| Hotline: 0983.970.780

Nhớ bài học cũ từ chuyện giải cứu Vinashin

Thứ Tư 03/11/2010 , 20:14 (GMT+7)

Nhân Quốc hội đang mổ xẻ "khối u" Vinashin chắc là sẽ rút ra được nhiều bài học xương máu, nhưng có một bài học luôn phải biết dựa vào quần chúng nhân dân không phải mọi lúc mọi khi ai đó nằm lòng!

Nhân Quốc hội đang mổ xẻ "khối u" Vinashin chắc là sẽ rút ra được nhiều bài học xương máu, nhưng có một bài học luôn phải biết dựa vào quần chúng nhân dân không phải mọi lúc mọi khi ai đó nằm lòng!

Đúng là họa vô đơn chí. Tập đoàn Vinashin về nợ nần được ví như con tàu đang bị chìm. Cơn bão Conson quét qua Hải Phòng làm 3 con tàu thật của Vinashin bị "tuột xích", trôi về thượng nguồn, đâm vào cây cầu Bính bắc ngang sông Cấm, lực lượng cứu hộ đã lôi được 2 con tàu khỏi cầu Bính. Có đến  5 tàu kéo đang bất lực trước Vinashin Orient con tàu thứ ba bị mắc cạn dưới gầm cầu, thế má anh Trần Văn Văn là dân chài, từ nhỏ sống trôi nổi trên sông nước, đã kéo thành công con tàu ra khỏi cầu được công luân ví như đội bóng chân đất  thắng đội bóng “hoàng gia” - 5 con tàu kéo 8.000 sức ngựa, người ta gọi anh là “thần đèn dưới biển”! Làm “mất mặt” những người tự cho minh là học cao hiểu rộng.

Để thiết thực cứu Vinashin,các tập đoàn khác như Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải VN... thực chất là cứu Vinashin phải chia nhau gánh khoản nợ trong 86 ngàn tỷ nợ của Vinashin. Tính đúng tính đủ mỗi đầu người dân Việt Nam từ già chí trẻ phải gánh 1 triệu đồng để trả nợ. Vì sự nghiêp dân ta có truyền thống không tiếc máu xương huống chi ba cái chuyện nhỏ.

Theo T.S Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp, thực chất là nông dân đã liên tiếp 2 lần “cứu” nền kinh tế thoát khỏi bờ vực khủng hoảng. Năm 1989, công nghiệp tăng trưởng âm, nhưng nông nghiệp phát triển mạnh nên cứu được khủng hoảng. Đến năm 1999, công nghiệp – dịch vụ đều giảm, chỉ có nông nghiệp tăng trưởng tốt nên đã cứu được nền kinh tế đang bên bờ vực khủng hoảng.

Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua, nhân dân, chủ yếu là nông dân đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của tổ quốc. Bây giờ đây phát huy truyền thống đó, những nhà sáng chế nông dân mà chúng tôi từng gặp chưa bao giờ có giấc mơ làm nhà khoa học. Họ chưa từng học làm kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ..., nhưng những công trình sáng chế, cải tiến của họ đã cho thấy giá trị ngang tầm một nhà khoa học, được đông đảo nông dân biết tới, được nhiều nhà khoa học tín nhiệm...

Như hai ông Phạm An Lạc (Tám Lạc) ở ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình (Hòa Bình, Bạc Liêu) và Võ Minh Vũ ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc (Hồng Dân) vừa nhận tin vui được Bộ NN-PTNT mời tham dự hội nghị tôn vinh những người sản xuất lúa giỏi toàn quốc tại Festival Lúa gạo Việt Nam diễn ra ở tỉnh Hậu Giang. 

Là nông dân cả đời chân đất, nhưng hai ông được đánh giá như một cây đại thụ của tỉnh Bạc Liêu về lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống lúa. Từ năm 1997 đến nay, nếu tính về số lượng giống lúa do ông Tám Lạc lai tạo và chọn dòng thành công từ thế hệ phân ly đã tới gần 100 loại, trong đó đã có 6 giống lúa được đưa vào sản xuất khảo nghiệm trong khu vực ĐBSCL chuẩn bị đề nghị công nhận giống quốc gia. 

Trình độ chỉ lớp 7/12, nhưng ông Võ Minh Vũ đã có công nhân giống và góp phần phục tráng giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân như một nhà khoa học. Ông đã cùng Viện Lúa ĐBSCL xây dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất lúa Một bụi đỏ theo mô hình canh tác lúa - tôm đặc thù không dùng phân bón, hóa chất, tạo ra sản phẩm gạo sạch, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chỉ dẫn địa lý độc quyền sản xuất.

Cũng như vậy, sau khi lai tạo thành công các giống lúa TM3, TM4, TM5, TM6, "Hai Lúa" Dương Văn Châu được nhiều trung tâm khoa học mời làm trợ giảng và vài lần “xuất ngoại” đi báo cáo thành tích, học tập kinh nghiệm... Làm khoa học quanh cây lúa, "Hai Lúa" trở nên nổi tiếng khắp vùng.

Không riêng về lĩnh vực lúa, ở ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), đã rất nhiều năm ông Danh Khen được mọi người mến mộ như một kỹ sư. Trình độ văn hóa chưa qua tiểu học, nhưng ông Khen đã mày mò, nghiên cứu thiết kế thành công nhiều lò sấy lúa có công suất hoạt động đạt 8 - 10 tấn/mẻ, lắp đặt hàng trăm túi biogas phục vụ cho người chăn nuôi. Từ những trăn trở trước nhu cầu thực tiễn của bà con, nhiều nông dân, như ông Tư Sang ở Long an, đã cải tiến thành công máy cắt lúa, máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa; hoặc những nông dân cải tiến ống nhiệt kế đo nhiệt độ nước dưới ao tôm; thực hiện quy trình nuôi tôm sạch

Chưa bao giờ học nghề xây dựng nhưng với năng khiếu “trời cho” cộng với lòng nhân ái, sự đam mê mày mò, học hỏi, ông Sáu Quý (An giang) đã đứng ra thiết kế, thi công, bỏ tiền và vận động xây thành công trên sáu chục chục công trình cầu bê tông, cầu dây...  Nghĩ đến những chiếc cầu “dần xây”, nói vui là xây dần dần, không bao giờ xong, hoặc như cầu Bãi Cháy bị thầy trò PMU-18 hè nhau rút ruột mà thấy chạnh lòng!

Trở lại chuyện Vinashin, bài học đắc giá rút ra là sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng và ngay cả hệ thống chính trị của Tập đoàn. Thế nhưng quần chúng bênh ngoài Tập đoàn và công nhân viên chức, người lao động trong Tập đoàn từ lâu đã râm ran chuyện các quan chức của Tập đoàn thi nhau mua tàu phế thải giá cao, mua nhà máy điện phế liệu, ông Phạm Thanh Bình chủ tịch HĐQT đưa người nhà “trấn thủ” ở những cương vị xung yếu, hay ông Bình và Trần quang Vũ là “cánh hẩu” của nhau hay có thể gọi là đồng lõa khi Vũ còn làm giám đốc Công ty Nam Triệu.

Mặc dù biết Chính phủ không cho phép mua tàu cũ để sử dụng, nhưng Trần Quang Vũ vẫn cùng với Phạm Thanh Bình lập dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang (do Ba Lan sản xuất năm 1973), là loại tàu được Nam Triệu mua với mục đích để phá dỡ bán sắt vụn. Trần Quang Vũ còn dùng con tàu này để thế chấp Công ty Tài chính CNTT thuộc Tập đoàn Vinashin (Công ty Tài chính) để vay 106 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ...

Thật tình mà nói, nếu chịu khó lắng nghe, có cơ chế để quần chúng “mở miệng” (nói như Bác Hồ dân chủ là làm sao cho dân được mở miệng), thì đâu có chuyện tầy đình, thất thoát cả ngàn tỷ, như con voi chui qua lỗ kim. Hay đề bạt ông Vũ thế ông Bình thì chỉ sau 2 tháng thì bị tạm giam !? Chuyện Vũ thay Bình dư luận đàm tếu là “thay hộ khẩu tham nhũng”. Được biết đề bạt nhân sự vào các vị trí như vậy phải được thẩm tra, xem xét và chấp thuận của nhiều cơ quan.

Đúng là sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng luôn là người thầy lớn. Xa rời quần chúng không thật sự lắng nghe tâm tư và cả những bức xúc, ca thán, phiền hà thậm chí chê trách của quần chúng thì kết cục chỉ thất bại đổ bể, mà bài học từ Vinashin là nhãn tiền.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.