| Hotline: 0983.970.780

Nhớ quê: Không đâu bằng quê hương

Thứ Tư 25/02/2015 , 08:51 (GMT+7)

Những ngày Tết xa nhà tâm lý của ai cũng vậy, ra nước ngoài mới thấy cảm tưởng đặc biệt: Quê hương ở đâu thì tình cảm đối với quê hương bao giờ cũng nổi bật.

Càng xa càng nhớ

Năm 1978, tôi sang làm Đại sứ tại Australia kiêm nhiệm New Zealand. Cho đến khi hết nhiệm kỳ về nước, tôi đã đón 4 cái Tết ở đây. Càng xa Việt Nam bao nhiêu thì càng nhớ về quê hương bấy nhiêu.

Tôi lại nhớ hồi bé đi học, trong bài Quốc văn dành cho học sinh tiểu học, có bài phỏng vấn người đi du lịch. Người ấy nói rằng, tôi đi khắp nơi nhưng không đâu đẹp bằng quê hương. Về sau này tôi nghiệm ra đúng như thế. Nước nào cũng vậy, đều có cảnh đẹp, điều hay điều lạ, thế nhưng không đâu đẹp bằng quê mình.

Những ngày Tết ở nước ngoài, chúng tôi lại càng nhớ đến quê hương, càng thấy thấm thía xa nước ngày Tết vui mấy thì vui, cũng không thể nào vui bằng ở nhà. Những sinh hoạt ngày Tết trước đây bên gia đình, những kỷ niệm trong đầu dần sống lại.

Trong hoàn cảnh xa Tổ quốc, trước hết chúng tôi phải nghĩ làm thế nào để anh em trong cơ quan ăn Tết vui vẻ, đỡ nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con. Thời điểm ấy, chế độ ngoại giao của nước ta còn thiếu thốn nhiều.

Ở thủ đô Canberra, thực phẩm từ Việt Nam được nhập khẩu thường xuyên cho nên Sứ quán mua được dễ dàng như ở trong nước. Chúng tôi cũng nấu bánh chưng, gói giò... Trước Tết, anh em trong nước sang mang măng khô, miến... làm cho bữa ăn ở nước ngoài vẫn có phong vị Tết như ở trong nước.

Thứ hai là chúng tôi nghĩ đến ngày Tết dành cho kiều bào của ta đang sinh sống tại địa phương. Khẩu hiệu của chúng tôi khi đi ra công tác nước ngoài là: Làm thế nào để Việt kiều đến Sứ quán như về quê hương, bà con thấy thân mật, tình cảm như người thân trong gia đình.

Vì vậy, Tết năm nào cũng thế, Sứ quán tổ chức một bữa cơm đoàn kết vào ngày 30 Tết mời đại diện Việt kiều đến dự. Đồng thời, Sứ quán còn mời những người bạn Australia, đại diện của các tổ chức hữu nghị, cùng chung vui để bạn bè quốc tế biết phong tục, tập quán đón Tết của người Việt Nam.

Ngày Tết cũng là dịp để giới thiệu những nét đẹp văn hóa của đất nước, của quê hương. Tôi cho rằng đó là truyền thống văn hóa rất đẹp của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Cho nên, mỗi năm trò chuyện với các bạn về ngày Tết, tôi nói về mỗi chủ đề khác nhau.

Có năm, tôi nói về truyền thống tôn sư trọng đạo. Từ bé, tôi đã được dạy dỗ phải luôn nhớ đến thầy học. Tôi xuất thân trong gia đình nhà Nho nghèo. Mẹ làm ruộng vất vả để tôi được đi học từ nhỏ. Theo nếp nhà, tôi đều cố gắng học hành.

Vinh dự cho tôi năm 6 tuổi được cụ giáo Nho học dạy mở lòng chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Các thế hệ thanh thiếu niên lớn nhỏ ở hàng tổng (đơn vị hành chính trước đây, lớn hơn cấp xã và nhỏ hơn cấp huyện) đều là học trò của cụ.

Bài học truyền thống vẫn là những nội dung của Nho học, những lời khuyên về tư tưởng đạo đức, luân lý, làm việc tốt, sống lành mạnh. Cho đến nay, tôi ngoài 90 tuổi nhưng Tết nào tôi cũng về quê, đến thắp hương tưởng nhớ thầy.

Người thầy thứ hai, tôi học một năm lớp 1 ở Bắc Giang, đã rèn tôi viết chữ ngay ngắn, sạch đẹp. Nhờ đó, tôi viết chữ ngay ngắn, sạch đẹp đến giờ vẫn không thay đổi. Khi học hệ trung học trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), tôi vinh dự được là học trò của những thầy giáo là những người Việt Nam giỏi nhất đỗ đạt trong thời Pháp thuộc. Trong đó có thầy Nguyễn Mạnh Tường, năm 22 tuổi đỗ 2 bằng Tiến sĩ ở Pháp về.

Thực dân Pháp định đưa thầy Tường vào làm việc trong bộ máy chính quyền, thầy từ chối, chỉ dạy học và làm trạng sư, bảo vệ công lý. Tôi đã học thầy Nguyễn Mạnh Tường 3 năm. Vốn kiến thức về sau áp dụng cho cuộc đời của tôi cũng là xuất phát từ thời gian đó. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ ơn thầy.

Tết năm sau, tôi nói chuyện về tín ngưỡng văn hóa truyền thống thờ thần linh. Ngày Tết năm nào cũng vậy, tôi đều ra đình làm lễ thành hoàng, ra chùa lễ Phật. Thành hoàng làng tôi là cụ Nguyễn Hiền, mới 12 tuổi đi thi đã đỗ Trạng nguyên.

Tôi nghĩ rằng, dù mình là người Cộng sản nhưng vẫn có tình cảm uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn với thế hệ trước. Tôi vẫn tin rằng tổ tiên, thần phật ở trên cao xanh đang che chở cho mình, giúp đỡ mình trong mọi công việc.

Nếp nhà thanh bạch

Tất cả những hoạt động trên của tôi cũng như tất cả anh em đại sứ quán đều góp phần làm cho mình vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình, họ hàng trong một khoảng thời gian nhất định. Khi khách đã ra về, còn lại mấy anh em với nhau thôi, những ngày Tết còn lại người nào cũng vậy, đều nhớ đến gia đình ở trong nước.

Ông Nguyễn Bá Bảo sinh năm 1921, quê làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Công tác tại Bộ Ngoại giao từ năm 1950 đến khi nghỉ hưu (năm 1982), ông đã được giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Công đoàn đầu tiên Bộ Ngoại giao, Lãnh sự tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Myanmar, Đại sứ Việt Nam tại Australia và New Zealand...

Riêng về tôi, các cụ thân sinh đều đã mất nhưng ở nhà còn có họ hàng, những anh chị em ruột thịt, nên không thể nào không nhớ đến ngày vui đó ở quê hương. Tôi nghĩ đến tổ tiên, ông bà. Ngày Tết là ngày thiêng liêng nhất, nếu ở nhà, tôi sẽ đi lễ Tết, họp mặt với ông trưởng họ đại diện thờ cúng tổ tiên, thắp hương kính cáo ông bà. Rồi đi mừng tuổi những người thân nhất của mình trong gia đình còn sống ở quê.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi được chứng kiến và luôn ghi nhớ quê hương mình đã đổi thay như thế nào. Quê tôi ngày xưa, đường đi lầy lội dù có lát gạch đường vẫn xấu. Bây giờ đường làng trải nhựa, ô tô về tận cổng, đèn điện sáng trưng.

Xa quê, tôi vẫn luôn nhớ đến lời truyền dạy của tổ tiên và đã thực hiện, đến đời con tôi cũng tiếp tục thực hiện: Ông nội tôi đã đi thi Hương, đỗ Cử nhân Nho học thời Pháp thuộc. Cụ được bổ làm tri huyện. Đi làm được một năm, chán ghét chế độ thuộc địa nô dịch, cụ từ quan, về sống ở đền Ngọc Sơn, tụng kinh niệm Phật.

Cụ để lại cho các thế hệ con cháu chúng tôi đến bây giờ một đôi câu đối, tôi vẫn còn nhớ. Vế thứ nhất là: “Tầm thường khoa hoạn, khai môn hộ”. Nghĩa là, cụ tự mình tỏ ra khiêm tốn, coi việc đỗ đạt khai khoa cho dòng họ như thế cũng là tầm thường.

Vế thứ hai là: “Thanh bạch phong thanh, duệ tử tôn”. Nghĩa là, để lại cuộc sống thanh bạch, trong sạch, không có vẩn đục, xấu xa cho con cháu. Không để lại tiền bạc, cụ để lại truyền thống sống trong sạch cho con cháu trong gia đình đối với quê hương, đất nước.

Tiếp nối truyền thống tổ tiên, liên hệ trong gia đình tôi, con cháu chắt đề huề. Các con tôi đều tham gia công tác, đại bộ phận trở thành đảng viên, làm ăn sinh sống trong sạch, không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội...

Rộng hơn, trong dòng họ, các thế hệ đều giữ được nét đẹp truyền thống như vậy. Các thành viên trong dòng họ của tôi đều sống trong sạch, xây dựng quê hương giàu mạnh.

***

Khi tôi kết thúc nhiệm kỳ hơn 4 năm làm đại sứ ở Australia về nước, tình cảm của nước bạn đối với nước ta rất thắm thiết. Cho đến nay, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia phát triển nhiều mặt. Kiều bào ta sống ở nơi đây đông đúc, mỗi người sang định cư vì nhiều lý do khác nhau, hầu hết đều hướng về quê hương, tin tưởng và chung tay xây dựng đất nước.

(Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia và New Zealand)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất