Tuy nhiên, cũng chẳng ít năm, niềm vui không trọn vẹn. Ngay vụ đông xuân này, có những vùng, những hộ gia đình lúa đã thu cách đây vài tuần (giữa tháng 5) thất thu, mỗi sào lúa chỉ được vài chục kg. Vì sao như vậy?
Thời tiết dị thường
Năm 2020, năm khởi đầu của một “Lục thập hoa giáp” với nhiều bất thường của khí hậu, thời tiết; nhiều cụ ở tuổi “thất thập cổ lai hy” đều thốt lên rằng, từ khi sinh ra chưa khi nào thấy đêm 30, ngày 1 tết âm lịch mà trời sấm chớp, mưa đá, gió giật đùng đùng như vậy.
Năm nay nhuận 2 tháng tư (âm lịch), còn theo dương lịch thì 2020 lại cũng là “năm nhuận”, tháng 2 có 29 ngày, thông thường là 28 ngày; đó là những trùng lặp đặc biệt của vòng quay trái đất và mặt trăng trong “lục thập hoa giáp”; vụ đông xuân, mặc dù đã được dự báo là năm ấm, nhưng cái nóng, cái ấm cũng bất thường, suốt các tháng mùa đông ít ngày được mặc áo “đại hàn”, nhiều tuần còn độc diễn áo ngắn tay, thế nhưng cũng chưa có năm nào cái rét “nàng bân” lại khủng đến nỗi “cất chăn đi rồi lại phải giở ra”, chưa tới tiết “lập hạ” nhưng đã có ngày nóng đến 35-36 độ C và ẩm độ thấp dưới 40%. Đó là tổng quan chung của thời tiết vụ đông xuân 2019-2020.
Theo số liệu tổng hợp từ các trạm khí tượng Láng - Hà Nội, trạm Thái Nguyên và Tuyên Quang (Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh): Tính từ tháng 1 đến tháng 4/2020 có 50 ngày nhiệt độ từ 20 độ C trở xuống, số ngày nhiệt độ thấp này không lớn và chỉ bằng khoảng 30% số ngày có nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C hàng năm. Như vậy vụ đông xuân 2019-2020 về góc độ nhiệt độ là vụ đông xuân ấm rõ rệt.
Tuy nhiên, tháng 4, khi mà cây lúa trong giai đoạn sinh trưởng sinh thực thì sự thất thường của nền nhiệt lại là mối đe dọa và ảnh hưởng khá trầm trọng tới trà nào, với bất kể giống nào có giai đoạn phân hóa bước 4-6, giai đoạn phân bào giảm nhiễm để hình thành tế bào mẹ hạt phấn và hạt phấn.
Tháng 4 có tới 11 ngày nhiệt độ trung bình chung dưới 20 độ C, số ngày này cao hơn so với trung bình nhiều năm (8-9 ngày).
Đặc biệt có đợt rét khá dài 5 ngày liên tục từ 4-8/4, đây là đợt rét nàng bân nguy hại nhất sau nhiều năm quan trắc, ngoài ra các ngày 13-14/4 và 24-25/4 đều có nhiệt độ bình quân dưới 20 độ C, rất may là những đợt rét này chỉ thoảng qua và không ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn thụ tinh với các trà lúa đang trỗ bông, phơi màu.
Về ẩm độ, vụ xuân 2020, ẩm độ không khí ở mức trung bình so nhiều năm, bức xạ mặt trời thấp hơn so trung bình nhiều năm, gió tây khô nóng ít và nhìn chung không có ngưỡng ảnh hưởng xấu đến thụ phấn, thụ tinh giai đoạn lúa trổ bông.
Thời vụ gieo cấy và tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan
Vụ đông xuân 2019-2020 ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, về cơ bản nông dân đã dùng các giống lúa ngắn ngày, cảm ôn.
Thời vụ gieo cấy theo khuyến cáo là xoay quanh tiết lập xuân (4/2 dương lịch, tương ứng với ngày 11 tháng giêng); tuy nhiên một số vùng do tập quán, bà con thường gieo cấy vào 20-25/1, thậm chí sớm hơn.
Khu vực Đồng bằng sông Hồng, những nơi thường làm vụ màu hè cũng gieo cấy sớm để thu hoạch và làm dưa lê, dưa bở, dưa hấu, bí xanh vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, những vùng này, năng suất lúa xuân chỉ là phụ vì thu nhập từ cây màu hè đã gấp 3-4 lần lúa chính vụ rồi.
Phần lớn khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, thời vụ lúa được cấy hoặc gieo sạ vào tháng 2 và kết thúc trong tháng 2. Và vì vậy ĐBSH cơ bản được mùa.
Yêu cầu nhiệt độ của cây lúa
Đối với cây lúa, giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng (từ mọc đến lúc bước vào phân hóa đòng) nhiệt độ thích hợp nhất là 27-33 độ C, khoảng nhiệt mà cây lúa vẫn đảm bảo khả năng sinh trưởng là khá rộng, song ở ngưỡng tối thấp hoặc tối cao mà nhiệt độ bình quân ở dưới hay trên ngưỡng này đều làm cây lúa ngừng sinh trưởng và có thể là rối loạn hoặc phá vỡ các hoạt động sinh hóa, sinh lý của cây.
Giai đoạn sinh trưởng sinh thực, đặc biệt giai đoạn hình thành hoa là giai đoạn vô cùng quan trọng quyết định phần lớn các yếu tố cấu thành năng suất của lúa như hình thành số hoa hay số hạt/bông, quá trình hình thành tế bào mẹ hạt phấn và phân bào giảm nhiễm để tích lũy các chất trong hạt phấn và hoàn thành quá trình tạo hạt phấn, quyết định số hạt chắc/bông.
Theo Yoshida, nhiệt độ tối thích cho giai đoạn bắt đầu phân hóa đòng và vươn đốt là 25-31 độ C, giới hạn dưới là 15 độ C, giới hạn trên là 33 độ C; giai đoạn phân hóa bông, giới hạn dưới là 20 độ C và giới hạn trên là 38 độ C, giai đoạn nở hoa giới hạn dưới là 22 độ C và giới hạn trên là 35 độ C.
Nhìn lại tổng thể thời vụ lúa đông xuân của miền Bắc năm nay, về cơ bản giai đoạn phân hóa hình thành bông nằm trong khoảng 15 tháng 3 đến hết tháng 4, chớm sang đầu tháng 5 dương lịch.
Trà lúa trỗ sớm nhất vào khoảng 10-15/4, vùng Bắc Trung bộ trỗ tập trung xung quanh 15-20/4, một số địa phương thuộc vùng Trung du, miền núi phía Bắc và ngay cả Đồng bằng sông Hồng (những nơi có tập quán làm cây rau màu vụ hè) lúa cũng trỗ bông thời điểm này.
Về góc độ sinh lý cây lúa, giai đoạn phân hóa hình thành bông chia làm 8 bước, nếu điều kiện nhiệt độ, ánh sáng thích hợp, ở ngưỡng tối thích thì hình thành số hoa (số hạt) thuận, bông sẽ to, dài, số hạt nhiều hơn; rét ở giai đoạn này cũng sẽ làm tăng tỷ lệ thoái hóa hoa ở đầu bông và các gié lúa.
Giai đoạn phân hóa đòng bước 4-6, hình thành tế bào mẹ hạt phấn và hoàn thành quá trình hình thành hạt phấn, điều kiện thích hợp thì phấn sẽ nhiều, sức sống tốt, khả năng thụ phấn thụ tinh cao, tỷ lệ hạt lép sẽ thấp; ngược lại, bất thuận, khi nhiệt độ dưới ngưỡng tối thiểu kéo dài, hạt phấn sẽ chết hoặc số lượng hạt phấn ít – kết quả này rất rõ rệt khi chúng ta kiểm tra bằng kỹ thuật soi và nhuộm màu hạt phấn.
Khi lúa bước vào phân hóa đòng, cũng là giai đoạn đốt lúa hình thành, nắn vào gốc lúa sẽ thấy phần gốc cứng và không còn dẹt. Nền nhiệt không thích hợp, vươn đốt khó khăn, chiều cao cây lúa của trà này cũng chỉ đạt 80-85% chiều cao trung bình vỗn có của nó.
Quan sát những trà, giống lúa trổ sớm ở vụ này chiều cao cuối cùng cũng có thấp hơn chiều cao ở những vụ thuận lợi. Hiện tượng trổ không thoát cổ bông rất rõ rệt ở các giống trổ vào giữa tháng 4, bông cũng ngắn hơn và dĩ nhiên số hạt chắc trên bông cũng thấp.
Giảm năng suất cục bộ
Tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, một mô hình 20 ha với giống lúa nếp 415, giống cảm ôn, ngắn ngày, gieo cấy sớm với mục tiêu thu hoạch sớm để có giá nếp mới cao, năm nay thì thực sự đen đủi, lúa phân hóa, đặc biệt giai đoạn hình thành tế bào mẹ hạt phấn và hạt phấn đúng dịp 5 ngày liên tiếp rét dưới 20 độ C, thay vì những năm trước thu 160-180kg/sào, vụ này chỉ được vài chục kg.
Tình trạng này cũng được quan sát thấy ở vài xã thuộc Kinh Môn - Hải Dương, Tam Dương - Vĩnh Phúc... Một số địa phương vùng núi phía Bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang và cả một số rải rác vùng đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa.
Nhìn lại những vụ đông xuân ấm và bài học thời vụ
Trong thực tiễn sản xuất vụ đông xuân ở các tỉnh phía Bắc, chúng ta đã chứng kiến tình trạng này không ít vụ ở những năm trước đây, nhất là giai đoạn sản xuất đang phổ biến bằng nhóm giống cảm ôn dài ngày.
Vụ đông xuân 1987, một vụ mà nhiều tỉnh phía Bắc mất mùa, khi đó chúng ta gieo cấy phổ biến bằng các giống dài ngày và trung ngày như X21, VN10, M2, C70, C71...
Thời vụ gieo cấy cũng sớm hơn lịch bây giờ, gieo vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 dương lịch, và gần như cấy trước Tết âm lịch và gọn trong tháng 1.
Năm đó là năm rất ấm vào mùa đông, khi cấy mạ đã 6-7 lá và cấy xuống cũng vẫn ấm, lúa lên ầm ầm, ăn Tết xong ra đồng liền tá hỏa vì có chân ruộng đã phân hóa và lúc làm đòng trổ bông gặp rét 4 ngày liên tiếp với ngưỡng 18-20 độ C.
Năm đó Thái Bình, tỉnh thâm canh với năng suất lúa trên 60 tạ/ha ở vụ xuân trước đó thì chỉ còn bình quân 19 tạ/ha. Những năm sau theo chu kỳ không đều nhưng vụ xuân ấm đã xảy ra vào 1990-1991, 1996-1997 và 2012-2013.
Những vụ này, năng suất lúa đều giảm, thậm chí những giống mẫn cảm bị thất thu với diện tích hàng ngàn ha. Bộ chuyên ngành và các tỉnh đã từng phải thành lập cả một “ban chỉ đạo” để chống ấm ở vụ đông xuân.
Sau này khi các kết quả nghiên cứu và điều tra đánh giá, khẳng định tần suất an toàn cho lúa phân hóa đòng, trổ bông phơi màu đã được kết luận cho các vùng: Bắc Trung bộ 25/4-5/5 và Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc đầu tháng 5 đến 20/5 dương lịch; giống lúa cảm ôn ngắn ngày nằm trọn ở vụ xuân (không qua đông) được khẳng định và khuyến cáo mạnh mẽ hàng chục năm nay mang lại sự ổn định cho lúa vụ xuân ở miền Bắc.
Soi vào vụ này, hộ nông dân nào cấy giống ngắn ngày, tuân thủ khoa học lịch thời vụ và lấy sản xất lúa là chính, thuộc ĐBSH và Trung du miền núi phía Bắc nếu thu hoạch từ cận cuối tháng 5 sang đến 15/6 thì năng suất càng tăng theo chiều tịnh tiến của thời gian.
Cần đánh giá một cách khoa học
Vẫn có câu “mất mùa thì tại thiên tai”, nhưng bây giờ, kiểu mất đơn lẻ thì người ta hay quy cho giống. Xem ra cũng có phần oan ức, vì cũng giống ấy, cấy chỗ khác trong vùng, nếu lệch đi một khoảng, muộn hơn 5-7 ngày, có nghĩa rằng cái giai đoạn nhạy cảm nhất của nó là phân hóa hoa và hình thành hạt phấn né được cái rét “nàng bân” thì lại “vô tư”, năng suất cao chả kém gì những năm bình thường.
Sản xuất lúa nói riêng, nông nghiệp nói chung vốn rủi ro cao. Mất mùa, nông dân khổ, sáu tháng trông cây không bằng một ngày trông quả, sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng trầm trọng, rồi cán bộ cơ sở cũng khổ vì phải chạy đôn chạy đáo, phải xem xét, đánh giá tìm tòi nguyên do, doanh nghiệp cung ứng giống cũng lao đao do phải gánh chịu hệ quả này. Đành rằng có những giống phản ứng nhạy cảm hơn, nhưng quả là “nhất thì, nhì thục” – Thời vụ gieo cấy, thời điểm phân hóa và trỗ bông vô cùng quan trọng.
Bằng chứng là nhiều giống lúa đã “mắc” vào cái lưới này nhưng khi được chuyển giao, huấn luyện và hướng dẫn chi tiết cho dân, biết được giống đấy thế nào, mạnh gì, yếu gì, nên gieo cấy ở đâu, chăm sóc ra sao, vụ nào là chính... và nó vẫn được nông dân tiếp nhận mạnh mẽ và với nông dân, hiệu quả: năng suất, chất lượng cao, ăn ngon, được giá thì chẳng phải nói nhiều họ vấn gieo cấy.