| Hotline: 0983.970.780

Nhiều công trình nước sạch hư hại sau lũ

Thứ Ba 02/11/2010 , 09:49 (GMT+7)

Qua hai đợt mưa lũ, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều bị xói lở, ngập...

Qua hai đợt mưa lũ, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đều bị xói lở, ngập trạm bơm, các tuyến đường ống dẫn nước bị vỡ và cuốn trôi. Đời sống người dân vùng lũ rơi vào tình cảnh đã đói lại khát.

Theo báo cáo của Trung tâm NS- VSMTNT tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 21 công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng; hơn 30.000 giếng đào, giếng khoan bị thiệt hại do lũ; gần 100.000 nhà vệ sinh và chuồng trại bị hư hỏng; tổng thiệt hại ước tính khoảng 35 tỷ đồng.

Ngay sau lũ, một số địa phương đã kịp thời khắc phục một số hạng mục công trình như hàn nối các đoạn ống bị đứt, súc rửa và khơi thông các tuyến ống dẫn nước bị tắc; nạo vét bùn đất, cát, rác ra khỏi ngăn thu nước đầu nguồn và các bể chứa, lu chứa nước bị ngập; phơi sấy, sửa chữa máy bơm và hệ thống điện trạm bơm nhằm cấp nước trở lại cho người dân.

 Tuy nhiên, với việc bị thiệt hại trên diện rộng nên các công trình cấp nước tập trung, công trình dẫn nước tự chảy… trên địa bàn tỉnh rất cần sự chung tay góp sức của các ban ngành chức năng, góp phần giúp người dân vùng lũ có được nguồn nước sạch hợp vệ sinh để phục vụ sinh hoạt, sớm ổn định cuộc sống.

Theo chân các cán bộ của Trung tâm NS- VSMTNT tỉnh, chúng tôi về xã Quảng Tiên (Quảng Trạch) một địa phương nằm ven sông Gianh bị thiệt hại khá nặng nề sau hai trận “đại hồng thủy”. Trên các tuyến đường làng, ngõ xóm dấu tích thiệt hại do hai cơn lũ gây ra đối với người dân nơi đây vẫn còn hiện hữu. Người dân không chỉ thiệt hại về nhà cửa, lương thực, thực phẩm, giống cây trồng… mà nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt duy nhất của xã cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Công trình này được đầu tư xây dựng vào năm 2007, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt cho 500 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu ở xã Quảng Tiên. Ông Nguyễn Quang Phú, Trưởng BQL công trình cấp nước xã Quảng Tiên, cho biết: “Sau hai trận lũ lụt vừa qua, hơn 300 mét đường ống dẫn nước đã bị vỡ, đặc biệt là đoạn từ bể chứa vào nguồn thu nước đầu mối; đập dâng và hố thu nước cũng bị sạt lở và bị nước lũ cuốn trôi. Hiện công trình chỉ còn một tuyến đường ống dẫn nước vào bể chứa nên rất khó khăn trong việc cấp nước đầy đủ cho người dân".

Điều đáng nói trong khi các giếng đào trên địa bàn đều bị nhiễm mặn, trước tình trạng này Ban quản lý phải thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống phát thanh để khuyến cáo bà con sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý.

Ngoài những công trình cấp nước bị thiệt hại trên, một số công trình ở các xã Quảng Kim, Quảng Phúc, Quảng Thủy, Quảng Sơn (Quảng Trạch); Đức Hóa, Lâm Hóa, Kim Hóa (Tuyên Hóa); Tân Ninh, Duy Ninh (Quảng Ninh); Yên Hóa (Minh Hóa); Hải Trạch, Bắc Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch)… cũng bị hư hỏng do lũ lụt gây ra. Hiện Trung tâm NS- VSMTNT đã kịp thời hướng dẫn bà con nạo vét súc rửa giếng đào, giếng khoan, lu bể chứa nước mưa bị ngập lụt, xử lý nguồn nước hợp vệ sinh trước khi sử dụng.
Tại xã Cao Quảng (Tuyên Hóa), công trình cấp nước phục vụ cho 450 hộ của 6/9 thôn trên địa bàn cũng bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Tại 3 ngăn thu nước đầu nguồn của công trình có khoảng 100m2 đất đá bồi lấp; hơn 800 mét đường ống dẫn nước bị nước lũ làm đứt gãy, xói lở và cuốn trôi. Đời sống người dân đã vất vả sau con lũ nay lại khó khăn hơn khi phải thiếu sinh hoạt hợp vệ sinh, thói quen mà phải mất rất nhiều thời gian mới định hình được.

 Công trình cấp nước vừa mới xây dựng hoàn thành xã Liên Trạch (Bố Trạch), cũng bị nước lũ làm xói lở nghiêm trọng. Công trình trị giá 1,4 tỷ đồng này ngổn ngang những tấm bê tông của đập dâng và bể chứa nước bị nước lũ quăng ra xa hàng chục mét, hệ thống ống dẫn nước bị đá núi xô lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Người dân của thôn Phú Kinh và vùng trung tâm xã chưa trọn niềm vui được sử dụng nguồn nước sạch nay lại phải gồng mình thu dọn, sửa chữa lại công trình...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Được, GĐ Trung tâm NS- VSMTNT tỉnh nói như chia sẻ: “Sau hai trận lũ đời sống người dân lại khó khăn hơn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, nguy cơ dịch bệnh bùng phát sẽ luôn hiện hữu khi bà con phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Tuy một số đơn vị chức năng đã chuyển các hóa chất khử trùng nước như: túi lọc PUR, Cloramin B và Aquatabs nhưng đây chỉ là biện pháp áp dụng trong những trường hợp khẩn cấp và với thời gian ngắn. Còn về lâu dài cần triển khai kịp thời các biện pháp khắc phục thiệt hại đối với các công trình cấp nước trên địa bàn tỉnh nhằm nhanh chóng vận hành cấp nước trở lại cho nhân dân”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất