| Hotline: 0983.970.780

Nhiều lãnh đạo đại học kiến nghị cải tổ kỳ thi THPT

Thứ Sáu 20/07/2018 , 14:44 (GMT+7)

Không tin tưởng việc chấm thi ở địa phương, lãnh đạo nhiều đại học cho rằng Bộ Giáo dục nên tổ chức chấm, tiến tới bỏ thi THPT quốc gia. 

Sự việc ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh, cùng dấu hiệu bất thường ở Sơn La, Lạng Sơn khiến nhiều lãnh đạo đại học đặt dấu hỏi về tính trung thực, công bằng của kỳ thi trên cả nước.

Mất lòng tin về công tác chấm thi

Tại Hà Nội, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi Nguyễn Tuấn Anh cho biết, từ báo cáo của cán bộ trường tham gia coi thi ở Thanh Hóa và đồng nghiệp trường khác, ông yên tâm công tác thi THPT quốc gia được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, sau việc gian lận chấm thi ở Hà Giang và những nghi vấn về điểm cao bất thường ở tỉnh khác, ông mất lòng tin vào công tác chấm thi. 

Giải pháp trước mắt cho kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, theo ông Tuấn Anh là chuyển khâu chấm thi cho đại học, hoặc Bộ Giáo dục trực tiếp làm. Về lâu dài, Bộ nên giao việc xét tốt nghiệp THPT cho địa phương, xét tuyển đại học cho các trường. Tuy nhiên, cần có cách làm khác trước đây vì nếu mỗi đại học tổ chức một kỳ thi riêng sẽ vất vả cho thí sinh, phụ huynh khi phải dự thi nhiều lần, tốn kém chi phí, thời gian đi lại, ăn ở.

Trường THPT chuyên Hà Giang, nơi bị phát hiện có nhiều thí sinh được nâng điểm. Ảnh: Dương Tâm.

Lãnh đạo một đại học lớn ở Hà Nội cho rằng sự việc ở Hà Giang và một số tỉnh có dấu hiệu bất thường rất khó chấp nhận. Bộ Giáo dục đã phản ứng chậm trước những dấu hiệu bất thường sau khi công bố điểm thi. Lẽ ra, Bộ phải tiên phong kiểm tra và phát hiện, không đợi dư luận lên tiếng mới chạy theo.

"Tiêu cực ở Hà Giang đã bộc lộ một lỗ hổng lớn của kỳ thi THPT quốc gia mà nếu duy trì thế này thì không trường nào dám sử dụng kết quả để tuyển sinh. Yếu tố kỹ thuật ở kỳ thi hạn chế khi chuyển dữ liệu trắc nghiệm sang file dạng text chứ không phải dạng ảnh, yếu tố giám sát chưa chặt chẽ", ông phân tích.

Theo ông, kỳ thi THPT quốc gia trong năm sau nếu được duy trì phải trả về cho các đại học chủ trì hoặc thành lập trung tâm khảo thí để tổ chức, giám sát và chấm thi. Việc giao hẳn cho tỉnh tổ chức kỳ thi này rõ ràng đã bộc lộ hạn chế.

Tại TP HCM, trưởng phòng đào tạo một đại học top trên cho rằng, tiêu cực ở Hà Giang sẽ khiến các trường nhìn lại phương án tuyển sinh của mình, không được quá phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia. Các đại học phải có ít nhất một phương án tuyển sinh bằng kỳ thi hoặc những tiêu chí riêng, bên cạnh kết quả thi THPT quốc gia và học bạ, để chọn được thí sinh phù hợp.

Là người tham gia tổ chức thi THPT quốc gia ở các tỉnh nhiều năm, trưởng phòng đào tạo này khẳng định công tác coi thi ở các địa phương là nghiêm túc. Kẽ hở của kỳ thi này là khâu chấm thi, mà nguyên nhân chính là người tham gia không tuân thủ quy định. 

"Bất cứ hành động nào liên quan đến bài thi đều có nhiều thành phần giám sát, tại sao ở Hà Giang một mình ông Lương thực hiện hành vi sửa điểm trót lọt như vậy? Rõ ràng đây là yếu tố con người, giám sát không chặt chẽ thì tiêu cực chắc chắn xảy ra", ông nhận định.

Nên xem xét bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1

Với gần 20 năm kinh nghiệm dạy học và làm thi, giảng viên một đại học ở Hà Nội cho rằng, Bộ Giáo dục cần trả kỳ thi tốt nghiệp về cho các tỉnh thành ngay sau mùa thi. Không vì tiêu chí công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ ôm đồm kỳ thi "2 trong 1" ít hiệu quả, khi chỉ để tìm ra 2-3% học sinh rớt tốt nghiệp.

Theo ông, chất lượng giáo dục ở bậc THPT không thể cào bằng mà có sự phân tầng, xếp hạng và tự chịu trách nhiệm về đầu ra. Muốn vậy, ngành giáo dục cần có bảng xếp hạng các trường THPT, công khai thông tin phổ điểm và xếp hạng theo lớp, học sinh và giáo viên. Việc xếp hạng và công khai xếp hạng sẽ làm cho giáo viên THPT bớt cả nể khi đánh giá học trò. Nghĩa là nếu kết quả của học sinh cao nhưng so sánh phổ tương quan lại thấp thì giáo viên sẽ bị xem xét trách nhiệm và đánh giá lại năng lực.

Về tuyển sinh đại học, theo giảng viên này, giao hẳn để các trường tự chủ là giải pháp tốt nhất ngăn ngừa tiêu cực. Khi các đại học tự chủ được đề thi và việc coi thi, họ phải có trách nhiệm hơn với đầu vào của mình, tiêu cực kiểu như kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi khó có thể xảy ra. Bộ có ban đề thi, các trường hoặc nhóm trường đặt hàng theo tiêu chí riêng để nhận được một gói đề theo yêu cầu và bốc thăm ngẫu nhiên. 

TS Lê Văn Út (Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM) cho rằng, Bộ Giáo dục nên xem lại độ khách quan, công bằng của kỳ thi THPT quốc gia nếu giao toàn bộ cho địa phương chủ trì như hai năm qua.

Về ngắn hạn, kỳ thi THPT quốc gia nếu tiếp tục diễn ra thì Bộ nên giao tỉnh thành và các đại học phối hợp tổ chức, coi thi, nhưng đến khâu chấm thi, Bộ cần chủ trì. Bộ có thể tổ chức bằng cách lập ra các cụm đại học và giao trách nhiệm chấm thi cho các trường này. Việc đại học chấm thi sẽ tăng tính khách quan và giảm thiểu nhiều tiêu cực.

"Về lâu dài, Bộ Giáo dục cần xem xét việc nên hay không duy trì kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 như hiện nay. Nếu không khả thi và hiệu quả nữa, hãy để các đại học tự chủ tuyển sinh bằng cách riêng của mình và để họ tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra", ông Út đề xuất.

PGS Nguyễn Thiện Tống (nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM) cho rằng sự việc ở Hà Giang cho thấy hạn chế rõ rệt của kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 khi mục tiêu không thành. Việc nâng điểm ở Hà Giang quá lộ liễu, mức điểm được nâng quá cao, từ đó mới bị nghi ngờ, điều tra và phát hiện. "Với những hành vi gian dối ở mức độ nhẹ hơn, người ta chỉ nâng 1-2 điểm để từ kém lên trung bình, liệu có bị phát hiện?", ông đặt câu hỏi.

Theo ông, nếu tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1 như hiện nay, cần kết hợp kết quả kỳ thi này với quá trình học tập ít nhất là 3 năm THPT. Sự so sánh giữa một kỳ thi chung quốc gia với đánh giá của từng địa phương, vốn chưa đồng đều trên cả nước như hiện nay, là cần thiết. 

Ngay trong một địa phương, cũng cần một hệ quy chiếu chất lượng học sinh giữa các trường. Chẳng hạn, một học sinh ở trường chuyên đạt được 6 điểm có thể tương đương với điểm 8 ở một trường thường, trường top dưới. Đây là cách đánh giá được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và Việt Nam nên học hỏi.

Về lâu dàu, theo ông Tống, nên trả việc công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương và trả kỳ tuyển sinh cho các đại học. Những giải pháp này theo ông nhìn chung trên đều có ưu, nhược riêng đã được mổ xẻ nhiều năm qua. "Mấu chốt của chuyện thi cử này là con người, chỉ cần một hay một nhóm người suy thoái, có mưu đồ toan tính sẽ phá hỏng tất cả. Gốc rễ để thay đổi và hạn chế tiêu cực là đổi mới từ chương trình học và phương pháp đánh giá học sinh", ông nhận định. 

Thí sinh điểm cao, học lực kém sẽ bị đào thải 

Lãnh đạo một đại học lớn ở Hà Nội cho rằng, sự việc vừa qua làm mất lòng tin và chất lượng kỳ thi nhưng không quá ảnh hưởng đến chất lượng thí sinh của trường. Bởi với cách nâng điểm quá đà như Hà Giang, thí sinh dù trúng vào đại học lớn cũng không đủ sức theo học và bị đào thải. Thêm nữa, vùng tuyển sinh của trường nhiều năm nay là các tỉnh lân cận Hà Nội, vốn có chất lượng học sinh tốt và tổ chức kỳ thi nghiêm túc. 

Trưởng phòng đào tạo một đại học top trên ở TP HCM cho rằng các tiêu chí khắt khe trong quá trình học tập sẽ đào thải sinh viên kém. Do đó, việc một thí sinh học lực kém nhờ nâng điểm để vào trường lớn, sớm muộn sẽ bộc lộ nên trường sẽ không lo ngại tuyển phải những em này. 

Về những bất thường trong kết quả thi ở nhiều tỉnh thành, ông khẳng định điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tuyển sinh và chất lượng đào tạo của trường. Bởi những thí sinh được nâng điểm không ở diện rộng, mà chỉ tập trung ở một số cá nhân nào đó. Không thể nhìn vào một nhóm người để nghi ngờ chất lượng của thí sinh địa phương đó hay cả nước.

Năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu được tổ chức với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong hai năm 2015-2016, thí sinh dồn về một số cụm thi lớn, do các trường đại học chủ trì. Thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ do Sở Giáo dục địa phương chủ trì.

Từ năm 2016, kỳ thi THPT quốc gia đổi mới theo hướng trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Sở Giáo dục chủ trì tổ chức với sự tham gia của các đại học. Thí sinh thi ngay tại địa phương mình.

 

(vnexpress.net)

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.