| Hotline: 0983.970.780

Nhớ món pá bọc, thèm nói chà pa

Thứ Năm 14/01/2010 , 10:32 (GMT+7)

“Nhường” quê cũ cho Thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu được di chuyển về thôn Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Nhà cửa khang trang, nhưng lại loay hoay không biết làm sao để thoát nghèo.

“Nhường” quê cũ cho Thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu được di chuyển về thôn Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Nhà cửa khang trang, nhưng lại loay hoay không biết làm sao để thoát nghèo. 

>> Lạc bước miền Tây xứ Nghệ

Ở nhà to, lo thiếu bữa 

Chúng tôi đến thôn Văng Môn, thủ phủ của người Ơ Đu khi sương mù đang dần mỏng. Những ngôi nhà xây khang trang được đánh số thứ tự hẳn hoi như một chung cư. Mới sáng sớm nhưng trong thôn đã vắng hoe. Lác đác ở mép sông, một vài người dong trâu lên rừng. Phải đợi hơn nửa buổi tôi mới gặp được trưởng thôn Lo Xuân Tình do ông còn bận đi kéo gỗ thuê.  

"Năm nay mất mùa nên nhà nào cũng phải đi kiếm việc làm không thì đói mất”. Nói như để giải thích rồi ông Tình bắt đầu kể. Ông kể về những bước ngoặt mang tính lịch sử của đồng bào mình.  

Xưa kia, người Ơ Đu cư trú rải rác xen lẫn với người Thái, người Khơ Mú suốt dọc theo hai con sông NậmMộ và Nậm Nơn ở các bản Xốp Pột và Kim Hòa, xã Kim Đa, huyện Tương Dương. Họ sống lầm lũi bám rừng chặt nứa, chăn nuôi, thỉnh thoảng lại xuôi dòng ra trung tâm xã trao đổi hàng hóa.  

Năm 2006 được xem như một trang sử mới của người Ơ Đu khi họ phải thực hiện một cuộc di dời lớn về làng tái định cư tại bản Văng Môn để nhường quê hương làm lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Cuộc sống ở nơi mới ban đầu là cả một giấc mơ. Cùng với sự đầu tư của dự án tái định cư thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Đu còn được Ủy ban Dân tộc đầu tư qua dự án phát triển 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người. Hai dự án này đều hỗ trợ người dân về nhà ở, nước sạch, dụng cụ sản xuất, phát triển văn hóa, xã hội... Trong 3 năm mỗi khẩu 3,5kg gạo/tháng. Cứ 3 hộ được xây dựng một bể nước sinh hoạt và một nhà tắm, một hộ được 1 ha đất sản xuất... Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến thời điểm dự án kết thúc cũng là lúc 349 nhân khẩu Ơ Đu lơ ngơ tìm đường sống. 

Nhà đôi vợ chồng trẻ Lo Văn Ồn (30 tuổi) và Kha Thị Hoòng (29 tuổi) ở khu 3 bản Văng Môn là một trong nhiều ngôi nhà vách nứa mái cọ phát sinh sau khi nhà xây kín chỗ. Hai vợ chồng cùng 3 đứa con được cấp 0,5 ha đất nương rẫy. Vụ vừa rồi gieo lúa khô bị mất mùa, cả đám rẫy không được một hạt lúa. Hết gạo cứu trợ nên chồng đi đào giếng thuê còn vợ lên rừng đào củ mài, khẩu phần ăn của 5 con người vì thế cũng lay lắt theo kiểu "kiếm được cái gì ăn cái nấy". 

Cái đói hiện hữu quanh năm trong những gia đình như Ồn rồi len lỏi vào tận gia đình thuộc loại khá nhất bản là nhà Trưởng thôn Lo Xuân Tình. Chồng vừa có phụ cấp vừa chịu khó phát nương, vợ nấu rượu, chăn nuôi nhưng cũng phải dè xẻn lắm mới không bị đói. Ngày ngày ông Tình cũng dong trâu đi kéo thuê như phần lớn đàn ông trong làng. 

Trên đường vào nhà ông Tình, tôi bắt gặp những nhà tắm bỏ không, bên cạnh là bể nước khô khốc. Hỏi ra mới biết, những bể này không hứng nước mà hứng… nắng từ năm 2008. “Đường ống dẫn nước bị tắc, hỏng từ tháng 11/2008. Họ sửa được vài ngày lại hỏng từ đó đến nay. Chúng tôi phải xuống khe suối xách từng xô nước về dùng. Nước ở đây nhiều đá vôi, chúng tôi không muốn nhưng vẫn phải dùng vì làm gì có nước khác”- ông Tình phàn nàn.

“Ở đây đất hẹp, nước uống không có. Cả bản chỉ có 88 ha đất sản xuất nhà nước phân cho càng ngày càng cằn cỗi, chỉ trồng được một ít keo tai tượng. Dân muốn phát thêm để gieo trồng cũng không được vì xung quanh đều là rừng. Ăn Tết xong, nếu không có trợ cấp có lẽ đói cả bản”. Vườn nhà ông Tình chỉ có một ít mía, vài cây chuối, nhiều ô đất cây dại mọc. “Ở Kim Đa không có điện, không có đường, phải đi xuồng, nhưng nương rẫy nhiều, chăn nuôi trâu bò thoải mái. Nhà tôi không bao giờ thiếu gạo, thiếu cá. Vậy mà từ khi về đây, nhìn thì hoành tráng nhưng lúc nào cũng lo đói".  

Cuộc sống người Ơ Đu ở Văng Môn khó khăn, xã không phải là không biết. Nhưng khi chúng tôi hỏi giải pháp, mấy vị cán bộ đều có chung câu trả lời: "Xã rất quan tâm nhưng khó là không còn quỹ đất sản xuất. Chúng tôi đang đề nghị trên xem xét, giải quyết nguyện vọng của bà con".  

Quên ngôn ngữ 

Cái đói đang rình rập, người Ơ Đu còn đang phải đối mặt với sự biến mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình.  

Do số dân ít, lại sống xen kẽ lâu năm với người Khơ Mú và người Thái nên người Ơ Đu gần như bị hòa tan. Họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Thái, lấy họ theo người Thái, ăn mặc như người Thái và chủ yếu lấy vợ người Thái.  

Khi tập trung dân Ơ Đu về Văng Môn, các cấp ban ngành liên quan đều có chung hi vọng, lối sinh hoạt cộng đồng sẽ giúp họ tìm lại được bản sắc. Huyện Tương Dương cũng đã tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Ơ Đu kết hợp với các hoạt động lưu giữ các phong tục, tập quán của tộc người này. Năm 2007, một lớp học tiếng Ơ Đu cho 60 người được mở theo hình thức mỗi gia đình cử một người đi học. Những người biết tiếng Ơ Đu được mời đứng lớp. Những chà pa là ăn cơm, chom pay là uống nước, chom ray là uống rượu... vang lên trong từng lớp học mượn nhà dân. Tuy nhiên khi vừa bước ra khỏi cổng họ lại líu ríu với nhau bằng… tiếng Thái. 

“Trước mình không nói được tiếng dân mình đâu. Khi đi học, được phát một quyển sách, có mấy cụ hướng dẫn mình nói được nhiều. Nhưng lâu không nói, giờ lại quên rồi, không thuộc tiếng nào nữa”, vợ trưởng thôn Tình bối rối khi tôi nhờ nói thử một vài tiếng Ơ Đu. 

Ở Văng Môn giờ chỉ có 6 cụ già nói được khoảng 90% tiếng Ơ Đu.

Một dự án về bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu cũng đang được Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Nghệ An triển khai. Theo đó, dự án này sẽ được triển khai trong 5 năm  (2009 - 2014) tập trung vào xây dựng một nhà văn hóa cộng đồng, bảo tồn tiếng nói và khôi phục một số nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, khi tôi hỏi ông Tình triển khai đền đâu, ông lắc đầu không biết.

Cụ Lo May Nghệ (72 tuổi), một trong số ít già làng đó ngồi trầm ngâm ra chiều suy nghĩ rồi buột miệng: "Học thì học nhưng có ai nói đâu. Mỗi năm chỉ học một lần, nói vài ba bữa rồi thôi. Như chúng tôi, giả sử có muốn nói cũng khó vì ít người biết quá. Mà không chỉ mỗi tiếng nói thôi đâu, từ ngày về quê mới, nhiều phong tục cũng dần mất nốt". Đã khá lâu từ ngày rời quê cũ, già Nghệ không được ăn món pá bọc, đặc sản của đồng bào mình. Pá bọc là món "thập cẩm" gồm rau, cà, hoa chuối, lá môn được trộn chung với cá, lòng cá, thịt lợn đen, thịt chuột rừng trong những ống nứa khắc hoa văn ánh lên màu vàng ruộm.

Thường chỉ dịp đám cưới hoặc có khách quý dưới xuôi lên thì già Nghệ mới mang ra đãi. Già Nghệ lấy que chọc trong ống nứa cho mọi thứ nhỏ vụn ra rồi hơ lên bếp lửa. Khi ống nứa sôi lên, nước ứa ra là ăn được. Rượu Lậu sả thô là thứ rượu riêng của người Ơ Đu được chưng cất theo một công thức rất đặc biệt. Màu giọt rượu nâu như mật ong, uống chạm vào lưỡi ấm nồng, vào đến cổ nóng ran và khi cạn chén một vị ngọt bùi dâng lên. Già Nghệ rót rượu Lậu sả thô ra và lại trầm ngâm “Rượu thì ngon mà không có cô dâu chú rể thì cũng thấy đắng lắm”. Rồi như thể giải thích, già Nghệ phàn nàn rằng, người Ơ Đu về Văng Môn không phải không có đám cưới nhưng chẳng ai say sưa bên vò lậu sả thô, mời nhau pá bọc. "Bây giờ họ thuê rạp, loa máy linh đình chứ không uống rượu hát hò cùng nhau như ngày xưa ở trên núi rừng Kim Đa nữa".  

Quên ngôn ngữ, người Ơ Đu cũng không còn nhớ cách dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Từ bản Văng Môn chạy qua bản Bột của người Thái chỉ một đoạn đường. Với người lạ, chỉ có thể phân biệt hai tộc người này nhờ... dãy nhà đánh số.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm