung Quốc), Ampicilne + Sulbactam của Shandong (Trung Quốc) trúng thầu...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.