| Hotline: 0983.970.780

Nhiều vấn đề quốc kế dân sinh đặt lên bàn nghị sự

Thứ Ba 30/10/2018 , 18:25 (GMT+7)

Cả ngày 30/10, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn không theo nhóm vấn đề như thông lệ mà các ĐBQH trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định HTXNN là thành tố hạt nhân phát triển nông nghiệp

Thành viên Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực quản lý đều đăng đàn trả lời vấn đề ĐBQH nêu lên.

Sau 5 năm lời hứa của Bộ trưởng vẫn còn đó!

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) nêu câu hỏi, tại kỳ họp thứ 3, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ TN-MT về giải pháp của Bộ trưởng trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Đáy và được Bộ trưởng trả lời, hứa giải quyết, phấn đấu sau 5 năm sẽ trở lại màu xanh trong cho dòng sông.

Tuy nhiên tình trạng xả thải từ Hà Nội vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị Bộ trưởng cho biết về quan điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ, sông Đáy như thế nào? Có quyết tâm thực hiện không? Lý do tại sao chưa được giải quyết?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, việc giải quyết môi trường của các sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch có những điều kiện. Về quan điểm là là phải xử lý tại nguồn, người gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý. Trên thực tế, theo các thống kê thì vấn đề ô nhiễm của các dòng sông này có liên quan đến các địa phương, đặc biệt là các địa phương như là Hà Nội, nguồn nước chưa xử lý là nguồn nước sinh hoạt, rồi từ Hòa Bình chảy về Hà Nam thì như vậy cho thấy trách nhiệm là các địa phương.

“Cho đến hiện nay, cơ chế quy hợp có thể nói là chưa hiệu quả, hiện nay chưa bố trí được nguồn lực, vấn đề công nghệ nào để xử lý đối với nước thải sinh hoạt trong điều kiện hiện nay chưa thu gom và xử lý tập trung”, Bộ trưởng Hà nói.

Từ góc độ này, Bộ trưởng Bộ TN-MT khuyến nghị việc xử lý nhà nước phải chịu trách nhiệm ở góc độ các chính quyền địa phương cần bố trí đánh giá các nguồn thải và lựa chọn các mô hình để xử lý. Mô hình hiện nay công nghệ không phải khó, thực tế thành phố Hà Nội đã có 2 - 3 mô hình xử lý trên từng đoạn sông và các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Với mô hình này nếu chúng ta tính toán chi phí từ nhà nước, trong đó có sự tham gia của các đối tượng là từ người dân, từ làng nghề, những người sản xuất thì chúng ta hoàn toàn tính toán để thu hút xã hội hóa để xử lý.

Có mấy vướng mắc, hiện nay là nhiều doanh nghiệp muốn vào nhưng thực tế việc lựa chọn đối tác công tư các quy trình, thủ tục đấu giá không khác với nguồn vốn nhà nước nên cũng cản trở, làm chậm đi việc thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Sau trả lời của Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, như vậy, trách nhiệm giải quyết ô nhiễm môi trường của sông Đáy, sông Nhuệ thì Chính phủ, cụ thể là Bộ TN-MT sẽ chịu trách nhiệm, nhưng các địa phương trên 2 dòng sông này cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường và cơ chế phối hợp. Đề nghị Bộ trưởng qua câu hỏi của đại biểu Trần Tất Thế phải về rà soát lại trách nhiệm của Bộ như thế nào và của các địa phương như thế nào? Bộ đã làm tròn trách nhiệm nhưng các địa phương chưa phối hợp tốt và chưa chung tay cùng Chính phủ để bảo vệ các dòng sông này.

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Công Định (Long An) về những vấn đề liên quan đến HTX như chưa phát triển được như Luật HTX đặt ra, đâu là nguyên nhân và giải pháp? Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời rằng, HTXNN là thành tố không chỉ quan trọng trong giai đoạn này mà còn cả trong thời gian tới.

“Chúng tôi xác định HTXNN là thành tố hạt nhân phát triển nông nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh và nói, năm 2012 Luật HTX được thông qua và đến nay đã có 13.120 HTX được hình thành, trong đó ĐBSCL có tỷ lệ cao, Sóc Trăng đã có 1.200 thành viên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn phải phấn đấu, vì trong số 13.120 HTX có đến 1/3 là số HTX cũ chuyển sang. Với quyết tâm của toàn ngành thì cố gắng sẽ có đến 15.000 HTX như mục tiêu đề ra.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) nêu vấn đề nhà ở đối với công nhân hiện nay còn rất khiêm tốn. Đề nghị Chính phủ cho biết những chính sách và giải pháp mới hiệu quả để khắc phục tình trạng này?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời rằng, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cố gắng và thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở cho các hộ nghèo đô thị và khoảng 2 triệu m2 cho nhà ở công nhân.

Tuy có cố gắng nhiều, nhưng so với yêu cầu thì chúng ta đạt rất thấp. Hiện nay, tổng số đạt được khoảng 3,8 triệu m2 trên yêu cầu là 10 triệu m2.

Giải pháp mà ông Hà cho là đột phá đấy là phải bố trí đủ vốn ngân sách để hỗ trợ cho người mua nhà vay, trong đó có công nhân. Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm vừa rồi, mới bố trí được 1.200 tỷ, trong khi nhu cầu thực tế khoảng 9 nghìn tỷ đồng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất