| Hotline: 0983.970.780

Nhiều dấu hiệu sai phạm dự án 'chung cư ông Thản', có hay không sự bao che, tiếp tay?

Thứ Hai 20/03/2017 , 10:05 (GMT+7)

Chuyển nhượng đất bất hợp pháp, khởi công xây dựng khi chưa nộp tiền sử dụng đất, Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản vi phạm hàng loạt các quy định Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…

Điều đáng chú ý là những vi phạm này diễn ra suốt một thời gian dài nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có hình thức xử lý. Một số cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội buông lỏng, thiếu trách nhiệm về quản lý đất đai...
 

Bất chấp luật pháp

Khu đô thị Đại Thanh nằm trên đường Phan Trọng Tuệ, dọc theo quốc lộ 70 thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, đi vào hoạt động khoảng 4 - 5 năm nay, gồm 6 tòa chung cư, biệt thự liền kề. Các tòa chung cư với các căn hộ giá rẻ từ 11 đến 15 triệu đồng/m2, diện tích 36 - 70m2.

14-37-44_nh1
Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh
 

Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình chức năng hỗn hợp Đại Thanh là liên doanh giữa Cty cổ phần Đầu tư Hải Phát và Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (DNTN Điện Biên) của ông Lê Thanh Thản.

Theo điều tra của NNVN, Khu đất xây dựng Dự án Đại Thanh tại xã Tả Thanh Oai có nguồn gốc là đất của Nhà nước cho Cty Gốm xây dựng Đại Thanh thuê 20 năm, tổng diện tích 127.903m2. Về việc chuyển nhượng dự án, ngày 30/10/2009, Cty CP Sản xuất và Thương mại Đại Thanh ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Cty CP Đầu tư Hải Phát.

Ngày 6/5/2010, Cty Hải Phát và Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ký hợp đồng góp vốn thực hiện đầu tư kinh doanh Dự án Đại Thanh, trong đó các bên ủy quyền cho Cty Hải Phát thay mặt các bên sử dụng pháp nhân đứng ra đàm phán với Cty CP Đại Thanh để ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ngày 26/7/2011, Cty Hải Phát và DNTN Điện Biên ký hợp đồng có nội dung chuyển nhượng toàn bộ số vốn góp cho DNTN Điện Biên để đơn vị này đầu tư 100% vốn triển khai thực hiện dự án.

Sau khi thực hiện các phi vụ chuyển nhượng, chủ đầu tư lập tức cho xây dựng ồ ạt các công trình phục vụ dự án, bất chấp các quy định của pháp luật.

Cụ thể, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đã phát hiện, tại thời điểm 31/3/2013, Cty Đại Thanh chưa kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng dự án.

Đến ngày 27/12/2013, Cty Hải Phát mới kê khai xác định số thuế phải nộp là 1.397 triệu đồng. Sau đó, Cty Đại Thanh cũng đã không nộp tiền thuê đất, nợ tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp đến ngày 19/12/2013 tổng số 35.085 triệu đồng.

Trong đó nợ tiền thuê đất 27.783 triệu đồng, tiền phạt chậm nộp là 35.085 triệu đồng. Đến ngày 21/8/2013, khi DNTN Điện Biên kế thừa trách nhiệm các bên tham gia dự án mới nộp tiền sử dụng đất vào NSNN 30.000 triệu đồng, hiện đang để tại tài khoản tạm giữ của Chi cục Thuế huyện Thanh Trì.

Bên cạnh các sai phạm rõ ràng của chủ đầu tư, việc thẩm định phê duyệt dự án, một số cơ quan chức năng thuộc UBND TP Hà Nội có những quyết sách tỏ rõ sự ưu ái cho DN.

Ngày 26/12/2006 UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 238/2006/QĐ-UBND về việc phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh. Ngày 29/1/2010, UBND TP Hà Nội có văn bản số 753/UBND-KH&ĐT chấp thuận cho Cty CP Hải Phát nghiên cứu lập và thực hiện dự án.

Trong đó nội dung: “Nhà đầu tư Cty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (đại diện liên danh) chỉ được quyền thực hiện dự án sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và các quy định hiện hành khác liên quan đến dự án. Nghiêm cấm việc huy động vốn để triển khai dự án không đúng quy định của pháp luật dưới mọi hình thức”.

Mặc dù đã răn đe rõ ràng như vậy, nhưng trong lúc chủ đầu tư chưa chấp hành, ngày 6/3/2012 UBND TP Hà Nội lại có Quyết định số 1066/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh - tỷ lệ 1/500, quy mô diện tích khoảng 15,8ha.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã phát hiện: “Dự án Đại Thanh được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho triển khai tháng 1/2010 là dự án phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 của Chính phủ. Trình tự, thủ tục cấp dự án đến nay, mới có văn bản của UBND thành phố chấp thuận cho nghiên cứu lập và thực hiện dự án.

Theo quy định của pháp luật, Dự án Đại Thanh còn tiếp tục phải thực hiện các thủ tục: phê duyệt dự án nhà ở, chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, nhận bàn giao đất ngoài thực địa, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…

Các điều kiện này thời điểm thanh tra chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên, DNTN Điện Biên vẫn triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đã hoàn thiện xong 6 khối nhà chung cư, các căn hộ liền kề, các biệt thự và đã bán hết cho các người mua”.

Như vậy, các bên tham gia dự án gồm Cty CP Đại Thanh, Cty CP Hải Phát và DNTN Điện Biên đã vi phạm hàng loạt các quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…

Và tất nhiên, kèm theo đó là các dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội, các dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách nhà nước nên Thanh tra Chính phủ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển hồ sơ cơ quan công an tiến hành điều tra.
 

Cố tình chây ì, gây thất thoát ngân sách nhà nước

Điều đáng lo ngại nhất, trong quá trình thanh tra, không chỉ riêng Dự án Đại Thanh nhờn pháp luật. Nguy hiểm hơn nữa, những dấu hiệu bao che, tiếp tay của các cơ quan quản lý nhà nước là khá rõ ràng.

Dự án xây dựng trụ sở Cty Cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Vinashin và Dự án xây dựng trụ sở Cty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin cũng xảy ra những vi phạm tương tự.

Ngày 11/6/2014 các chủ đầu tư ký với TCty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) để xây dựng trụ sở làm việc, tuy nhiên, khi thanh tra vào cuộc, các Cty vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất nhưng đã xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015.

Dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng tại Lô VP3, Dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vậy. Lô đất này có diện tích sử dụng chung 4.274,3m2, là đất thuê 50 năm với chức năng là đất nhà ở và văn phòng cho thuê được Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị chuyển giao hạ tầng cho Cty Cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes.

14-37-44_nh2
Chung cư VP3 của DN Bemes cũng sai phạm

 

Khi thanh tra sờ đến, Cty Bemes chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất nhưng đã xây dựng Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng tại Lô đất VP3 và chuyển nhượng các căn hộ cho người mua.

Đối với các vi phạm kiểu này đều có sự “tiếp tay” của cơ quan QLNN thuộc UBND TP Hà Nội. Thống kê đến ngày 31/12/2014, số tiền sử dụng đất các DN chưa nộp là 7.166.493 triệu đồng. Qua xác minh tại 27 DN, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện các DN kê khai thiếu thuế với số tiền 682.565 triệu đồng. Kết quả kiểm tra chống thất thu ngân sách chỉ rõ: Đặc biệt là một số DN đã chây ì, cố tình trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước như Cty CP Đại Thanh, Cty Bemes, DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên…

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội theo thẩm quyền tiến hành kiểm điểm các đơn vị, các cá nhân có liên quan đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất đai trên địa bàn, dẫn đến các chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước có nhiều vi phạm.

Yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện các giải pháp để rà soát và thực hiện ngay việc xác định nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư đã sử dụng đất của nhà nước trên địa bàn, đặc biệt là đối với các dự án chủ đầu tư cố ý trốn tránh, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ với nhà nước có vi phạm thì có giải pháp xử lý kiên quyết, kể cả xem xét trách nhiệm hình sự.

Không chỉ cố tình chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế, dự án của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản cố tình vi phạm trong quá trình xây dựng.

Trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Thành phố, Ban Cán sự TP Hà Nội đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy thông qua việc chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội thụ lý, truy tố theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của UBND xã Tả Thanh Oai, trong khoảng thời gian từ năm 2012 - 2016, cơ quan chức năng huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã rất nhiều lần tiến hành lập biên bản xử lý sai phạm và ban hành các quyết định xử phạt công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng tại dự án Đại Thanh; rất nhiều quyết định xử phạt, cưỡng chế áp dụng đối với chủ đầu tư là Cty Hải Phát (trụ sở tại Tọa nhà CT3 The Pride, Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội).

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm