| Hotline: 0983.970.780

Nhịp sống mới Quảng Thành

Thứ Hai 07/01/2013 , 09:54 (GMT+7)

Năm 2011, Quảng Thành là 1 trong 6 xã điểm của huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu) được chọn thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Đường vào xã NTM Quảng Thành
Năm 2011, Quảng Thành là 1 trong 6 xã điểm của huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu) được chọn thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Ấy vậy mà, chỉ sau hơn một năm bắt tay vào xây dựng NTM, từ một xã thuần nông, đến nay bộ mặt nông thôn và đời sống người dân Quảng Thành đã đổi thay không ngờ, đến nay xã đã đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM.

SẴN SÀNG HIẾN TỪNG MÉT ĐẤT

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, về Quảng Thành, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của một xã nghèo vùng sâu. Đồng thời, chứng kiến không khí chuẩn bị đón xuân của người dân nơi đây như càng rạo rực hơn với những công trình giao thông nông thôn đang hối hả hoàn thiện.

Những con đường ở khu vực trung tâm xã dẫn vào các thôn, ấp cũng được sửa sang, nâng cấp láng nhựa phẳng phiu như vừa được khoác lên chiếc áo mới và bộ mặt nông thôn của Quảng Thành đang bừng sáng hơn.

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Thành Võ Khắc Thuyết đi tham quan quanh xã, đến đâu chúng tôi cũng thấy các hộ dân gấp rút thu hoạch tiêu, cà phê để chuẩn bị kịp đón Tết. Nhiều chủ vườn phấn khởi khoe, năm nay đời sống của bà con khá hơn nhờ điều kiện đi lại, sinh hoạt được cải thiện, giá các mặt hàng nông sản cũng tăng, nhất là tiêu, cà phê...

Ông Thuyết hào hứng nói: “Trước đây, nhắc đến Quảng Thành, không ít người phải ngao ngán với những con đường “nắng bụi, mưa lầy” mà người dân trong xã phải gánh chịu. Giao thông đi lại khó khăn khiến cuộc sống của bà con vốn đã cực khổ lại càng thêm khổ cực. Các mặt hàng nông sản làm ra rất khó tiêu thụ, nhất là vào mùa mưa. Ấy vậy mà, chỉ trong hơn một năm qua đã có cả chục tuyến đường trong xã được làm mới và nâng cấp. Thậm chí có tuyến đường trước đây vào mùa mưa không thể đi lại được nhưng nay được đổ đá, rải nhựa rộng rãi khiến bà con trong xã rất vui mừng”. 

Cũng theo ông Thuyết, chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 2011 đến nay, Quảng Thành đã vận động hàng trăm hộ dân trong xã hiến gần 100.000 m2 đất để làm đường giao thông. Có được kết quả ấy là do rất nhiều lần chính quyền và nhân dân đã phải ngồi lại với nhau, phân tích thiệt hơn, để cùng đồng thuận.

 Ai cũng thấy cái lợi của việc làm đường, nhưng tấc đất tấc vàng, không phải người dân nào cũng sẵn sàng bỏ cả trăm, cả nghìn m2 đất của nhà mình hiến cho những công việc chung của xã. Vậy nhưng, để làm được điều đó, từng thôn ấp đã phải chọn những người có uy tín đến từng hộ dân, khích lệ, động viên mọi người cùng chung tay thực hiện.

Nhớ lại những ngày đầu đi vận động bà con xóm ấp tham gia hiến đất làm đường giao thông, anh Lê Phú Cường, công an phụ trách ấp Tân Bang, bồi hồi kể: “Tuyến đường đi qua tổ 56 trước đây là đường đất, chỉ rộng chừng 4 m, mưa xuống lầy lội, nắng lên bụi mù, người dân không thể đi lại được bình thường. Nhất là mỗi khi thu hoạch xong mùa vụ, bà con phải rất vất vả mới đưa được sản phẩm ra đến trung tâm xã tiêu thụ.

Tuy nhiên, khi xã có chủ trương nâng cấp và mở rộng tuyến đường, được người dân tự nguyện hiến từng mét đất để phục vụ công trình giao thông chung, khiến con đường đất cũ hẹp đến nay đã biến thành lộ nhựa láng bóng sạch sẽ, bà con phấn khởi vô cùng”.

Theo anh Cường, kể từ ngày tuyến đường này được nâng cấp mở rộng, xe ô tô của thương lái đã có thể vào tận nơi để thu mua nông sản cho bà con. Giá cả bảo đảm, thu nhập và đời sống của bà con nhà vườn cũng vì thế mà được cải thiện đáng kể.

Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lào, một trong những hộ dân điển hình nhất trong việc hiến đất làm đường giao thông ở tổ 56, bộc bạch: “Gia đình tôi có mảnh vườn trồng tiêu và cà phê, đây cũng là nguồn thu nhập chính, nhưng khi nghe xã phát động việc mở rộng đường nông thôn, tôi mừng lắm sẵn sàng hiến một phần diện tích đất vườn nhà mình để phục vụ cho lợi ích chung”.

Theo bà Lào, không chỉ gia đình bà tự nguyện hiến 1.000 m2 đất mà bà còn vận động thêm con cháu và hàng xóm cùng tham gia hiến từng mét đất để góp phần nhanh chóng hoàn chỉnh tuyến đường trước thềm năm mới này.

ĐẠT 19 TIÊU CHÍ

Việc tăng thu nhập bình quân, giảm cơ cấu lao động nông thôn được xem là hai tiêu chí nan giải nhất đối với hầu hết các xã thuần nông, trong đó có Quảng Thành. Ông Võ Khắc Thuyết cho biết: “Ngoài đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhằm chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp - dịch vụ, xã tập trung khuyến khích nông dân cùng liên kết đẩy mạnh SX theo hướng hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất. Ðây chính là nút thắt để Quảng Thành giải bài toán cơ cấu lao động và thu nhập bình quân".

Ðến thăm gia đình ông Nguyễn Hiệp, một trong những hộ trồng cà phê xen cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Quảng Thành, nghe ông tâm sự, mới thấy hết ý nghĩa của việc liên kết và đẩy mạnh SX theo hướng hàng hóa có ý nghĩa quyết định đến thu nhập của lao động nông thôn trong xã.

Ông Hiệp tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi chỉ chuyên trồng cà phê, thu nhập nhìn chung đủ sống. Nhưng kể từ khi được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn, một số hộ đã cùng nhau xây dựng mô hình trồng xen cây ăn quả và rau màu trong vườn không ngờ mang lại hiệu quả thiết thực”.

Theo ông Hiệp, ngoài cà phê, mỗi năm gia đình ông thu nhập thêm hơn 20 triệu đồng/ha từ tiền hoa màu và cây ăn quả, trong khi năng suất và chất lượng cà phê vẫn bảo đảm. Mô hình này cũng được gia đình ông Nguyễn Nghĩ, tổ 59, ấp Tân Bang học tập.

 Đứng trong vườn tiêu nhà mình, ông Nghĩ phấn khởi nói: “Việc liên kết giữa các hộ gia đình trong SX đang trở thành phong trào nổi bật ở Quảng Thành. Người dân chúng tôi đã lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cùng liên kết và chia sẻ với nhau những cách làm hay, sáng tạo, giúp thu nhập của từng hộ dân cũng được cải thiện đáng kể”.

"Năm 2011, xã Quảng Thành được UBND tỉnh duyệt 30 tỉ đồng để thực hiện quy hoạch NTM, xây dựng 12,77 km giao thông nông thôn, sửa chữa, xây mới các công trình như: Trường học, trung tâm văn hóa… Ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh, UBND huyện Châu Đức đã bố trí hơn 3,9 tỉ đồng từ ngân sách huyện để đầu tư các công trình như sửa chữa trường Tiểu học Quảng Thành, cải tạo đường trung tâm xã Quảng Thành, sửa chữa, nhựa hóa đường vào các thôn, ấp", ông Lê Tình, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết.

Theo ông Nghĩ, với 3 ha tiêu, cà phê trồng từ năm 2000 đến nay, vườn tiêu, cà phê của gia đình ông đang cho thu hoạch ổn định khoảng 800 triệu đ/ha/năm. Do vậy, chính từ sự liên kết này, trong tương lai không xa, Quảng Thành sẽ là vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị.

Hơn nữa, Chương trình NTM, chính quyền xã cũng tích cực hỗ trợ tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, giúp bà con SX đạt hiệu quả rõ rệt. Do đó, từ chỗ kinh tế phát triển đi đôi với văn hóa nông thôn, cơ sở vật chất, đường giao thông nông thôn cũng từng ngày được nâng cấp giúp đời sống bà con trong toàn xã ổn định và vươn lên làm giàu.

Trao đổi với NNVN, ông Võ Khắc Thuyết, cho biết: Xuất phát điểm từ một xã thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, lúc đầu mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí về NTM, nhưng đến thời điểm này Quảng Thành đã hoàn thành xong 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Thời gian tới, với những kết quả đã đạt được, xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp điều kiện địa phương, với mục tiêu trở thành xã nông thôn mới điển hình của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trong những ngày cuối năm này, người dân xã NTM Quảng Thành hiện đang hối hả thu hoạch nốt những vườn tiêu, cà phê đang mùa chín mọng; đồng thời chuẩn bị đón một cái Tết đầy sắc xuân vui tươi và sẽ tận hưởng một năm mới với nhịp sống mới bắt đầu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.