| Hotline: 0983.970.780

Nhiều tỉnh chú trọng phát triển đàn trâu

Thứ Sáu 05/09/2008 , 10:30 (GMT+7)

Số lượng đàn trâu Việt Nam trong giai đoạn 2001-2007 có tốc độ tăng trưởng bình quân 0,77%/năm.

Số lượng đàn trâu Việt Nam trong giai đoạn 2001-2007 có tốc độ tăng trưởng bình quân 0,77%/năm. Tổng đàn trâu cả nước tăng từ 2,81 triệu con năm 2001 lên 2,99 triệu con năm 2007; các vùng Tây Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tốc độ tăng tương ứng là 5,1%, 1,85%, 5,18% và 6,44%/năm; vùng Đông Bắc tăng 0,4%; trong khi đó, Đông Nam bộ và ĐBSCL  giảm 6,31%/năm và 6,49%/năm, đặc biệt vùng đồng bằng sông Hồng giảm mạnh – 9,81%.

Theo TS. Đỗ Kim Tuyên, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT): Trâu có ưu điểm dễ nuôi, sử dụng thức ăn đa dạng, chịu đựng kham khổ tốt, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và chống đỡ bệnh tật cao. Đồng thời trâu có thể tận dụng được nhiều loại cỏ, lá cây, một số loại cỏ nước và phế phụ phẩm của trồng trọt mà các gia súc khác kể cả bò cũng không sử dụng được. Phát triển chăn nuôi trâu góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Trong giai đoạn từ nay đến 2020, duy trì đàn trâu cả nước ổn định khoảng 3 triệu con, nâng cao khả năng cho thịt của trâu bằng thụ tinh nhân tạo và cấy phôi để tạo ra 500 – 1.000 con lai F1 50% máu Murrah mỗi năm.

Mặc dù cho đến nay chưa có chính sách quốc gia về phát triển chăn nuôi trâu, nhưng do vai trò của con trâu nên nhiều địa phương có chính sách nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu để giải quyết một phần sức kéo, phân bón cho trồng trọt và đáp ứng nhu cầu thịt tiêu dùng của người dân đồng thời khai thác tiềm năng tự nhiên và lợi thế của con trâu so với vật nuôi khác.

Bà Nguyễn Thị Ngà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Nguyên cho biết: Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/trâu đực giống nội đạt tiêu chuẩn, có trọng lượng từ 450 kg trở lên; 6 triệu đồng/trâu đực lai F1 Murrah có trọng lượng từ 450 kg trở lên cho chủ hộ theo cam kết chủ dự án; hỗ trợ 100.000đ/trâu cái phối giống đạt kết quả bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; hỗ trợ chủ trang trại chăn nuôi trâu cái với quy mô từ 10 con trở lên với mức 300.000đ/con; các chủ trang trại được vay vốn ngân hàng thương mại để mua trâu, xây dựng chuồng trại với mức 5 triệu đồng/con, thời hạn 3-5 năm.

Nhờ vậy, từ năm 2006 đến nay, Thái Nguyên đã xây dựng được 13 mô hình chăn nuôi trâu đực giống; 10 mô hình chăn nuôi trâu trang trại quy mô từ 10 trâu nái sinh sản trở lên; 10 mô hình trồng và chế biến thức ăn thô xanh chăn nuôi trâu; 60 mô hình chăn nuôi trâu đực giống theo chương trình cải tiến nâng cao chất lượng giống trâu thịt.

Tỉnh Hà Giang, hỗ trợ 1,2 triệu đồng đối với trâu đực giống có số lần giao phối đạt kết quả 18 – 20 lần/năm, 60.000đ cho mỗi lần phối giống đạt kết quả; phát triển đàn trâu thương phẩm, mỗi hộ được vay 10 đến 20 triệu đồng để mua 3 – 5 con, hỗ trợ 50% lãi suất trong 24 tháng kể từ ngày vay. Hộ nghèo chưa có trâu được vay 5 triệu đồng để mua trâu sinh sản, được hỗ trợ 50% lãi suất trong 36 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết.

Tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ nuôi trâu, bò đực giống đã qua bình tuyển 600.000đ/con/năm; hỗ trợ 100% tiền giống cỏ trong năm đầu tiên, hỗ trợ tiền mua vắc xin tiêm phòng theo quy định…

Để phát triển đàn trâu, TS Tuyên cho rằng, nên chăn nuôi theo hướng trang trại thâm canh nhỏ và vừa tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, đồng thời khai thác và sử dụng có hiệu quả các điều kiện tự nhiên kinh tế-xã hội của địa phương. Phổ biến kỹ thuật chăn nuôi trâu thâm canh và quy trình kỹ thuật vỗ béo trước khi giết thịt.

Các địa phương quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu phải gắn với các vùng sinh thái, đồng cỏ, vùng có phụ phẩm nông, công nghiệp. Xây dựng các làng văn hoá truyền thống kết hợp du lịch sinh thái tại các vùng chăn nuôi trâu tốt. Duy trì và phát huy các lễ hội về trâu của các địa phương. Hỗ trợ và khuyến khích các hội thi trâu giống tốt các cấp. Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi trâu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học… nhằm tạo ra những bước đột phá mới về năng suất, chất lượng đàn trâu nước ta; nghiên cứu chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu; tăng cường năng lực cho công tác nghiên cứu cho các cơ sở nghiên cứu. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ nghiên cứu, quản lý giống và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển ngành chăn nuôi trâu…

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất