Cá tra Việt Nam là một trong những mặt hàng có xu hướng tăng mua mạnh nhất ở Trung Quốc. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ) |
Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị thủy sản của Việt Nam XK sang Trung Quốc là 543,164 triệu USD, tăng tới 55,02% so với cùng kỳ 2016.
Nếu tính các thị trường đơn lẻ, với giá trị XK như trên, Trung Quốc hiện đã trở thành thị trường lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản. Riêng về mức tăng trưởng, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu trong số 10 thị trường đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam và bỏ xa mức tăng trưởng của thị trường đứng thứ 2 là Nhật Bản (tăng 31,12%).
Bà Lê Hằng, PGĐ Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP (VASEP.PRO), cho biết, tiềm năng tăng trưởng XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn rất lớn trong những năm tới, nhất là với các mặt hàng tôm và cá tra. Do những khó khăn về rào cản, thị trường tại các thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, EU…, các DN thủy sản Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang thị trường Trung Quốc ngày càng nhiều.
Thực tế cho thấy Trung Quốc không chỉ là thị trường thay thế đầy tiềm năng, mà có thể trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam trong những năm tới, bởi nhu cầu NK thủy sản của nước này là rất lớn và đang có xu hướng tăng mạnh. Theo hải quan Trung Quốc, 6 tháng đầu năm nay, giá trị NK thủy sản của nước này là 4,2 tỷ USD, tăng 17% so cùng kỳ 2016. Dự kiến trong cả năm 2017, Trung Quốc sẽ NK 8 tỷ USD thủy sản, bằng với tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Trong những mặt hàng thủy sản mà Trung Quốc đang có xu hướng tăng mua mạnh nhất, có cá tra Việt Nam. Dự báo đến năm 2020, giá trị NK thủy sản của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD.
TS Yang Yong (Cty TNHH Guangzhou Nutriera Biotechnology – Trung Quốc), cũng cho biết Trung Quốc đang là thị trường có mức tăng trưởng NK thủy sản mạnh nhất trong số những thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới.
Sở dĩ Trung Quốc phải NK thủy sản với giá trị rất lớn như trên và đang tiếp tục tăng mạnh là do nguồn cung nội địa của nước này đang ngày càng không đáp ứng được so với nhu cầu. Về khai thác, Trung Quốc đang có chủ trương giảm đánh bắt từ tự nhiên để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nuôi trồng thủy sản ở Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn về nhân công, đất đai, dịch bệnh…
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc đang tăng rất mạnh. Sự gia tăng dân số, nhất là tăng tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu (dự kiến đến 2022, tầng lớp trung lưu chiếm 54% dân số Trung Quốc), làm gia tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Tiêu thụ thủy sản ở khu vực thành thị của Trung Quốc hiện đã vượt mức 40 kg/người/năm. Nhiều khả năng đến 2020, tiêu thụ thủy sản bình quân ở Trung Quốc sẽ đạt 35,9 kg/người.
Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu trong nước và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản XK, Chính phủ Trung Quốc đang có những chính sách khuyến khích NK thủy sản. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi cho việc XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những lợi thế lớn về vị trí địa lý, ưu đãi thuế quan trong ACFTA … Đặc biệt, 2 mặt hàng thủy sản có giá trị XK lớn nhất của Việt Nam là tôm và cá tra, đều đang có nhu cầu rất lớn từ Trung Quốc. Với mặt hàng tôm, Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam và là thị trường lớn nhất của con tôm sú. Còn với con cá tra, Việt Nam đang đứng thứ 4 trong số những nước cung cấp cá thịt trắng cho Trung Quốc.
Chính vì vậy, theo dự báo của VASEP, XK tôm và cá tra Việt Nam sang Trung Quốc trong những năm tới vẫn có dư địa tăng trưởng ở 2 con số, để đáp ứng nhu cầu tăng lên của tầng lớp trung lưu và bình dân ở nước này. Riêng với con cá tra, TS Yang Yong khẳng định, cá tra Việt Nam có nhiều ưu điểm như sức sống tốt, năng suất cao, đầu vào về dinh dưỡng thấp, thịt trắng, xương ít... Nếu chất lượng thịt (hương vị) và dinh dưỡng được cải thiện, thể hiện được sự khác biệt với cá rô phi và các loại cá thịt trắng khác, thì sẽ ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng sử dụng và phổ biến hơn.