| Hotline: 0983.970.780

Nhớ lại những thăng trầm của nghề báo

Chủ Nhật 24/06/2018 , 07:45 (GMT+7)

Trong cuộc đời cầm bút hơn hai chục năm gắn bó với Báo Thanh Niên, có thể nói tôi đã tiếp xúc với hầu hết diễn biến của những vụ án lớn với nhiệm vụ phản ánh kịp thời, trung thực của một phóng viên mảng nội chính.

Tôi nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm của một người cầm bút, chí ít là như vậy trước khi gặp tai nạn nghề nghiệp trong vụ án PMU18.
 

Vụ án trong thời điểm nóng nhất của Báo chí cách mạng Việt Nam

Đây là vụ án đã từng làm chấn động dư luận cả trong và ngoài nước với cả ngàn bài báo được gần trăm tờ báo giấy, báo điện tử, báo hình, trang thông tin… từ trung ương tới địa phương phản ánh cập nhật liên tục một thời gian dài. Có lẽ chưa bao giờ dư luận người dân cả nước lại quan tâm theo dõi diễn biến từng ngày của vụ án lớn này trên các mặt báo. Và, trong guồng quay báo chí sôi động thời gian ấy, những phóng viên theo dõi mảng nội chính như tôi và nhiều anh em ở các tờ nhật báo khác thực sự đã được sống những ngày hào hứng, sôi nổi nhất của cuộc đời làm báo.

31172071-794612434059499-6867293990635438080-o132721859
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Diễn biến về vụ án này nóng bỏng đến nỗi, một sĩ quan điều tra viên cao cấp và giàu kinh nghiệm của Bộ Công an, thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc (người trực tiếp bắt giữ trùm xã hội đen Năm Cam trước đây) đã tỏ ra ngạc nhiên khi trao đổi với anh em báo chí chúng tôi: “Xét về mặt thông tin báo chí, vụ án này nhanh nhậy hơn vụ án Năm Cam nhiều. Chưa có vụ án nào dư luận nóng bỏng đến thế, cứ hôm trước cơ quan điều tra tiến hành khai thác, truy xét, điều tra về vấn đề gì và với đối tượng nào, nhất là việc khởi tố bị can nào thì ngay hôm sau những diễn biến đó đã tràn đầy trên các mặt báo. Phải công nhận các chú làm báo hôm nay giỏi thật, làm thế nào mà các thông tin bí mật về vụ án lại được các chú phơi bày nhanh đến vậy?”.

Thấy chúng tôi cười, thượng tá Nguyễn Hữu Ngọc lại nheo mắt, phán tiếp: “Đành phải nói theo kiểu một nhân vật của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Đôi mắt: “Tiên sư anh Tào Tháo! Giỏi đến thế là cùng!” Nhưng anh nói cho các chú biết, nếu không cẩn thận thì anh Tào Tháo nó đuổi cho các chú té re, tóe tòe loe cả lượt, không còn quần mà thay kịp nữa đâu nhé, hề hề!”. Nghe ông anh điều tra viên cao cấp phán một câu xanh rờn vậy, chúng tôi lại cười vì không biết ông ấy định khen ngợi hay định nói xoáy cánh nhà báo chúng tôi?

Có thể nói thời điểm vụ PMU 18 nổ ra (đầu năm 2006) là thời điểm nóng nhất của báo chí Việt Nam kể từ vụ án Năm Cam hồi năm 2001. Đã có hàng trăm nhà báo của hàng chục cơ quan báo chí được huy động để đưa tin về vụ án này. Hầu hết các nhà báo lao vào điểm nóng ấy chỉ với một mong muốn: Vụ án sẽ được làm đến cùng, những kẻ sâu mọt tham nhũng tiền thuế của dân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Và các phóng viên nội chính của các báo tham gia đưa tin về vụ án đã thường trực nhiều ngày tại mọi nơi, từ nhà riêng đối tượng tình nghi đến trực chiến tại cổng Cơ quan điều tra, mở mọi mối quan hệ từ các nguồn tin với một mong muốn duy nhất: đưa tin chính xác nhất, nóng nhất đến với hàng chục triệu độc giả báo chí.

Những ngày ấy, cánh báo chí tới mấy chục phóng viên nội chính ngày nào cũng “hội quân” ở cổng Cơ quan điều tra - Bộ Công an ở phía đầu đường Hoàng Hoa Thám để “săn tin”, trong đó có tôi. Không khí báo chí nóng sốt từng ngày cuốn theo từng bước phá án của cơ quan điều tra.

Ông Phan Diễn (lúc ấy là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Vũ Quốc Hùng (Uỷ viên trung uơng Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương) và Trần Đại Hưng (lúc ấy là Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương) đều đã khẳng định: Vụ án này đặc biệt nghiêm trọng hơn hẳn vụ án Năm Cam trước đây và báo chí phải nêu cao vai trò tiên phong trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các nhà báo chúng tôi rất phấn khích vào cuộc.
 

Trong tai họa nghề nghiệp vẫn ngẩng cao đầu

Thời điểm ấy, cùng với guồng quay hối hả của các cơ quan tố tụng, các cơ quan công quyền trong vụ án này, các tờ báo cũng cuốn theo nóng bỏng từng ngày. Để mở rộng và cập nhật mọi thông tin, có khá nhiều cán bộ có trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, các Bộ, ngành chức năng có liên quan đều được các phóng viên báo chí tiếp xúc và phỏng vấn. Có lẽ từ hàng chục năm qua, chưa có vụ án nào được quan tâm phản ánh trên báo chí nhiều đến thế với mối quan tâm của toàn xã hội.

Tiếp theo, trong vụ án này, nhiều tội phạm bị bắt và bị khởi tố, rồi vụ án “đánh bạc, chạy án, tham nhũng” được đưa ra xét xử với nhiều bị cáo. Nhưng điều đáng nói, trong “hậu vụ án” sau đấy, hai nhà báo (trong đó có tôi) và vị tướng (Trưởng ban chuyên án) cùng một điều tra viên cao cấp cũng bị bắt giữ về việc “tiết lộ bí mật điều tra” và “xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức xã hội”(?!).

Cái cảm giác bị bắt giam vào chiều 12/5/2008 đối với một nhà thơ - nhà báo như tôi lúc ấy thật kinh khủng. Tôi như thấy mặt đất dưới chân sụt rỗng nứt toác và bầu trời sụp đổ xuống khi lẽ phải và sự công bằng có nguy cơ tiêu vong. Tôi nhẩm tính, trong khoảng 2 năm (2006-2007), tôi đã viết gần một trăm bài báo trên Báo Thanh Niên tường thuật diễn biến vụ án PMU 18 để góp phần phanh phui sự thật về vụ án tham nhũng động trời này. Và có lẽ, đây phải chăng là cái giá phải trả đối với một nhà báo dám liều lĩnh đi sâu vào một vụ án tham nhũng rất phức tạp, liên quan tới một số đối tượng quan chức?!

34770822-1882133618477616-4221543120677896192-n132721976
Tác giả trong một chuyến đi tác nghiệp

Trong những ngày “tai họa nghề nghiệp” đổ lên đầu, tôi chỉ còn cách tự động viên, tự an ủi mình “trong cái rủi có cái may”, nếu không chịu “khổ nạn” thế này, biết đâu thời điểm ấy có thể tôi lại bị một tai họa kinh khủng hơn nhiều cướp đi cuộc sống thì sao? Và, tôi nghĩ đây cũng là một dịp thâm nhập thực tế (dẫu là một thực tế đầy đắng cay, nghiệt ngã) để một nhà văn, nhà báo như tôi có được vốn sống trải nghiệm, để sau này có thể viết được những bài thơ hoặc một tác phẩm văn chương nào đó để đời chăng? Và chút hy vọng le lói này như một thứ ánh sáng cứu rỗi bền bỉ đã thắp sáng cuộc đời tôi những ngày tháng đó.

Diễn biến nói trên là câu chuyện của chục năm về trước, giờ mọi việc đã khép lại và mọi chuyện đúng - sai về những diễn biến ngày ấy cũng đã khép lại. Tôi nghĩ, với độ lùi của thời gian như thế, tất cả những người liên quan đến vụ án nói trên và ngay cả những người thuộc cơ quan tố tụng và các cơ quan công quyền ngày ấy, chắc ai cũng rút ra được bài học kinh nghiệm và bài học trải nghiệm cho mình.

Với tư cách một người cầm bút, tôi nghĩ không khí báo chí sôi sục những ngày ấy đã phần nào nói lên sự nhiệt huyết của những nhà báo yêu nước muốn phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn, trong lành hơn, công bằng hơn… chứ chắc chắn họ không hề có động cơ nào khác đối với đất nước mình, nhân dân mình và sự đúng - sai của một vài thông tin báo chí thời gian ấy không làm thay đổi bản chất của vụ án đặc biệt nghiêm trọng trong những năm tháng đó.

Với riêng bản thân tôi, đã gần chục năm trôi qua kể từ khi xảy ra vụ án gây chấn động dư luận cả nước mà tôi là một trong hai nhà báo gặp “tai họa nghề nghiệp” hồi ấy. Đầu năm 2009, sau 251 ngày “lâm nạn”, tôi trở về công tác tại Báo Thanh Niên, được trả lại Thẻ Nhà báo để tiếp tục hành nghề. Cuộc đời đúng như một giấc mơ kỳ lạ khi con người may mắn thoát khỏi cái “vực sâu kinh hoàng” ấy mà không bị chấn thương lớn về mặt tâm lý.

Cho đến giờ, nhiều bạn văn và độc giả thơ cứ thắc mắc đặt câu hỏi: Không hiểu vì sao bài thơ đầu tiên nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết sau khi được trả tự do lại là trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” tràn đầy tình yêu đất nước, dân tộc trước những hiểm họa đang tới trên Biển Đông chứ không phải là một bài thơ “đau đời, oán giận” nào khác? Tôi đã có lần trả lời phỏng vấn báo chí và các bạn yêu thơ: Nỗi đau ngày ấy của một nhà báo như tôi có thấm tháp gì so với nỗi đau thương của những người mẹ, người vợ, người con… của biết bao nhiêu người lính dũng cảm đã hy sinh đời mình vì đất nước ở Trường Sa, Hoàng Sa. Đất nước của chúng ta liên miên trận mạc suốt bao đời, những nỗi đau thương chiến tranh còn ghi dấu nơi rừng sâu, biển thẳm. Và qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm dưới cỏ để gìn giữ non sông này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau.

Có thể nói, tôi đã viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” bằng chính những trải nghiệm khi đi qua chiến tranh cách đây mấy chục năm và bằng chính những thăng trầm trong đời sống một nhà báo thời đổi mới mà tôi phải trải qua. Ở thời điểm viết bài thơ này, tôi vừa trở lại công tác tại Báo Thanh niên. Và "Tổ quốc nhìn từ biển" là bài thơ đầu tiên khi tôi trở lại cầm bút. Khi ấy, tôi đã vượt lên nỗi đau đời thường của chính mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ đang cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống và nhìn nhận những nguy cơ, những hiểm họa đang đến gần trên vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Và chính từ cảm xúc lớn lao ấy, tôi đã viết bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" như viết từ chính bằng máu và nước mắt của mình.

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.