| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại sản xuất lúa xuân

Thứ Sáu 04/11/2011 , 11:54 (GMT+7)

Thời tiết vụ xuân 2011 diễn biến rất phức tạp, thậm chí nhiều lúc đi ngược quy luật thời tiết vùng châu thổ sông Hồng...

Thời tiết vụ xuân 2011 diễn biến rất phức tạp, thậm chí nhiều lúc đi ngược quy luật thời tiết vùng châu thổ sông Hồng, gây khó khăn lớn cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy cần đánh giá thực tiễn và đúc rút kinh nghiệm trong ứng dụng kỹ thuật và chỉ đạo sản xuất.

Giống lúa: Vụ xuân 2011 đạt năng suất lúa cao nhất từ trước tới nay. Điều đó cho thấy sản xuất hiện tại chưa khai thác hết tiềm năng năng suất các giống, cả lúa thuần và lúa lai. Trong đó, các giống lúa lai có sức chống chịu tốt hơn với sâu bệnh và ngoại cảnh bất thuận, cho năng suất cao và khá ổn định.

Thời vụ:

Các yếu tố thời tiết ảnh hưởng sinh trưởng phát triển cây trồng vụ xuân chủ yếu do 2 tác nhân chính là nhiệt độ và ánh nắng.

- Với các giống cảm ôn thì nền nhiệt ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ sinh trưởng phát triển, đến TGST của mỗi giống. Nhiệt độ tăng thì TGST giảm và ngược lại, rét nhiều thì lúa sinh trưởng chậm hơn và trỗ muộn. Vụ xuân 2011 rét nhiều và rét muộn nên lúa trỗ chậm khoảng15-20 ngày so với trung bình nhiều năm.

- Ánh sáng giúp cây trồng thực hiện quang chu kỳ tạo ra các chất hữu cơ. Trong điều kiện dồi dào ánh sáng thì cây trồng tốt, khỏe hơn và chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Qua nhiều vụ SX cho thấy: lúa xuân trỗ sớm, thiếu nắng thường năng suất không cao như vụ xuân 1991, 2007; ngược lại lúa xuân trỗ muộn, do nhiều nắng nên năng suất cao hơn, điển hình như vụ xuân 2008, 2011. Như vậy, phân bón đủ, ánh sáng nhiều là cơ sở vật chất cơ bản tạo cho năng suất cao.

Theo dãy số liệu thời tiết từ năm 1960 đến nay, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến đầu tháng 4 các năm, yếu tố nhiệt độ biến động nhiều nhất, đặc biệt sự biến động trong tháng 1, 2 đã quyết định dạng hình thời tiết ấm, rét trong năm. Từ thời điểm sau tiết thanh minh, sự biến động nhiệt độ giữa các năm không nhiều. Số giờ nắng cũng tăng dần từ cuối tháng 3 và khá ổn định trong tháng 5, 6.

Như vậy, nhiều ánh nắng, nhất là trong giai đoạn từ đứng cái làm đòng đến chắc xanh là điều kiện cơ bản giúp cây trồng có năng suất cao. Thực tiễn khẳng định: Lúa xuân trỗ sớm có thể mất mùa; nhưng lúa xuân trỗ muộn có nhiều cơ hội cho năng suất cao. Lúa xuân gieo cấy muộn sẽ an toàn hơn và nhiều cơ hội cho năng suất cao.

Phương thức gieo cấy:

- Vụ xuân 2011, đầu vụ, lúa gieo thẳng gặp rất nhiều khó khăn: Hàng tháng trời cây mạ chống chịu thời tiết rét, ẩm, thiếu nắng..., cây mạ sinh trưởng rất chậm, thậm chí còn bị trắng lá, đen rễ, nhất là những vùng đất chua. Vì lo lắng nên nhiều gia đình mất rất nhiều công dặm, tỉa, chăm bón; ngược lại, nhiều nơi kiên trì, chỉ cần giữ đủ ẩm mặt ruộng và phun chế phẩm kích thích ra rễ hoặc KH, siêu lân..., khi trời ấm mới chăm bón; tuy trỗ muộn song vẫn cho năng suất cao hơn lúa cấy.

- Nhớ lại vụ xuân 2008 gieo thẳng là giải pháp tình thế khi lúa cấy sớm bị chết rét nhiều. Kết quả năng suất lúa gieo thẳng vẫn cao hơn lúa cấy trên mọi chân ruộng; kể cả chân ruộng vàn thấp cấy Xi23. Như vậy lúa xuân có thể gieo thẳng thành công trong mọi điều kiện thời tiết và trên mọi chân đất, với mọi giống lúa.

Chăm bón:

- Dặm tỉa nên tiến hành khi lúa chuẩn bị đẻ nhánh. Khi lúa đẻ rộ mới dặm, tỉa sẽ làm chột và mất một số dảnh gốc; nếu dặm tỉa muộn hơn vừa tạo cho khóm lúa sinh trưởng chậm lại, tỷ lệ dảnh hữu hiệu thấp và tạo cho ruộng lúa phát triển không đều. Do cây lúa có khả năng “tự điều tiết quần thể” nên chỉ dặm khi mất khoảng lớn, nếu khoảng trống nhỏ tương đương cấy thưa thì bón tăng phân để lúa đẻ sớm, đẻ khỏe, vừa đỡ mất công dặm mà ruộng thưa thoáng, ít sâu bệnh hơn.

- Bón phân: Sử dụng phân bón ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển cũng như khả năng chống chịu của cây trồng. Bón phân đa yếu tố NPK chuyên lót, chuyên thúc cho lúa và phân vi sinh tuy mất nhiều tiền hơn nhưng đổi lại cây lúa khỏe hơn, ít bị ngộ độc đất, thân cứng, lá dựng đứng hơn nên ít sâu bệnh hơn và năng suất cao hơn.

Phân lót vụ nào cũng phải lót sâu, bón trước bừa cấy. Vụ xuân, bón phân thúc theo phương châm “ấm bón rải, rét bón dồn”. Tất nhiên bón khi trời ấm, cây ra rễ trắng. Nếu rét kéo dài, lúa sinh trưởng chậm; trong khi lúa chưa ra rễ trắng mà bón phân thì cây cũng chưa dùng được. Do vậy phải dùng nhiều biện pháp như xới sục hoặc bón lân nước giải, hoặc phun các chế phẩm kích rễ... sau đó mới bón NPK; và cuối vụ phải bón bổ sung bằng phân nhiều chất kaly.

- Tưới nước: Vụ xuân lấy nước “làm áo”; nước không chỉ giúp cây con chịu rét tốt hơn, hồi xanh nhanh và ra rễ nhanh hơn... mà còn giảm hiện tượng ngộ độc đất, và đặc biệt hạn chế cỏ dại. Vụ xuân 2011, những ruộng đủ nước chăm sóc nhàn hơn, cây lúa khoẻ hơn và trỗ sớm hơn. Ngược lại, những ruộng khó lấy nước đặc biệt một số vùng gieo thẳng cây lúa yếu ớt, đèo đẹt thì cỏ dại lấn át, vừa mất lấm vừa mất màu nên lúa càng sinh trưởng chậm và trỗ muộn.

Vụ lúa mùa 2011, rầy lứa 7, lứa 8 phát sinh gây hại khó lường. Đêm 14 và15 tháng 8 (âm lịch) vừa qua trời kín mây không thấy mặt trăng; năm 2012 Nhâm Thìn (Trường lưu thủy), Tết Nguyên đán nhằm ngày Quý mùi, Lập xuân vào 13 tháng giêng, lại nhuận tháng 4... Đầu mùa xuân tới có thể mưa ẩm nhiều, thiếu nắng, có thể sâu bệnh nhiều và bất thuận cho lúa cấy sớm.

Như vậy khái niệm “nông” trong nông - lộ - phơi ở vụ xuân phải là thường xuyên giữ lớp nước nông 3- 5cm suốt thời kỳ cây con (trừ lúa gieo thẳng).

Để vụ lúa xuân 2012 thắng lợi xin lưu ý một số điểm như sau:

- Tranh thủ triều cường cuối tháng chạp mà lấy nước dự trữ các hồ đập, hoặc đổ nước ngâm dầm, thau chua rửa mặn những nơi có thể.

- Quan tâm nhiều hơn các giống lúa ít nhiễm sâu bệnh; thận trọng hơn với các giống nhiễm đạo ôn và rầy các loại.

- Tuỳ giống lúa và chân ruộng mà thời vụ gieo cấy có thể muộn lại; các giống lúa dài ngày có thể gieo mạ giáp tiết Lập xuân, các giống ngắn và trung ngày nên tập trung gieo thẳng vào nửa cuối tháng 2.

- Áp dụng đồng bộ các tiến bộ mới trong canh tác như cấy nhỏ, cấy thưa thoáng, gieo cấy hàng rộng - hàng hẹp, sử dụng phân bón đa yếu tố NPK chuyên dùng cho lúa và phân bón vi sinh... nhằm giúp cây lúa khoẻ, chống chịu tốt hơn sâu bệnh và ngoại cảnh bất thuận.

Bầu trời không của riêng ai. Mỗi vùng quê bổ sung kinh nghiệm sẽ góp phần cho vụ lúa xuân 2012 sạch và nhiều thóc.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất