| Hotline: 0983.970.780

Nhớ một cái tết đã xa thời kỳ bao cấp

Chủ Nhật 18/02/2018 , 13:15 (GMT+7)

Đó là những năm 80 của thế kỷ trước. Sau cuộc chiến tranh dài ba mươi năm, lại đang ở thời kỳ bao cấp, đời sống của nhân dân ta lúc này thật sự là đã ở vào tình cảnh vô cùng khốn khó.

Cái ăn vốn là nỗi ẩn ức hàng ngày không buông tha ai, giờ cái Tết lại rập đến. Trong khi tiếc thay Tháng Tám đói qua, tháng Ba đói kiệt. Tết đến sau lưng, con trẻ thì mừng, ông bà thì lo, mấy câu thành ngữ tục ngữ có từ những ngày xửa ngày xưa, giờ vẫn là thực cảnh ngày ngày.

Mua hàng trước Tết thời bao cấp (Ảnh: Internet)

Thành ra, cơ quan tôi tuy là một đơn vị hoạt động trong ngành văn hóa tinh thần, nhưng tết đến thì từ vị thủ trưởng đến anh thư ký đoàn, ai ai cũng đều phải xắn tay áo lên chăm lo việc cải thiện đời sống cho anh em. Vấn đề đặt ra là ngoài số lương thực thực phẩm theo chế độ tem phiếu nhà nước cấp (mỗi người nửa cân thịt lợn, nửa ký gạo nếp, mấy lạng đậu xanh, gói mì chính, xấp bánh đa nem…) thì rõ ràng là cần có thêm thịt để đáp ứng cái yêu cầu ăn Tết, cái nhu cầu tối thiểu no ba ngày Tết cho anh em. Cụ thể là cần có thêm một lượng thịt gà hoặc thịt lợn, nhất là thịt lợn. Thịt lợn để làm nhân bánh chưng. Để gói giò. Để làm nem. Để nấu đông. Để nấu bát mọc đặt trên bàn thờ tổ tiên.

Nhu cầu là thế, nhưng lúc này người khôn của khó, kiếm đâu ra bây giờ?

***

Vui làm sao khi trong tay xách một suất thịt nọ đi về nhà chiều hăm tám Tết này. Nhà văn Võ Huy Tâm, tác giả tiểu thuyết "Vùng mỏ", "Những người thợ mỏ", bậc văn chương đàn anh của chúng tôi, lúc này cũng đang ở trong tâm trạng ấy. Trên tay lái chiếc xe đạp đang bon bon trên con đường về quê Quảng Ninh ăn Tết một chiều ba mươi Tết của ông lúc này cũng đang lủng liểng một xâu thịt vừa được cơ quan phân cho tương tự như thế.

Chiếc xe của ông rời thành phố từ sáng. Lúc này nó mới đi được già nửa đường. Và trời đang lất phất mấy hạt mưa phùn. Hai bên đường hàng quán đã thưa thớt dần. Xa xa, sau màn mưa chiều, xóm làng biến hình chỉ còn là những vệt xám nhoè mờ. Người như mê đi trong phấn chấn, hai chân guồng vù vù, đã có những lúc ông tưởng như đang nghe thấy tiếng reo mừng của vợ con được nhìn thấy ông trở về trong nỗi mong đợi của cái Tết sum vầy.

Hào hứng và mụ mẫm vì ảo giác, bánh xe lăn tròn trên vệt đường chỉ còn mờ mờ như một vệt khói xám. Và ông chỉ biết trời đã tối sập khi vùng đen sẫm trước mặt bỗng loé lên hai vòng tròn sáng quắc, rồi cả người ông bị quầng sáng đó phủ trùm, buông tay lái ông để mặc người tung lên, rồi mê đi trong mớ âm thanh hỗn mang của một chiếc xe ô tô đang phóng như điên rồ ở phía đối diện với mình.

- Cái thằng lái xe chết tiệt nào đó phóng ẩu thế không biết!

Sờ soạng trong đêm đen, ông giống như vừa thiếp ngủ đã nhẩy vọt sang đoạn đời khác, nên lát sau anh mới ý thức được mọi chuyện vừa xẩy ra và tự hỏi. May, ông không bị xây xát gì. Vì có lẽ chỉ là do hai ngọn đèn chói lóa như mắt quái vật và do tốc độ quá lớn của chiếc xe đã khiến ông choáng ngợp và kinh hoàng thôi.

- Ai ở ngoài đường đấy. Có bận gì không?

Đứng lên, dựng chiếc xe dậy, ông nghe thấy tiếng người í ới ở bên đường. Rồi một, hai, ba vòng tròn của pha đèn pin tiến đến trước mặt ông.

- Tôi đây! Tôi bị ngã xe. Nhưng không việc gì.

- Anh về đâu mà giờ còn trên đường? Sao xe đi đêm mà không có đèn. May nhé!

- Tôi về quê ăn Tết. Các anh ở đây à?

- Công trường 10 đường bộ đây. Thôi, tối rồi, vào đây đón giao thừa với chúng tôi rồi mai xuất hành sớm.

Thì ra đây là một đơn vị cơ giới của một công trường đường bộ. Họ có hơn ba chục người. Hai mươi bốn người đã về quê ăn Tết từ hôm hai mươi bẩy. Ở lại còn có sáu người. Chiến tranh đã qua được vài năm. Nhưng vật tư, xe cộ, máy móc ngổn ngang đây đó, phải có người ở lại lo việc bảo vệ. Không cần tinh ý, ông cũng nhận ra ngay vẻ sơ sài, đạm bạc, nghèo nàn nơi mấy người này ăn ở khi bước vào. Căn nhà dài lạnh giá trống hơ trống hoải. Bếp ở đâu hồi. Cạnh bao gạo lưng lửng lăn lóc mấy quả bí đỏ và một đống khoai lang. Một đống lửa được gây lại. Một người rót chén nước mời ông. Rồi một người cao gầy như cây xậy, mặc cái áo bạt quá khổ lụng thụng dáng chừng là đội trưởng, nét mặt thật khắc khổ đặt xuống trước mặt ông một rá khoai lạnh ngắt:

- Thiếu gạo thì cạo thêm khoai. Anh ăn cho đỡ đói.

- Cám ơn các anh.

- Khéo Tết này chúng tôi chỉ có món này với gạo.

- Sao thế?

- Ông Lương nhà bếp của chúng tôi đem hết tem phiếu của năm anh em đi xuống huyện từ hôm kia, hẹn sáng hôm nay về mà giờ vẫn mất hút con bồ đề.

Ngực ông cuộn lên những tiếng rên nho nhỏ. Nhất là khi ba bốn người sau khi nghe người đội trưởng nói, người thì ngáp dài, người thì càu nhàu, tức tối. Người bảo: Hoá ra câu tục ngữ: No ba ngày tết đói ba tháng hè là sai toét. Người bảo: Rõ ràng là thằng dại làm hại thằng ngay. Ông Lương nhà bếp này một là đánh mất tiệt tem phiếu nên ù té quyền, hai là gặp tai nạn rồi. Cho đến khi người đội trưởng cao gầy dựng cây đèn pin xuống đất nói: Miễn là chớ chết cho tôi. Rồi ra cũng có lúc no xôi chán chè và cười hề hề, mọi người mới ngậm miệng im bặt. Im lặng để đôi lúc giật thót lên vì một tiếng gà gáy vọng lại và để hoà tan vào một cõi giới mênh mang đang chuyển vần.

***

Sau Tết năm ấy, nhà văn Võ Huy Tâm kể:

- Lúc ấy, sau ít phút nghỉ ngơi, tôi tỉnh táo trở lại. Nhìn quanh, thấy cả sáu người bọn họ đều đã trải chiếu, đắp chăn nằm thiu thiu quanh đống lửa, tôi liền khẽ khàng đứng dậy và bước ra ngoài. Đêm đen đặc như có thể sắt thành miếng được. Lại buốt thon thót. Nhưng lúc này mới hơn mười giờ. Bụng nghĩ, còn hai chục cây số nữa, đạp cố, hoàn toàn có thể về đến nhà trước giao thừa được, nên tôi dắt xe ra.

Lên xe, nhưng mới đạp được vài chục vòng, tôi bỗng nghe thấy tiếng người chạy đuổi, gọi với ở đằng sau. Dừng lại, chống chân xuống đất, tôi nhận ra ông đội trưởng cao gầy, lụng thụng cái áo bạt. Ông thở không ra hơi khi áp sát tôi:

- Anh gì ơi! Đấy, tệ thế đấy, còn chưa kịp biết tên nhau. Sao anh lại để lại bao nhiêu là thịt lợn như thế cho chúng tôi? Hừ, ai lại sứ giả ăn trước thành hoàng thế. Sao lại miệng thèm lại vẫn có nem đãi khách thế!

Tôi nói, tôi để lại cho các anh một nửa. Còn một nửa số thịt được cơ quan chia cho, treo ở tay lái xe, tôi đem về cho vợ con đây rồi. Các anh từ chối thì tôi buồn, tôi áy náy lắm! Người đội trưởng nắm tay tôi lắc lắc: Thế thì anh để cho chúng tôi trả tiền theo giá chợ. Rồi thốt kêu to: Ôi, sao anh không nhận! Tôi dứt ra khỏi tay níu của người nọ, dấn một vòng xe, chỉ đỗ lại khi nghe tiếng ông ta gọi ở phía sau: Thế thì cầm cái đèn pin của tôi mà soi đường. Cẩn thận, khéo ngã thì khốn. Khổ! Cùng là cánh áo ngắn mới gặp cảnh thấu lòng nhau thế này đây. Anh gì ơi! Đấy, tệ thế đấy, còn chưa kịp biết tên nhau! Anh gì ơi!

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.