| Hotline: 0983.970.780

Nhiều điểm phải làm rõ

Thứ Ba 20/11/2012 , 09:29 (GMT+7)

Với tổng số 52 ý kiến - nhiều hơn 13 ý kiến so với buổi thảo luận trước đó về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), buổi thảo luận hôm qua 19-11, nhiều ĐBQH cho rằng, nhiều khái niệm trong dự thảo luật phải được làm rõ...

* Không để người dân bị bần cùng hóa

Với tổng số 52 ý kiến - nhiều hơn 13 ý kiến so với buổi thảo luận trước đó về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), buổi thảo luận hôm qua 19-11, nhiều ĐBQH cho rằng, nhiều khái niệm trong dự thảo luật phải được làm rõ nếu không việc khiếu kiện, tiêu cực, tham nhũng trong đầu cơ đất đai vẫn tiếp tục, thậm chí không ít người dân mất đất bị bần cùng hóa.

Nhiều khái niệm chưa rõ

Được coi là ĐB có nhiều ý kiến hay trong nhiều buổi thảo luận, ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) nói: mặc dù ra đời từ năm 2003 nhưng Luật Đất đai hiện nay vẫn còn sơ hở các khái niệm như thế nào là đất hoang, thế nào là đất nông nghiệp, đất rừng, đất đồi rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở khiến cho nhiều nhóm đối tượng lợi dụng để trục lợi. Tiếp theo là việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi vì vấn đề này vừa là kinh tế, vừa xã hội, vừa là văn hóa, vừa vấn đề nhân văn, vấn đề đạo lý, thậm chí trách nhiệm của người đang còn sống với người đã qua đời. “Luật Đất đai hiện hành đang có 4 quy định sai là: sai quy hoạch, cấp đất sai thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích và sai khi gắn trách nhiệm của cấp xã, phường vào việc quản lý đất đai” - ĐB Cự nói.

Song, nhiều ĐB cùng cho rằng, bất cập lớn nhất của luật hiện hành là quy định về giá đất. Thay vì quy định giá đất khi đền bù cho dân phải “sát giá thị trường” như luật hiện hành, dự thảo lại nêu “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” - là vấn đề được ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) góp ý. Theo ĐB Sang, dự luật sửa đổi không sáng sủa gì hơn, tiếp tục tạo một sự mơ hồ và sẽ dẫn đến khiếu kiện mới nếu không làm rõ các khái niệm: "Phù hợp giá thị trường có gì khác với sát giá thị trường? Thế nào là phù hợp giá thị trường? Giá thị trường là thị trường ở thời điểm nào?". Ông Sang nói tiếp, lâu nay, bảng giá đất được công bố chỉ bằng 30-60% giá thị trường. Hà Nội và TP.HCM áp mức cao nhất trong bảng giá là 81 triệu đồng/m2, trong khi thực tế lên tới vài trăm triệu đồng/m2, Nhà nước thất thu còn người dân bị thiệt thòi quá mức, dẫn đến các phản ứng và khiếu kiện. Nguyên tắc mơ hồ này cũng là lý do dẫn đến quốc nạn tham nhũng.


Nhà nước thu hồi hàng trăm ha đất ở Lai Vu (Kim Thành - Hải Dương) rồi... bỏ hoang khiến dân bức xúc

Đồng quan điểm với ĐB Sang, ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) chỉ thêm rằng, tại sao người sử dụng đất không có quyền tự tổ chức bán đấu giá tài sản của mình trên đất và quyền sử dụng đất, nhà nước có thể tham gia việc đấu giá này nếu thấy cần thiết. Mặt khác cơ chế ra quyết định của nhà nước có đủ nhanh và linh hoạt không gây cản trở đến quyền quyết định về tài sản của người sử dụng đất không. Người sử dụng đất chắc chắn nếu thấy tài sản của mình được bán theo giá thị trường và được thanh toán nhanh chóng, tổ chức phát triển quỹ đất có quyền và có tiền để tự quyết định việc mua qua cạnh tranh với các người mua khác theo nguyên tắc thị trường, sử dụng quyền ưu tiên để ép giá và điều kiện thanh toán theo ý mình, gây thiệt hại cho người sử dụng đất. Nhà nước hoàn toàn có thể dùng công cụ quy hoạch để điều chỉnh việc sử dụng đất theo ý mình và phục vụ cho việc phát triển chung một cách hài hòa, hiệu quả. Quyền ưu tiên mua không được thực hiện minh bạch và công bằng, gây cản trở lớn đến các giao dịch dân sự và kinh tế thông thường và rất dễ phát sinh tiêu cực.

ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) phân tích: “Vừa qua việc thu hồi đất bằng các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước giống như là một hình thức... kỷ luật đối với người sử dụng đất. Thực chất người sử dụng đất không vi phạm mà vẫn bị thu hồi, để đảm bảo quyền bình đẳng của người bị thu hồi đất và người có quyền về giao đất, tôi thấy nên áp dụng cơ chế thu hồi bằng cơ chế trưng mua và trưng dụng". Về giá đất, theo ĐB Thành, nhà nước không cần quy định khung giá đất mà nên giao việc xây dựng bảng giá đất cho chính quyền cấp tỉnh để giá đất được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với thực tế ở địa phương.

Nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra tình trạng "vênh" giữa giá nhà nước và giá thị trường như lâu nay đã tạo cơ hội cho không ít quan tham trục lợi từ đất. Vì vậy, nguyên tắc "phù hợp với giá thị trường" cần phải được làm rõ để tránh tình trạng tù mù. Đồng thời phải có sự phân biệt giá đất trước và sau khi có quy hoạch dự án bởi giá cả khác xa nhau. Đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội Nhà nước không thu hồi đất mà chính các chủ đầu tư phải tự thương lượng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Lo sinh kế hợp lý chứ không phải ban ơn!

Nhiều ĐB phản ánh, gây bức xúc nhiều nhất cho dân là tình trạng bố trí công việc và tái định cư chưa hợp lý. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi cũng không đưa hướng xử lý mới. ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) phân tích tiếp, dân đã nhường đất cho nhà nước làm các dự án lớn song không được bố trí tái định cư hợp lý. Dự thảo luật cũng chỉ đưa ra nguyên tắc, "người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi được xem xét hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống". "Quy định như vậy vừa có phần xem nhẹ, vừa không ràng buộc trách nhiệm lại vừa thiếu cụ thể. Bởi "hỗ trợ" cũng có thể hiểu là sự ban ơn còn "được xem xét" có thể hiểu là có thể có, hoặc không, hoặc làm nhiều hay ít tùy ý", ông Sang nói. ĐB này đề nghị, nên bổ sung nguyên tắc, giá trị mà dân được nhận bồi thường khi nhà nước thu hồi đất dựa trên cơ sở sự bảo tồn tài sản và nguồn sinh kế cho dân. Theo đó, phải coi quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Trong trường hợp cần thiết thì nhà nước tổ chức trưng mua. Có như vậy mới đảm bảo để dân đến nơi ở mới vẫn được nhận các điều kiện bảo đảm công ăn việc làm và sinh sống như nơi ở cũ.

Đó cũng là góp ý của ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên). Theo ĐB Huệ, khi mất đất, tiền không phải vấn đề quan trọng nhất mà điều dân cần chính là công ăn việc làm. Với các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt khai khoáng thì cần đưa ra quy định về chia sẻ lợi ích. Theo đó, nên cân nhắc việc lập một tổ chức quan hệ cộng đồng để nghiên cứu tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Tổ chức này sẽ tồn tại ít nhất cho tới khi dự án được kết thúc.

Đừng biến người dân thành bần cùng hóa

ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) nhận thấy bất cập khi một điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi thì dự thảo luật lại chưa tính đến mà chỉ quy định chung chung: trường hợp bố trí vào khu tái định cư thì khu tái định cư phải bảo đảm có điều kiện kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. “Tôi cho rằng khi tính toán bồi thường tái định cư chúng ta phải tính toán đến điều đó, đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà thành không có nhà sau khi bị thu hồi đất” - ĐB Vinh nói.

+ ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Căn nguyên của mọi mâu thuẫn ở chỗ không quy định rõ thời hạn sử dụng đất có hiệu quả và tuân thủ mục đích có nhu cầu. Hiện có 4 luật đang liên quan đến Luật Đất đai là Luật Dân sự, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở và Luật Thị trường bất động sản. Vì vậy, nhà nước chỉ thu hồi sau khi giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của người dân để không xảy ra khiếu kiện.

+ ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ), thừa nhận có ý kiến trái chiều với phần lớn ĐB khi có đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) lần này quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất, tức là Nhà nước thành lập ra một tổ chức đứng ra thực hiện thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng và giải quyết tái định cư cho dân trên tất cả các dự án an ninh, quốc phòng, phúc lợi xã hội v.v... Bỏ quy định nhà đầu tư thỏa thuận với dân, để thực hiện tốt cơ chế này, Quốc hội, Chính phủ cần quy định có nguồn kinh phí để thực hiện bồi thường cho dân.

Để làm rõ nhận định của mình là có cơ sở, ĐB Vinh đưa ra một ví dụ: một gia đình có 4 nhân khẩu chung sống trong một căn hộ gắn liền với mảnh đất có diện tích khoảng 50m2, khi nhà nước thu hồi đất họ được bồi thường khoảng 400 triệu và được cấp một mảnh đất định cư gần 100m2 với hạ tầng kỹ thuật tốt nhưng phải nộp thêm 300 triệu đồng, vậy họ sẽ lấy đâu tiền để xây nhà. Lúc này phương án họ phải lựa chọn hoặc là phải vay tiền để xây nhà hoặc là phải bán lúa non để mua một mảnh đất khác phù hợp với túi tiền và thu nhập của họ, vô hình chung lại đẩy họ vào tình trạng bần cùng hóa, cuộc sống khó khăn hơn trước gấp nhiều lần.

Cũng giống như nhiều lần góp ý khác, rất nhiều ĐB đồng tình với dự thảo luật thời hạn giao đất là 50 năm với đất nông nghiệp. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đồng tình quy định khi giao đất nông nghiệp trong 50 năm. ĐB Vẻ còn kiến nghị: riêng hạn mức giao đất hàng năm, đối với ĐBSCL là 5ha và hạn mức sử dụng đất nên 50 năm trở lên. Đồng thời bỏ cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người có đất đang sử dụng.

Tất cả các dự án đang sử dụng theo đúng quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế đều được thực hiện theo hình thức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Những nhu cầu cần thiết, diện tích đất sử dụng đến đâu thu hồi đến đó, tránh bỏ hoang đất đai và phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Khi đã giải phóng mặt bằng xong, có đất sạch, Nhà nước tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện phân chia hài hòa giữa ba lợi ích: người có đất bị thu hồi, Nhà nước và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) lại e ngại quy định 50 năm này sẽ gây khó khăn với trẻ em sinh ra sau năm 1993 sẽ không được mét vuông đất nông nghiệp nào để làm ăn, sinh sống.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất