| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Bến đỗ bên dòng Hương Giang

Thứ Tư 25/02/2015 , 08:47 (GMT+7)

Tác giả hơn 100 công trình công bố trên các tạp chí vật lý quốc tế, GS Phạm Quang Hưng gắn bó với Huế gần mười năm qua và đã được tặng danh hiệu “Giáo sư danh dự” Đại học Huế.

Điều phối chương trình vật lý tiên tiến

Tháng 8/2013, tôi đến Quy Nhơn dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ IX về vật lý do GS Trần Thanh Vân tổ chức.

Một chiều nắng dịu, GS Phạm Quang Hưng, ba cô nghiên cứu sinh vật lý người Việt cùng tôi thư thả ngôi uống cà phê trên sân thượng lộng gió tầng 12 khách sạn Hải Âu.

Sau một hồi trò chuyện lan man, GS Hưng quay sang giới thiệu với tôi về mấy cô nghiên cứu sinh cùng ngồi uống cà phê chiều hôm ấy.

Nguyễn Thị Diện là một “thành quả sống” của chương trình vật lý tiên tiến. Cô tốt nghiệp thủ khoa khóa I, tháng 7/2010, vượt hơn các bạn nam, được Đại học Virginia cấp học bổng sang Mỹ, viết luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh, bỏ qua bậc thạc sĩ. Thầy Hưng giao cho Diện đề tài "The electroweak-scale right handed neutrino model" (Mô hình neutrino thuận, thang điện yếu).

Còn Nguyễn Như Lê, trợ giảng ở Trường đại học Sư phạm Huế, cũng được thầy Hưng nhận làm người hướng dẫn chính. Lê sắp bảo vệ luận án tiến sĩ tại Huế, về một đề tài cũng rất hiện đại "Properties of fermions in the electroweak-scale right handed neutrinos model" (Các tính chất của fermion trong mô hình neutrino thuận, thang điện yếu).

Ngồi giữa Diện và Lê, là Trần Hương Lan, không phải là học trò thầy Hưng, mà là nghiên cứu sinh Đại học Paris 11. Lan sắp bảo luận án tiến sĩ tại Pháp; GS Hưng được mời làm người phản biện.

Ba cô Diện, Lê, Lan và một số bạn nam, nữ khác nữa, là những “hạt nhân” trong nhóm vật lý năng lượng cao mà GS Trần Thanh Vân và GS Phạm Quang Hưng đang gây dựng cho Việt Nam ta.

GS Hưng cho biết, tháng 12/1993, khi sửa soạn tổ chức Gặp gỡ Việt Nam lần thứ I tại Hà Nội, GS Vân đã gửi thư mời ông về dự. Nhưng năm đó, vợ chồng ông mới sinh cậu con trai đầu Gabriel Minh Phạm, nên không về được. Mấy năm sau, lại sinh tiếp cô con gái Viviana Kim Phạm, rồi cậu con trai út Bruno Cường Phạm (ba cái tên nửa Việt nửa Ý), nên ông cũng không về được.

Mãi tới mùa hè 2004, ông mới đưa vợ là PGS Simonetta Liuti (người Mỹ gốc Ý) và cả ba con nhỏ về dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ V, và tiện thể đi du lịch Việt Nam một chuyến.

Năm 2006, ông lại về dự Gặp gỡ Việt Nam lần thứ VI, cũng tại Hà Nội. Mấy vị lãnh đạo Đại học Huế tìm gặp ông. Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta vừa giao cho Đại học Huế thực hiện chương trình vật lý tiên tiến. Sinh viên học thẳng bằng tiếng Anh, theo chương trình vật lý của Đại học Virginia, chủ yếu do các giáo sư Mỹ và nước ngoài bay đến Huế giảng dạy.

Đại học Huế đầu tư lớn, xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện đủ sách, tạp chí chuyên ngành mới nhất.

GS Hưng được mời làm điều phối viên chương trình. Ông lần lượt mời hơn 30 lượt giáo sư Mỹ cũng như các nước phát triển khác đến Huế giảng dạy, trong đó có TS Nguyễn Trọng Hiền, nghiên cứu viên của NASA.

Khóa I tốt nghiệp tháng 7/2010, có 1 sinh viên xuất sắc, 13 giỏi, 11 khá. Hầu hết được tiếp tục học sau đại học ở Huế và ở nước ngoài.

“Gia hương quê kiểng” ở nơi đâu?

- Tôi nói hơi “văn hoa” một chút - GS Hưng tâm sự - đời tôi như lá thuyền mỏng manh trôi dạt khắp bốn phương trời! Rời nước từ năm 18, đến năm 54 tuổi, mới quay đầu trở về nơi “cố quận”! (cố quận là từ cũ, có nghĩa như cố hương). 36 năm phiêu bạt xứ người!

Nói rằng nay đã chọn được “bến đỗ”, nhưng như thế không có nghĩa sẽ về sống hẳn ở Việt Nam. Bởi lẽ tôi còn vợ và ba con bên Mỹ, “mọc rễ” ở đấy sâu quá rồi! Làm sao mà nhổ bật rễ lên, để trở về nơi “gia hương quê kiểng” được? (quê kiểng là cách đọc miền Nam của từ quê cảnh). Mà có lẽ cũng chẳng cần làm thế, phải không anh? Miễn là mình có cái tâm, thì dù sống ở nơi đâu, cũng giúp được nước nhà, trước hết là giúp lớp trẻ…

Anh Hưng sinh năm 1950 tại Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình. Chữ Hưng tên anh là đặt theo tên xã Gia Hưng.

Năm 1954, anh Hưng theo gia đình vào Nam, theo học Trường Jean-Jacques Rousseau. Trịnh Xuân Thuận cũng từng học trường này, trước vài năm.

Đỗ tú tài, anh Hưng sang Mỹ học tại Học viện Công nghệ Illinois ở Chicago. Năm 1978, anh bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA).

Xong chương trình sau tiến sĩ tại Fermilab và Berkeley, anh đến giảng dạy tại Đại học Virginia - một đại học đẳng cấp cao ở Mỹ, sau Trịnh Xuân Thuận vài năm. Anh được công nhận chức danh phó giáo sư năm 1987, rồi giáo sư năm 1995, cách đây đã 20 năm.

Tính đến nay, Phạm Quang Hưng đã công bố hơn 100 công trình trên các tạp chí vật lý quốc tế có uy tín.

Mảnh đất thanh bình, con người đoan trang, hiền thục

- Anh nhận xét ra sao về những sinh viên Huế theo chương trình vật lý tiên tiến? - Tôi hỏi GS Hưng.

- Các em đạt kết quả vượt xa, rất xa những gì tôi và các đồng nghiệp nước ngoài mong đợi! Sinh viên Đại học Virginia (viết tắt: UVA) suốt ngày nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh. Còn các em ở Huế thì chỉ dùng tiếng Anh trong giờ vật lý, toán. Bài thi như nhau. Thế mà sinh viên Huế làm không hề kém sinh viên UVA! Đã đành các em ta chăm chỉ. Nhưng, nếu không sáng dạ, thì cũng chẳng học được giỏi thế đâu! Sáng dạ, thông minh, quả là có thế. Đó là phẩm chất của lớp trẻ nước ta, là nguồn gen do ông cha trạng nguyên, bảng nhãn từ xưa truyền lại...

- Gần gũi sinh viên ta, chắc anh cảm thấy dễ mến?

- Tất nhiên! Đó chính là điều khiến tôi gắn bó với Huế, với xứ sở “thần kinh” - mảnh đất thanh bình, con người đoan trang, hiền thục (thần kinh là từ xưa, có nghĩa là kinh đô thần thánh). Nghiên cứu khoa học cũng như sáng tác nghệ thuật đòi hỏi ta chìm sâu trong suy tưởng triền miên quanh năm suốt tháng, khiến ta bất giác rơi vào cảnh... cô đơn, quạnh quẽ từ lúc nào chẳng biết! Được an ủi rất nhiều nếu như ta tìm thấy vài ba người bạn để chia sẻ buồn vui, nhất là khi vài ba người bạn ấy lại là khác giới, trẻ trung, dịu hiền, xinh đẹp! Không phải tôi chẳng biết gì về những hiện tượng tiêu cực ở đâu đó quanh ta, nhưng tôi vẫn thấy lấp lánh nơi đây những gương mặt trẻ trung, tươi sáng...

Năm 2011, Trường mùa hè BCVSPIN mở khóa học về vật lý hạt và vũ trụ học tại Huế. BCVSPIN là tên tiếng Anh viết tắt của các nước Bangladesh, China, Vietnam, Sri Lanka, Pakistan, India, Nepal - những nước có học viên theo học trường này. Nội dung thuyết trình là về những vấn đề sốt dẻo nhất trong vật lý thế giới. Người đến học có thể là một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, cũng có thể là một nghiên cứu sinh, hoặc học viên cao học, hoặc thậm chí là một sinh viên năm cuối đại học (nếu có thể nghe hiểu những nội dung vật lý mới nhất).

Đây là lần đầu tiên trường mùa hè này được tổ chức tại Việt Nam, và chọn địa điểm là Huế, theo gợi ý của GS Hưng. Bởi vì theo ông, Đại học Huế đã có kinh nghiệm tổ chức thành công một số hội nghị khoa học quốc tế. Hơn nữa, khách sạn và dịch vụ ở chốn cố đô rất tốt. Đó là chưa kể con người xứ Huế sâu nặng nghĩa tình...

Năm 2011, GS Phạm Quang Hưng được giới vật lý quốc tế cử làm đồng giám đốc (co-director) Trường mùa hè BCVSPIN. Trường thu hút 46 học viên Việt Nam và 25 học viên nước ngoài. 17 nhà vật lý có uy tín trên thế giới đã nhận lời mời đến giảng bài ở trường này.

Sau bao nhiêu năm trôi dạt, nhà vật lý Phạm Quang Hưng đã chọn “bến đỗ” bên dòng Hương Giang xanh dịu, man mác lắng nghe điệu hò mái đẩy trước bến Phu Văn Lâu:

Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá

Đò sang Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình

La đà bóng ngả trăng chênh

Giọng hò xa vọng nặng tình nước non...

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất