| Hotline: 0983.970.780

Nhiều mô hình hiệu quả ở Vĩnh Long

Thứ Sáu 07/03/2014 , 11:51 (GMT+7)

Các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Vĩnh Long đã triển khai nhiều dự án đạt kết quả tốt, tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

Đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi cơ cấu SX phù hợp điều kiện sinh thái địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao, các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Vĩnh Long đã triển khai nhiều dự án đạt kết quả tốt, tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi.

Trồng màu trên đất lúa

Mô hình được thực hiện nhằm khuyến cáo nông dân đưa cây màu phù hợp vào luân canh trên đất lúa để tăng hiệu quả kinh tế. Để đạt năng suất cao bà con áp dụng tốt kỹ thuật canh tác tiến bộ như sử dụng màng phủ, trồng mật độ thưa, sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng quy định, sử dụng giống lai F1 như bắp nếp Wax 48, dưa hấu Thành Long 522 , ớt sừng vàng.

Tất cả các cây màu trên đưa vào mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so lúa cùng vụ ở tại địa phương. Mức cao hơn từ 2,4 - 5 lần so với lúa. Cụ thể dưa hấu (năng suất 2,2 tấn/ha ) thu lãi 50,2 - 70,3 triệu đ/ha, bắp nếp (năng suất 16,3 tấn/ha ) thu lãi từ 24 - 31 triệu đ/ha.

Cá biệt, đối với ớt, một số hộ ở huyện Trà Ôn trồng vụ nghịch (năng suất đạt 15 tấn/ha) và thu hoạch vào thời điểm giá bán cao nên nông dân có lời nhiều gần 250 triệu đ/ha, gấp 12 lần so với trồng lúa.

Cải xà lách xoong

Thị xã Bình Minh không chỉ nổi tiếng về loại trái cây đặc sản bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa mà còn được biết đến với loại rau truyền thống xà lách xoong ở Thuận An. Cây rau được xếp vào hàng cho thu nhập khá cao nên được nhiều nông dân địa phương đầu tư chuyên canh. Diện tích SX tăng dần, đến năm 2013 toàn huyện có 110 ha, trồng tập trung ở nhiều xã Đông Bình và các ấp Thuận Phú A, Thuận Phú B, Thuận Tiến, Thuận Tân (xã Thuận An).

Loại cải này chu kỳ thu hoạch bình quân 2 tháng/lứa, mỗi năm được 6 - 7 lứa, năng suất 1 lần thu hoạch được 9 tấn/ha (mùa thuận từ tháng 10 - 2 ÂL, cắt mỗi đợt có thể từ 1,2 - 1,3 tấn/công, mùa nghịch từ tháng 3 - 9 ÂL từ 600 - 700 kg/công), giá bán 15.000 - 25.000 đ/kg. Sau khi trừ hết chi phí lãi từ 125 - 200 triệu đ/ha/năm.

Xã đã thành lập HTX cải xà lách xoong an toàn Thuận An. HTX được sử dụng độc quyền địa danh Bình Minh để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Xà lách xoong Bình Minh”.

Khoai lang

Cây khoai lang đang từng bước trở thành một mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu ở huyện Bình Tân. Nhờ khoai lang, nhiều hộ nông dân trở thành tỷ phú cũng như các hộ nghèo đã có cuộc sống khá hơn. Hiện tại, nông dân Bình Tân đang thực hiện trồng khoai lang theo hướng GlobalGAP, tiến tới xây dựng thương hiệu “Khoai lang Bình Tân”.

Việc phát triển diện tích đất trồng khoai lang ở huyện Bình Tân thời gian qua nhìn chung là phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu SX, góp phần đẩy mạnh việc đưa cây màu xuống ruộng để tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Bình Tân là huyện có diện tích trồng khoai lang lớn nhất tỉnh Vĩnh Long và cả miền Tây với 4.834 ha, chiếm gần 97% diện tích trồng khoai của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã Thành Trung, Thành Đông, Thành Lợi và một ít ở các xã còn lại. Giống được trồng nhiều nhất là khoai tím Nhật, khoai bí đường xanh, khoai lang trắng và khoai sữa. 

Giá khoai năm nay có phần khả quan hơn, từ 710.000 - 750.000 đ/tạ, do được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Hong Kong, Campuchia, Thái Lan.

Trồng khoai lang gần đây năng suất đạt cao từ 3,3 - 4,2 tấn/1.000 m2 là nhờ nông dân áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, năng suất tăng từ 0,3 - 1 tấn/1.000 m2 so với vụ khoai năm 2012. Chi phí đầu tư khoảng 60 - 80 triệu đ/ha/vụ (vụ khoai 4 tháng). Nếu giá bán dao động 470.000 - 600.000 đ/tạ; sau khi trừ hết chi phí có lãi 15 - 17 triệu đ/1.000 m2 (theo nhận định của đa số nông dân trồng khoai ở huyện Bình Tân).

Hiện khoai lang đã được chứng nhận GlobalGAP (ngày 26/4/2013) cho 10 nông hộ với diện tích 15,635 ha, nhưng so với diện tích cả huyện thì rất lớn. Để đảm bảo chất lượng, sản phẩm thì người trồng khoai cần áp dụng tốt TBKT để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu.

Chủ trương của ngành nông nghiệp là trồng khoai lang luân canh với lúa, song nông dân chỉ trồng khoai trong nhiều năm liền, dẫn đến đất cằn cỗi, sâu bệnh hoành hành. Bên cạnh đó, giá khoai lang biến động liên tục, hết tăng rồi lại giảm, thị trường tiêu thụ nước ngoài chưa ổn định, người trồng cần cân nhắc kỹ khi mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Chăn nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học

Trong năm 2013, Vĩnh Long đã xây dựng và thực hiện được 6 điểm nuôi heo đệm lót sinh học theo hướng VietGAP với diện tích đệm lót từ 180 - 200 m2 và 8.800 con gà/29 điểm với diện tích đệm lót khoảng 1.500 m2 ở 6 huyện: Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn và Mang Thít.

Qua kết quả đánh giá của hộ chăn nuôi cho thấy chế phẩm Balasa-N01 trong đệm lót sẽ làm phân giải nước tiểu, phân thải ra, mùi hôi thối không còn, hạn chế ruồi nhặng. Đặc biệt, không phải thay chất đệm trong suốt quá trình chăn nuôi, giảm công dọn chuồng và nguyên liệu làm chất đệm, giảm tỷ lệ mắc bệnh, heo, gà khỏe mạnh, hạn chế thức ăn, tăng trọng nhanh, hạn chế được khâu chăm sóc góp phần đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Riêng mô hình gà sau khi trừ hết các khoản chi phí về giống, thức ăn, thú y… người nuôi thu lợi từ 35.000 - 50.000 đ/con. Nếu bình quân mỗi hộ nuôi 300 con/lứa, thì khi xuất bán sẽ cho lãi từ 10,5 - 15 triệu đồng. Đệm lót sinh học đang được người chăn nuôi dần chấp nhận. Trong năm 2014 sẽ tiếp tục áp dụng mô hình nuôi vịt thit trên đệm lót sinh học.

Nuôi thủy sản

Mô hình này giúp các hộ dân thấy được lợi ích của việc nuôi thủy đặc sản có giá trị kinh tế khi ít đất SX, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống. Cụ thể mô hình “Nuôi cá tra trong ao đất theo quy trình VietGAP” quy mô 1 ha/2 hộ. Sau thời gian nuôi 8 tháng trọng lượng đạt 400 - 600 gr/con. Tỷ lệ nuôi sống đạt 83%; năng suất 250 tấn/ha. Lãi ước đạt 200 - 250 triệu đ/ha.

Mô hình nuôi cá lóc quy mô 64.000 con/16 điểm, diện tích nuôi 50 m2/điểm, số lượng thả nuôi 4.000 con/điểm, tỷ lệ nuôi sống 60%, năng suất đạt 700 kg/điểm. Lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí là 5.080.000 đồng/điểm sau thời gian nuôi 5 tháng.

Mô hình nuôi ếch quy mô 18.000 con/12 điểm, 30 m2/điểm, mật độ thả 50 con/m2, số lượng thả 1.500 con/điểm, tỷ lệ nuôi sống 60%, năng suất đạt 210 kg/điểm. Lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí là 1.230.000 đồng/điểm sau thời gian nuôi 4 tháng…

Hoa kiểng, cây cảnh

Để phát triển mô hình nông nghiệp bền vững trong thời gian tới thì việc trồng hoa kiểng, cây cảnh cũng có xu hướng phát triển mạnh theo hướng hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và thị hiếu người tiêu dùng. Toàn tỉnh có 32 câu lạc bộ sinh vật cảnh với hơn 400 thành viên, 651 điểm SXKD sinh vật cảnh; 23.186 hộ trồng hoa kiểng với diện tích trên 290.38 ha.

Đặc biệt, làng mai vàng Phước Định có hàng vạn cây mai vàng lớn, nhỏ cho doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đây là một trong những mô hình bền vững vừa tạo điều kiện để địa phương mở rộng, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định đời sống từ nhiều năm qua và tiếp tục ổn định thời gian tới.

Riêng mô hình khuyến nông đô thị đã giúp TP Vĩnh Long, thị xã Bình Minh phát triển mạnh trồng hoa phong lan (cắt bán cành), kim thanh mai bonsai; nuôi cá kiểng, hoa cúc đồng tiền, nuôi rắn ri voi, ươn, ba ba, ếch, trồng rau thủy canh, rau mầm… Tuy quy mô nhỏ, phân tán nhưng bước đầu đã góp phần định hướng cho việc chuyến đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện SX nông nghiệp đô thị. 

Thực tế SX những năm qua đã khẳng định, chuyển đổi cơ cấu, phương thức canh tác phù hợp điều kiện sinh thái, khả năng đầu tư và đáp ứng nhu cầu thị trường luôn đạt kết quả tốt.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.